Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nghiện rượu là gì? Những điều cần biết về nghiện rượu
Nghiện rượu hay lệ thuộc rượu là một tình trạng rất phổ biến trong cuộc sống của chúng ta ngày nay. Hình thức nghiện này không chỉ xuất hiện ở nam giới mà còn xuất hiện ở cả phụ nữ. Vậy nghiện uống rượu là do những nguyên nhân nào? Nó có thể gây ra những hậu quả như thế nào? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nghiện rượu là gì?
Bệnh nghiện rượu hay còn gọi là nghiện rượu, là một tình trạng mãn tính. Bảng phân loại bệnh quốc tế ICD-10 xếp loại nghiện rượu vào loại “Rối loạn hành vi và tâm thần do sử dụng các chất tác động tâm thần”. Thành phần chủ yếu trong rượu etanol được hình thành khi lên men rượu.
Rối loạn sử dụng rượu là khái niệm được sử dụng để mô tả tình trạng uống rượu một cách quá mức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ. Đây là một thuật ngữ mới kết hợp giữa khái niệm lạm dụng rượu và phụ thuộc rượu, hay còn gọi là nghiện rượu (alcoholism). Nghiện rượu là một tình trạng mãn tính và dễ tái phát bao gồm:
- Bệnh nhân sử dụng rượu thường xuyên và một cách bắt buộc
- Mất kiểm soát khi liên quan đến việc sử dụng rượu
- Tình trạng rối loạn tâm lý nặng nề khi không sử dụng rượu
Trong những giai đoạn đầu thường không có triệu chứng gì đáng kể tuy nhiên tình trạng này sẽ dần tồi tệ hơn không được điều trị và thậm chí có thể gây tử vong nếu mức sử dụng rượu quá mức.
Gần 88.000 người ở Hoa Kỳ chết vì các nguyên nhân liên quan đến rượu mỗi năm. Nếu tình trạng nghiện rượu kết hợp các yếu tố khác như hút thuốc, chế độ ăn uống kém và thiếu hoạt động thể lực, lối sống tĩnh tại có thể tăng nguy cơ tử vong. Khoảng 31% của tất cả các trường hợp tử vong khi điều khiển phương tiện giao thông có liên quan đến rượu.
Rối loạn sử dụng rượu ảnh hưởng đến gần 16 triệu người Mỹ. Mức độ nghiện rượu có thể từ nhẹ, trung bình đến nặng. Bạn cần có những thông tin hiểu biết về nghiện rượu để tránh rơi vào tình trạng này. Đây là bước đầu tiên trong việc dự phòng và điều trị các rối loạn sử dụng rượu.
Triệu chứng bệnh nghiện rượu
Nghiện rượu có các mức độ từ nhẹ, trung bình hoặc nặng, dựa trên những triệu chứng bạn gặp phải. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:
- Không thể giới hạn lượng rượu bạn uống.
- Muốn cắt giảm số lượng rượu uống hoặc thực hiện việc cắt giảm không thành công.
- Dành nhiều thời gian để uống rượu.
- Cảm thấy thèm uống rượu mạnh.
- Không hoàn thành nghĩa vụ chính tại nơi làm việc, trường học hoặc ở nhà do sử dụng rượu nhiều lần.
- Tiếp tục uống rượu mặc dù biết rằng nó gây ra các vấn đề về thể chất, xã hội hoặc giữa các cá nhân.
- Từ bỏ hoặc giảm bớt các hoạt động xã hội, công việc cũng như sở thích.
- Sử dụng rượu trong các tình huống không an toàn, chẳng hạn như đang lái xe hoặc đang bơi.
- Trải qua các triệu chứng cai nghiện – chẳng hạn như buồn nôn, đổ mồ hôi và run rẩy – khi bạn không uống hoặc phải uống rượu để tránh các triệu chứng này.
Nguyên nhân mắc bệnh nghiện rượu
Nguyên nhân chủ quan
Tình trạng nghiện rượu có thể mất từ vài năm đến vài thập kỷ để phát triển. Đối với một số người đặc biệt dễ bị tổn thương, nó có thể xảy ra trong vòng vài tháng.
Mức Dopamine trong não tăng lên sau khi uống rượu. Mức dopamine có thể làm cho việc uống rượu trở nên hài lòng hơn. Trong thời gian dài hoặc trung hạn, uống quá nhiều có thể làm thay đổi đáng kể mức độ của các chất hóa học não này. Điều này khiến cơ thể thèm rượu để cảm thấy dễ chịu và tránh cảm giác tồi tệ khi uống rượu.
