Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Phù nề là gì? Những điều cần biết về phù nề
Bị phù nề có thể là triệu chứng của nhiều căn bệnh. Phù có thể xuất hiện ở bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, tuy nhiên, vị trí bị phù thường gặp là bọng mắt, tay, cánh tay, bàn chân, mắt cá chân và chân. Cùng tìm hiểu về bệnh lý này qua bài viết sau.
Tổng quan chung
Phù nề được xem là hiện tượng sưng bọng ở các vùng khác nhau trên cơ thể thường xuất hiện nhất ở da, đặc biệt là trên bàn tay, tay, mắt cá chân, chân và bàn chân. Tuy nhiên, phù nề cũng có thể ảnh hưởng đến cơ, ruột, phổi, mắt và não.
Triệu chứng phù nề
Tùy vào nguyên nhân gây phù và vị trí bị phù, cơ thể sẽ có biểu hiện phù nề khác nhau, trong đó, sưng, đau là hai biểu hiện chính và phổ biến. Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy cơ thể bị phù:
- Da sưng, căng lên và có màu sáng hơn.
- Dùng tay ấn nhẹ thấy da bị lõm vào trong, phải mất khoảng vài giây mới quay về trạng thái ban đầu.
- Sưng ở bọng mắt, mặt hoặc mắt cá chân.
- Đau khớp và khắp cơ thể.
- Tăng hoặc giảm cân
- Quan sát tĩnh mạch ở tay và cổ sẽ thấy hiện rõ và đầy đủ hơn bình thường.
- Người bị phù có nhịp tim và huyết áp cao hơn bình thường.
- Đau đầu, rối loạn thị giác, hay quên.
- Đau bụng, buồn nôn, nôn, thay đổi thói quen đại tiện.
Nguyên nhân phù nề
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra phù, bao gồm:
- Mức Albumin thấp: hay còn gọi là hạ đường huyết. Thông thường, albumin cùng với các protein khác trong máu giữ vai trò quan trọng trong việc duy trì các chất lỏng bên trong mạch máu. Nồng độ albumin thấp có thể gây ra phù.
- Phản ứng dị ứng: phù là một triệu chứng điển hình nhất của các phản ứng dị ứng. Để đáp ứng lại các chất dị ứng, các mạch máu gần đó sẽ rò rỉ ra các chất lỏng đi vào các khu vực bị ảnh hưởng.
- Tắc nghẽn mạch máu: tình trạng này có thể làm xuất hiện các cục máu đông trong tĩnh mạch sâu ở chân, từ đó gây ra hiện tượng phù chân.
- Bệnh hiểm nghèo: nhiễm trùng, bỏng hoặc các căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng khác có thể gây ra các phản ứng tạo điều kiện cho chất lỏng rò rỉ vào khắp các mô trong cơ thể. Điều này có thể gây phù nề toàn thân.
- Suy tim sung huyết: khi tim hoạt động yếu đi hoặc chức năng bơm máu trở nên kém hiệu quả sẽ khiến tích tụ từ từ các chất lỏng dư thừa, dẫn tới phù chân, phù phổi hoặc bụng.
- Bệnh gan: các loại bệnh gan nghiêm trọng, như xơ gan sẽ khiến cơ thể bị giữ nước, gây phù chân hoặc bụng. Bên cạnh đó, xơ gan còn làm giảm nồng độ albumin và các protein trong máu.
- Bệnh thận: hội chứng thận hư là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng phù chân nghiêm trọng, thậm chí là phù toàn thân.
- Thai kỳ: hiện tượng phù chân nhẹ là một triệu chứng khá phổ biến trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, một số biến chứng nguy hiểm khác của thai kỳ, bao gồm tiền sản giật và huyết khối tĩnh mạch sâu cũng có thể gây ra phù.
- Chấn thương ở đầu: các tình trạng như hạ natri máu, say độ cao, khối u ở não hoặc tràn dịch não có thể gây ra phù não, kèm theo một số triệu chứng, như nhầm lẫn, đau đầu, hôn mê và bất tỉnh.
- Thuốc: nhiều loại thuốc có thể gây ra các triệu chứng sưng hoặc phù chân nhẹ.
Đối tượng nguy cơ
Các đối tượng nguy cơ cao bị phù nề bao gồm những người có các yếu tố sau đây:
- Người già: Tuổi tác là yếu tố chính khiến người cao tuổi dễ bị phù nề do sự suy giảm chức năng của hệ thống mạch máu và thận.
- Người dễ bị tắc nghẽn mạch máu: Những người có bệnh tiểu đường, béo phì, bệnh tim mạch, huyết áp cao hay tiền sử bệnh mạch máu nặng cũng có nguy cơ cao hơn.
