Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Nhiễm trùng ối là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp phòng ngừa
Nhiễm trùng ối là một trong những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm nhất không chỉ đối với thai nhi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ, khả năng mang thai sau này của người mẹ. Cùng tìm hiểu về căn bệnh này qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Nước ối là một lớp bảo vệ vững chắc cho thai nhi trong suốt quá trình mang thai. Bình thường nước ối có màu trong suốt, khi quan sát sát thấy nước ối chuyển màu xanh đục, có lẫn mủ, có mùi hôi khó chịu thì rất có khả năng mẹ đã bị nhiễm trùng ối trong tử cung.
Nhiễm trùng ối (nhiễm khuẩn ối) là tình trạng nhiễm khuẩn của màng ối và dịch ối bao quanh và bảo vệ thai nhi gây nên bởi các vi khuẩn phổ biến như E. Coli và liên cầu khuẩn nhóm B gây viêm nhiễm âm đạo, vi khuẩn này xâm nhập chủ yếu qua đường âm đạo. Nhiễm trùng ối là nguyên nhân chính gây vỡ ối non trước 37 tuần của thai kỳ và sinh non.
Triệu chứng nhiễm trùng ối
Triệu chứng nhiễm trùng ối có thể bao gồm:
- Tính chất nước ối: nước ối rỉ ra từ âm đạo có màu xanh đục như lẫn mủ, mùi hôi
- Trường hợp màng ối còn nguyên khám thấy nhiều dịch âm đạo, mùi khó chịu
- Biểu hiện nhiễm trùng như sốt, công thức máu có số lượng bạch cầu tăng cao và một số xét nghiệm khác có biểu hiện nhiễm trùng
- Khám lâm sàng thấy tử cung đau và mềm
- Nhịp tim của mẹ lẫn thai đều tăng
Nguyên nhân nhiễm trùng ối
Nhiễm trùng ối có thể do rất nhiều nguyên nhân và có thể bắt nguồn từ trước khi mẹ mang thai hoặc trong thai kỳ. Cụ thể:
- Nhiễm khuẩn trước khi mang thai: Người mẹ có thể bị viêm nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn khiến vi khuẩn E.Coli, liên cầu nhóm B hoặc vi khuẩn kỵ khí xâm nhập và tấn công vào cơ thể. Chúng tồn tại và bám sâu vào bên trong, gây viêm màng ối, có thể dẫn đến vỡ ối vào bất cứ thời điểm nào của thai kỳ.
- Nhiễm trùng trong khi mang thai: Vì một số lý do nào đó mà ối bị vỡ, để lâu không phát hiện và điều trị kháng sinh kịp thời khiến vi trùng từ âm đạo tấn công vào buồng ối dẫn tới tình trạng nhiễm trùng ối.
Đối tượng có nguy cơ
Nếu thuộc những đối tượng sau đây, mẹ bầu sẽ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn ối rất cao:
- Mang thai khi còn ít tuổi (dưới 21 tuổi).
- Có tiền sử bị nhiễm khuẩn ối trong những lần mang thai trước.
- Bị viêm nhiễm âm đạo nhưng không được chữa trị hoàn toàn.
- Vỡ ối sớm, quá trình chuyển dạ kéo dài.
Chẩn đoán nhiễm trùng ối
Việc chẩn đoán nhiễm trùng ối của bác sĩ sẽ chủ yếu dựa vào triệu chứng của thai phụ như biểu hiện nhiễm trùng, sốt cao rét run, nhịp tim tăng cao, đau tử cung…
Ngoài ra còn căn cứ vào các yếu tố khác như:
- Tính chất nước ối: màu xanh lẫn mủ kèm mùi hôi khó chịu
- Khám lâm sàng: tử cung mềm đau, không còn màng ối,…
Xét nghiệm chẩn đoán nhiễm trùng ối là vô cùng cần thiết đối với những mẹ bầu chuẩn bị sinh. Trường hợp thai phụ có hiện tượng chuyển dạ sớm cần chọc ối để xét nghiệm. Nếu kết quả cho thấy nồng độ Glucose thấp, nồng độ bạch cầu và vi khuẩn cao thì có thể khẳng định mẹ bầu bị nhiễm trùng ối thai kỳ.
Phòng ngừa bệnh nhiễm trùng ối
Nhiễm trùng ối là một tình trạng nghiêm trọng với nguy cơ biến chứng cao cho cả mẹ và con, nhiễm trùng ối do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể phòng bệnh bằng các biện pháp như:
- Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thoáng mát
- Điều trị triệt để viêm nhiễm âm đạo trước khi quyết định có thai.
- Nếu mẹ có nguy cơ bị sinh non cao, cần được sàng lọc nhiễm khuẩn âm đạo vào thời gian cuối của 3 tháng giữa thai kỳ. Phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.
- Khi chuyển dạ, bác sĩ sẽ phải giảm tối thiểu số lần kiểm tra âm đạo trong lúc chuyển dạ, đặc biệt là trong trường hợp chuyển dạ sớm.
- Nếu bị rỉ ối, cảm giác như bị són tiểu. Nếu thấy vùng kín thường xuyên ẩm ướt, nên đi khám hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa phụ sản. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, cần phải theo dõi liên tục, siêu âm khối lượng ối, lấy dịch ối để kiểm tra xem có phải rỉ ối.
Điều trị nhiễm trùng ối như thế nào?
Thai phụ sau khi được chẩn đoán mắc nhiễm trùng ối sẽ cần được can thiệp điều trị ngay để ngăn ngừa xảy ra biến chứng, giảm thời gian điều trị, tăng khả năng hồi phục. Theo đó, kháng sinh là biện pháp điều trị hiệu quả, các loại thuốc đang được ứng dụng để điều trị nhiễm khuẩn ối đó là Ampicillin (Principen), Penicillin (penvk), Gentamicin (Garamycin), Clindamycin (Cleocin), Metronidazole (Flagyl).
Trong quá trình điều trị, nếu tình trạng nhiễm trùng chuyển biến tốt, đáp ứng thuốc thì kháng sinh sẽ được chỉ định ngừng và mẹ bầu có thể xuất viện để theo dõi tại nhà.
Nhiễm trùng ối là tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi, cần phát hiện và ngăn ngừa sớm. Hy vọng bài viết này đã cung cấp các thông tin cần thiết để bạn có thể kịp thời theo dõi tình trạng của bản thân và gia đình.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.