Nguyên nhân xã hội, khách quan
Nguyên nhân xã hội, khách quan đồng thời cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng nghiện rượu.
Những nguyên nhân thường gặp bao gồm:
- Sử dụng hơn 15 ly mỗi tuần nếu bạn là nam, hơn 12 ly nếu bạn là nữ.
- Uống hơn 5 ly mỗi ngày ít nhất một lần một tuần (uống quá chén).
- Cha mẹ bị rối loạn sử dụng rượu, lệ thuộc rượu.
- Một vấn đề sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, lo lắng hoặc tâm thần phân liệt.
Đối tượng nguy cơ mắc bệnh nghiện rượu
Bạn cũng có thể có nhiều nguy cơ mắc chứng rối loạn sử dụng rượu hơn nếu bạn:
- Là một thanh niên đang trải qua áp lực của bạn bè
- Có lòng tự trọng thấp
- Trải qua mức độ căng thẳng cao trong học tập, cuộc sống, công việc.
- Sống trong một gia đình hoặc nền văn hóa nơi việc sử dụng rượu bia phổ biến và được chấp nhận.
- Có người thân mắc chứng rối loạn sử dụng rượu.
Những hoàn cảnh thúc đẩy sử dụng rượu có thể dẫn đến nghiện rượu:
- Thất nghiệp, không có việc làm hoặc bị đuổi việc.
- Thi hỏng (tốt nghiệp, đại học).
- Thất tình.
- Bạn bè rủ rê, dụ dỗ,…
- Lo âu hoặc trầm cảm;
- Có hành vi chống đối xã hội;
- Uống rượu từ lúc còn nhỏ tuổi.
Chẩn đoán bệnh nghiện rượu
Tiêu chuẩn chẩn đoán nghiện rượu (ICD-10):
- Thèm muốn mãnh liệt không thể ngăn cản và bắt buộc phải uống rượu.
- Giảm hoặc ngừng uống rượu là một việc làm rất khó khăn.
- Có những chứng cứ về khả năng dung nạp rượu như tăng liều.
- Dần dần sao nhãng những thú vui trước đây vốn ưa thích.
- Vẫn tiếp tục uống rượu, mặc dù biết những hậu quả tai hại của nó.
Chú ý: Chỉ được chẩn đoán nghiện rượu khi có từ 3 triệu chứng trở lên và biểu hiện trong vòng 1 năm trở lại đây.
Phòng ngừa bệnh nghiện rượu
Để phòng ngừa nghiện rượu một cách hiệu quả, bạn cần:
- Kiểm soát lượng rượu bạn uống vào.
- Tham gia các hoạt động thể dục thể thao để giải tỏa tinh thần tránh sa đà vào bia rượu.
- Thường xuyên tâm sự chia sẻ với bạn bè, người thân về áp lực cuộc sống, tránh việc lạm dụng rượu bia giải sầu.
- Thay thế đồ uống có cồn bằng các loại nước ép trái cây để tốt cho sức khỏe.
- Tập từ chối các lời mời đến sự kiện bia rượu nếu không cần thiết.
Điều trị nghiện rượu như thế nào?
Việc điều trị rối loạn nghiện rượu không hề đơn giản. Đôi khi, người bệnh cần sự hỗ trợ kết hợp của bác sĩ tâm thần và các chuyên gia tâm lý. Một số phương pháp điều trị cơ bản bao gồm:
- Sự tự phấn đấu bỏ rượu của bản thân. Người bệnh sẽ giảm dần lượng rượu uống vào, sau cùng là ngưng rượu hoàn toàn.
- Gia đình, bạn bè, người thân động viên.
- Sự tư vấn từ chuyên gia tâm lý. Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) thường được sử dụng.
- Thuốc giảm cảm giác thèm rượu: Naltrexone.
- Thuốc cai rượu: Disulfiram làm cho người bệnh xuất hiện những triệu chứng khó chịu khi uống say. Từ đó, người bệnh sẽ sợ và dần dần bỏ rượu.
- Điều trị hỗ trợ: thuốc bổ gan, vitamin nhóm B, thuốc dưỡng não,…
Nói chung, tình hình nghiện rượu hiện nay rất phức tạp. Để đẩy lùi những tiêu cực do sử dụng rượu gây nên còn là một vấn đề nan giải. Biện pháp tốt nhất là mỗi người nên tự tìm hiểu và ý thức được những tác hại của lạm dụng rượu, từ đó, có thể tránh được những hậu quả khôn lường do uống rượu và lệ thuộc rượu gây ra.