- Phụ nữ mang thai: Do sự thay đổi nội tiết tố và áp lực từ thai nhi có thể gây ra phù nề.
- Người phải ngồi hoặc đứng lâu: Các công việc yêu cầu ngồi hoặc đứng lâu dài, như lái xe, làm việc văn phòng hoặc công việc y tế, có thể dẫn đến phù nề.
- Người phải dùng thuốc: Sử dụng các loại thuốc như thuốc tránh thai, thuốc điều trị nội tiết tố hoặc thuốc corticosteroid có thể làm tăng nguy cơ phù nề.
- Người có tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có người mắc bệnh phù nề, nguy cơ cho các thành viên còn lại cũng tăng lên.
Chẩn đoán
Thông thường để chẩn đoán phù nề sẽ có một số phương pháp sau:
Bệnh sử
- Vị trí xuất hiện phù
- Thời gian xuất hiện triệu chứng, giúp phân biệt nguyên nhân bẩm sinh hay mắc phải
- Các triệu chứng kèm theo hướng đến bệnh lý cơ quan như khó thở trong phù phổi
- Các dấu hiệu hướng đến chẩn đoán viêm họng do liên cầu khuẩn trong trường hợp viêm cầu thận cấp hậu nhiễm
- Tiền sử gia đình trong bệnh phù mạch có tính chất gia đình
- Tình trạng tăng cân đột ngột trong hộ chứng thận hư
- Tiền sử dị ứng dùng thuốc gợi ý phù mạch do dị ứng
Khám lâm sàng
Đánh giá mức độ phù: Phù ngoại vi có thể phát hiện bằng dấu ấn lõm, thường xuất hiện vùng hai chân khi bệnh nhân ở tư thế đứng, hoặc vùng cụt nếu bệnh nhân thường xuyên nằm
Xét nghiệm cận lâm sàng
- Xét nghiệm sinh hóa (creatinin huyết thanh, protein, albumin, chức năng gan), siêu âm tim, các xét nghiệm gợi ý hoặc xác định nguyên nhân phù.
- Xét nghiệm lắng cặn nước tiểu có thể phát hiện tiểu máu, tiểu bạch cầu hướng đến các bệnh lý về thận
- Siêu âm thận: Đây là một xét nghiệm an toàn cung cấp nhiều thông tin nên được chỉ định trong đa số bệnh nhân thận. Siêu âm cho thông tin về kích thước thận, thận đa nang, thận ứ nước.
- X quang ngực: Phát hiện suy tim phù phổi
Phòng ngừa bệnh phù nề
Phù nề là một vấn đề sức khỏe phổ biến có thể được ngăn ngừa trong một số trường hợp. Dưới đây là một số biện pháp có thể áp dụng để giảm nguy cơ phù nề:
- Vận động thường xuyên: Thực hiện các bài tập vận động thể dục định kỳ như đi bộ, chạy bộ, bơi lội hoặc yoga để duy trì sự lưu thông máu và giảm thiểu sự lắng đọng chất lỏng.
- Nâng chân khi nằm nghỉ: Khi nằm nghỉ, đặt một gối hoặc gói vải dưới chân để giữ chân ở mức cao hơn so với mức tim đều khiến chất lỏng ít bị tích tụ hơn.
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Giảm cường độ natri và tăng cường uống nước có thể giúp hạn chế phù nề.
Điều trị phù nề như thế nào?
Trước hết, để điều trị phù nề, bạn cần tìm ra nguyên nhân cơ bản của nó. Ví dụ như, khi bị phù do dị ứng, bạn phải điều trị bằng thuốc dị ứng.
- Đối với chứng phù nề ở chân do cục máu đông sẽ được điều trị bằng thuốc chống đông máu. Loại thuốc này có tác dụng phá vỡ các cục máu đông và giúp ngăn ngừa nguy cơ rò rỉ chất lỏng. Ngoài ra, các khối u chặn máu hoặc hạch bạch huyết có thể được thu nhỏ và loại bỏ thông qua các phương pháp phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị.
- Phù chân có liên quan đến bệnh gan và suy tim sung huyết có thể được điều trị bằng thuốc lợi tiểu, như furosemide (Lasix). Loại thuốc này giúp kích thích cơ thể đi tiểu nhiều hơn, từ đó làm cho các chất lỏng tích tụ ở chân có thể chảy ngược vào máu.
- Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế lượng natri nạp vào cơ thể để ngăn ngừa và điều trị hiệu quả các chứng phù nề.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến cơ thể bị phù nề. Do đó, người bệnh cần theo dõi, nắm bắt biểu hiện phù, đến thăm khám bác sĩ sớm và điều trị, nếu bị phù trong thời gian dài. Nếu phù nề gây khó thở sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.