Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Răng mọc kẹt là gì? Những điều cần biết về răng mọc kẹt
Răng mọc kẹt là tình trạng cái răng đó không đủ chỗ để mọc lên bình thường hoặc răng mọc nghiêng, siêu vẹo hoặc mọc ngang và thường xảy ra ở trường hợp mọc răng khôn. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Răng mọc kẹt là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Thuật ngữ “mọc kẹt” có nghĩa là cái răng đó không có đủ chỗ để mọc lên bình thường hoặc hướng mọc của cái răng đó bị nghiêng làm cho nó không mọc lên được. Mọc kẹt hay còn được biết đến là mọc ngầm và thường gặp ở răng khôn.
Bất kỳ chiếc răng nào cũng có thể gặp phải tình trạng mọc ngầm. Trong quá trình phát triển của răng vĩnh viễn, các bé cũng có thể gặp phải tình trạng này. Điều này thường là do răng sữa không rụng hoặc do có u nang hay một tác nhân khác khác chặn hướng mọc lên của răng vĩnh viễn. Khi đó, răng có thể mọc không đúng vị trí và không thể nhô lên khỏi nướu.
Triệu chứng
Khi đến tuổi thay răng mà răng sữa cần thay vẫn trên cung, răng vĩnh viễn ở cung răng đối diện đã mọc, niêm mạc vùng vòm miệng hoặc tiền đình tương ứng gồ lên, các răng vĩnh viễn lân cận chết tủy (răng bị đổi màu), lung lay, thân răng bên cạnh bị nghiêng,… Bên cạnh đó, khi sờ vào dọc ổ xương răng, vùng lợi sẽ cảm thấy phần cứng như răng trồi lên bất thường.
Khi răng mọc ngầm có thể gây ra có triệu chứng kèm theo ê buốt, đau nhức, hôi miệng, đắng răng,… Nếu không được can thiệp sớm, tình trạng răng mọc ngầm sẽ xô lệch làm tổn thương dây thần kinh răng hàm, gây đau nhức kéo dài và lan rộng lên hoặc dẫn đến viêm nướu, sâu răng.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây răng mọc kẹt thường gặp nhất là do không đủ chỗ ở sau răng số 7, răng số 7 thường mọc khoảng từ 12 – 13 tuổi, trước răng khôn ít nhất 5 năm. Vì sự không tương xứng giữa kích thước răng và kích thước phần xương hàm còn trống, làm cho răng khôn là răng mọc sau cùng sẽ không có đủ chỗ.
Do chế độ ăn thức ăn mềm và nhiều dinh dưỡng, răng mòn ít nên kích thước răng không bị nhỏ đi, cộng với việc xương hàm ít hoạt động nên xương hàm nhỏ đi. Hai lý do này làm cho răng khôn không đủ chỗ để mọc, gây ra tình trạng mọc kẹt.
Đối tượng nguy cơ
Một số yếu tố nguy cơ kể tới là:
- Do gen di truyền, trong gia đình đã có người thân như ông bà, cha mẹ mọc răng ngầm.
- Do cơ thể phát triển chậm chạp làm cho sự phát triển của răng cũng bị chậm theo.
- Nhổ răng sữa quá sớm khiến các răng kế cận di chuyển sang dẫn đến mất khoảng, kích thước xa gần của hốc mũi giảm đi, mầm răng lạc chỗ,…
- Răng khôn không có đủ diện tích trống trên cung hàm để mọc lên đúng hướng, đúng vị trí gây ra tình trạng mọc ngầm.
Chẩn đoán
Răng mọc kẹt chẩn đoán khá dễ, phần lớn trường hợp chỉ cần khai thác các biểu hiện lâm sàng và dùng các dụng cụ khám răng thông thường có thể phát hiện được.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định chụp X quang răng để đánh giá cấu trúc răng mọc kẹt và xương hàm một cách chi tiết. Trên phim X quang răng, có thể thấy rõ mức độ kẹt, trục răng, các tổn thương lân cận. Từ đó giúp chẩn đoán xác định răng mọc kẹt, mức độ nặng hay nhẹ, và có tổn thương vùng xung quanh hay không.
Phòng ngừa bệnh
Răng mọc ngầm là tình trạng hầu như không thể can thiệp, vì đây là quá trình mọc răng và phát triển răng tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên việc thăm khám nha khoa định kỳ thường xuyên mỗi 6 tháng để làm sạch răng và kiểm tra sức khỏe răng miệng sẽ tạo điều kiện cho nha sĩ theo dõi sự phát triển và quá trình mọc của răng. Chụp X-quang răng giúp cập nhật thường xuyên sức khỏe của răng khôn trước khi có bất kỳ triệu chứng bất thường nào.
Điều trị như thế nào?
Răng ngầm đặc biệt răng nanh có nhiều vai trò rất quan trọng trên cung răng nên ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng không thể giữ lại được thì mới chỉ định nhổ bỏ còn những trường hợp khác nên điều trị bảo tồn kéo răng ra ngoài và sắp xếp lại đúng vị trí của nó.
Nếu trường hợp các răng vĩnh viễn mọc ngầm được phát hiện kịp thời, có thể điều trị nắn chỉnh răng để đưa về đúng vị trí trên cung răng. Tại các cơ sở y tế uy tín, chuyên môn cao, với sự hỗ trợ của công nghệ 3D các bác sĩ có thể xác định chính xác vị trí răng ngầm, nhờ đó tỷ lệ kéo răng ngầm thành công ngày càng cao.
Trường hợp răng mọc ngầm dị dạng, hình thể bất thường hoặc mọc theo hướng không thuận lợi (mọc ngược) hoặc nằm ở vị trí quá cao, hoặc do phát hiện quá muộn… có thể cân nhắc phẫu thuật lấy bỏ răng ngầm. Vì vậy, việc khám định kỳ răng miệng là vô cùng quan trọng, nhất là trẻ nhỏ giai đoạn mọc răng, thay răng nhằm phát hiện răng mọc ngầm và điều trị kịp thời.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về răng mọc kẹt. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.