Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Răng thừa là gì? Những điều cần biết về răng thừa
Răng mọc thừa ở hàm có thể gây ra nhiều tác động đáng kể đến sức khỏe răng miệng và thẩm mỹ. Khi số lượng răng vượt quá hàm răng bình thường, sẽ dẫn đến tình trạng răng mọc chen chúc và lệch lạc, khiến vệ sinh răng miệng khó khăn, tăng nguy cơ sâu răng và bệnh nướu răng. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ một số thông tin về những điều cần biết về răng thừa
Tổng quan chung
Răng là một phần quan trọng của hệ tiêu hóa giúp nghiền nát thức ăn trước khi nuốt. Hầu hết người trưởng thành có đủ 32 chiếc răng. Trẻ em từ 4 tháng tuổi – 6 tuổi có 20 chiếc răng sữa, sau đó răng sữa rụng đi và nhường chỗ cho răng vĩnh viễn.
Răng thừa là răng mọc thêm. Ngoài những răng bình thường thì các răng thừa có thể chen lấn mọc vào kẽ, lệch ra ngoài hoặc bên trong hàm. Răng thừa phổ biến nhất là ở răng cửa hàm trên và răng vĩnh viễn. Điển hình có thể kể đến một số trường hợp răng mọc thừa như:
- Răng mọc chồi, răng khểnh: Là răng trồi ra bên ngoài răng chính, mọc chen chúc, răng mọc thừa phía trên, có hình dáng dị dạng, không giống răng bình thường. Răng thừa này thường nhỏ hơn răng vĩnh viễn và không có bất kỳ chức năng nào.
- Răng mọc lẫy: Xảy ra trong thời gian trẻ em mọc răng vĩnh viễn. Đây là hiện tượng răng cửa mọc hàm dưới mọc lệch so với tiêu chuẩn vị trí trên cung hàm.
Răng khôn: Là 4 răng mọc thừa phía trong ở cả hai hàm hai bên. Răng khôn thực chất không có nhiệm vụ rõ ràng, thường mọc lệch, mọc ngầm, mọc chen lấn với răng bên cạnh và được xem là răng thừa cần được xử lý.
Triệu chứng
Răng thừa không phải là trường hợp phổ biến trong cộng đồng, có thể có triệu chứng hoặc không tùy thuộc vào vị trí mọc răng.
- Răng thừa có thể không gây ra bất kỳ triệu chứng nào hay ảnh hưởng đến sức khỏe, chỉ được tình cờ phát hiện khi thăm khám chuyên khoa hoặc khi chụp phim X-quang răng.
- Răng thừa ở vị trí giữa 2 răng cửa giữa hàm trên thường gặp nhất và biểu hiện sớm ở thời kỳ răng hỗn hợp của trẻ bằng khe thưa bất thường giữa 2 răng cửa.
- Một số trường hợp, răng thừa gây nên tình trạng dắt thức ăn, khó vệ sinh răng miệng có thể dẫn đến sâu răng hoặc viêm lợi vùng kẽ.
- Răng thừa ngầm cũng có thể hình thành nang răng, gây đè đẩy và tiêu chân răng lân cận, tiêu xương và ảnh hưởng trực tiếp tới chức năng ăn nhai, cuộc sống của người bệnh.
Nguyên nhân
Hiện nay nguyên nhân gây nên tình trạng thừa răng có nhiều giả thuyết khác nhau, liên quan đến những rối loạn trong quá trình hình thành răng.
- Do sự tăng trưởng quá mức của lá răng tạo nên các mầm răng thừa hoặc do sự dài ra của các lá răng.
- Do sự phân đôi của một mầm răng bình thường:
- Nếu sự phân chia đồng đều thì răng thừa có hình dáng bình thường.
- Nếu sự phân chia không đồng đều thì răng thừa có hình dáng bất thường.
Răng thừa có liên quan rõ rệt với tình trạng răng lộn vào trong, khe hở môi hàm ếch (40%), hội chứng miệng – mặt – tay, hội chứng loạn sản đòn sọ, hội chứng Gardner: nhiều u xương ở xương hàm, u xơ, nang ở da, polyp ruột. Tỷ lệ mọc thừa răng ở trẻ bị sứt môi là 22,2%, loạn phát xương đòn sọ dao động khoảng 22%.
Đối tượng nguy cơ
Theo thống kê cho thấy, có một số trường hợp, con người sẽ có tỉ lệ mọc răng thừa cao hơn bình thường. Điển hình như:
- Nam giới có nguy cơ mọc răng thừa cao gấp đôi so với nữ giới.
- Những bệnh nhân mắc tình trạng: Rối loạn phát triển xương đòn ở sọ, hội chứng Gardner, sứt môi, …
- Môi trường sống bị ô nhiễm. Điều này cũng sẽ tác động nhiều tới tình trạng sức khỏe răng miệng của con người. Không chỉ dễ dẫn tới nguy cơ mọc răng thừa, môi trường sống không đảm bảo cũng có thể gây ra nhiều loại bệnh lý khác.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử và khám thực thể.
Các phương tiện chẩn đoán hình ảnh thường quy được sử dụng để chẩn đoán là chụp X quang phim cận chóp, phim cắn, phim panorama, cephalometric và phim CT Cone Beam. Đặc biệt những trường hợp răng thừa ngầm, phim CT Cone Beam được chỉ định để có hình ảnh 3 chiều giúp chẩn đoán chính xác hơn.
Phòng ngừa bệnh
Hiện chưa có biện pháp phòng ngừa răng thừa.
Điều trị như thế nào?
Điều trị tùy thuộc vào loại và vị trí của răng thừa và những ảnh hưởng của nó hoặc ảnh hưởng tiềm tàng trên răng lân cận. Việc quản lý răng thừa nên là một phần của kế hoạch điều trị toàn diện và không nên xem xét riêng rẽ.
Chỉ định nhổ răng thừa: Việc loại bỏ các răng thừa được chỉ định khi:
- Răng cửa giữa chậm mọc hoặc chèn ép;
- Có dấu hiệu rõ ràng làm thay đổi mọc răng hoặc chiếm chỗ răng cửa giữa;
- Có liên quan đến bệnh lý;
- Chỉnh hình răng của một răng cửa ở gần răng thừa được dự kiến;
- Sự hiện diện của răng thừa sẽ ảnh hưởng đến việc ghép xương ổ răng thứ cấp ở bệnh nhân hở môi và hở hàm ếch;
- Răng trong xương được chỉ định cấy ghép thay thế;
- Răng thừa mọc lộ ra ngoài.
Chỉ định theo dõi nếu không nhổ bỏ răng thừa: Nhổ bỏ không phải lúc nào cũng là giải pháp được chọn lựa để điều trị răng thừa. Chúng có thể được theo dõi mà không cần phải nhổ bỏ trong các trường hợp sau:
- Các răng có liên quan đã mọc đầy đủ, đúng quy luật chung;
- Không có dự kiến điều trị chỉnh hình răng mặt;
- Không liên quan đến bệnh lý;
- Nhổ bỏ sẽ làm phương hại đến răng liên đới hoặc răng bên cạnh.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về răng thừa. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.