Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tổng quan về bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)
OCD là hội chứng rối loạn tâm thần phổ biến. Những người mắc ám ảnh cưỡng chế thường lặp đi lặp lại một số hành động thừa thãi. Người bệnh không thể kiểm soát bản thân ngừng các hành động trong vô thức được. Để hiểu rõ hơn về căn bệnh này, hãy đọc bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Rối loạn ám ảnh cưỡng chế (Obsessive-compulsive disorder – OCD) tình trạng mà người bệnh có các suy nghĩ và lo sợ không mong muốn, gọi là ám ảnh. Những ám ảnh này khiến họ phải thực hiện các hành vi lặp đi lặp lại, gọi là cưỡng chế, để giảm bớt căng thẳng. Chẳng hạn, người bệnh có thể lo sợ nhiễm khuẩn và rửa tay liên tục đến mức tay bị đau rát. Những suy nghĩ và hành vi này gây cản trở cuộc sống hàng ngày và khiến người bệnh căng thẳng. Dù cố gắng bỏ qua hoặc loại bỏ các suy nghĩ khó chịu, chúng vẫn quay lại, tạo thành vòng luẩn quẩn của OCD. Người bệnh thường cảm thấy xấu hổ, bối rối và thất vọng về tình trạng của mình. Tuy nhiên, điều trị có thể giúp giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Triệu chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Các triệu chứng của OCD được biểu hiện thông qua hai loại: ám ảnh và cưỡng chế. Những người mắc OCD có thể bị ám ảnh, cưỡng chế hoặc cả hai cùng lúc.
Triệu chứng ám ảnh:
- Sợ vi trùng hoặc ô nhiễm.
- Sợ quên, mất hoặc thất lạc đồ vật.
- Sợ mất kiểm soát hành vi của mình.
- Có suy nghĩ hung hăng đối với người khác hoặc chính mình.
- Có những suy nghĩ không mong muốn, cấm kỵ liên quan đến tình dục, tôn giáo.
- Mong muốn có những thứ đối xứng hoặc theo thứ tự hoàn hảo.
Triệu chứng cưỡng chế:
- Làm sạch cơ thể hoặc rửa tay quá mức.
- Sắp xếp các đồ vật một cách cụ thể, chính xác.
- Liên tục kiểm tra mọi thứ.
- Đếm mọi thứ một cách bắt buộc.
- Lặp lại lời nói trong im lặng.
Không phải tất cả những suy nghĩ lặp đi lặp lại đều là nỗi ám ảnh và không phải tất cả các nghi lễ hay thói quen đều là sự cưỡng chế. Tuy nhiên, những người mắc OCD thường:
- Không thể kiểm soát nỗi ám ảnh cưỡng chế của mình kể cả nhận biết được mức độ quá mức của chúng.
- Dành hơn 1 giờ mỗi ngày cho những nỗi ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế.
Nguyên nhân rối loạn ám ảnh cưỡng chế
Hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế có thể khởi phát từ nhiều nguyên nhân:
- Di truyền: bệnh nhân dễ dàng mắc ám ảnh cưỡng chế hơn nếu gia đình có người mắc bệnh.
- Bất thường từ não bộ: khi chất dẫn truyền thần kinh serotonin ít hơn hoặc nhiều hơn, tâm lý cũng vì thế mà xuất hiện những rối loạn ám ảnh.
- Do ảnh hưởng từ một sự kiện: những sang chấn từ cuộc sống có thể khiến bệnh nhân mắc bệnh (bị bỏ rơi, bị bắt nạt, lạm dụng,…).
- Do tính cách: những người có tiêu chuẩn cá nhân cao cũng có thể mắc ám ảnh cưỡng chế. Trong một số trường hợp, những người có trách nhiệm hoặc có những người hay lo lắng cũng thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD quá trình cần được thực hiện bởi các chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần:
- Đánh giá tâm lý: Cuộc thảo luận giữa bệnh nhân và chuyên gia tâm lý giúp xác định các triệu chứng, suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bệnh nhân để xem xét liệu có ám ảnh hoặc hành vi cưỡng chế nào đang ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày không.
- Sử dụng tiêu chuẩn chẩn đoán: Bác sĩ tâm thần có thể dựa vào Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM-5), được biên soạn bởi APA để chẩn đoán. DSM-5 liệt kê các tiêu chí cụ thể để xác định liệu triệu chứng của bệnh nhân có đáp ứng đủ điều kiện để được chẩn đoán là OCD hay không.
- Khám sức khỏe thể chất: Khám sức khỏe thể chất được thực hiện để loại trừ các vấn đề sức khỏe khác có thể gây ra triệu chứng tương tự. Điều này giúp kiểm tra triệu chứng của bệnh nhân không phải do vấn đề sức khỏe thể chất gây ra.
- Loại trừ các rối loạn khác: Bởi vì các triệu chứng của OCD có thể tương tự với các rối loạn tâm thần khác nên việc loại trừ các rối loạn khác là điều khá quan trọng nhằm đảm bảo tính chính xác của quá trình chẩn đoán.
Điều trị hội chứng ám ảnh cưỡng chế bằng thuốc
Một số người khi mắc OCD sẽ được bác sĩ kê đơn điều trị bằng việc uống thuốc. Tuy thuốc không xóa bỏ hoàn toàn những đặc điểm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế biểu hiện lên người bệnh nhưng chúng hỗ trợ giúp kiểm soát một phần tình hình bệnh.
Thông thường, người bệnh sẽ kết hợp việc dùng thuốc với điều trị tâm lý để tăng hiệu quả chữa bệnh. Một số loại thuốc thông dụng dùng cho bệnh nhân mắc OCD gồm có: Fluvoxamine (Luvox CR), Clomipramine (Anafranil), Paroxetine (Pexeva), Fluoxetine (Prozac), Sertraline (Zoloft).
Dùng liệu pháp tâm lý để giảm bớt các đặc điểm của hội chứng ám ảnh tâm lý
Liệu pháp tâm lý có tác dụng thay đổi cách suy nghĩ thừa thãi và hành vi lặp của bệnh nhân. Bên cạnh đó, khi bạn áp dụng các liệu pháp tâm lý này trong quá trình chữa hội chứng OCD sẽ góp phần tăng hiệu quả của thuốc đặc trị. Có 2 liệu pháp tâm lý thường dùng, đó là:
- Liệu pháp hành vi: bao gồm 2 kỹ thuật chính, một là để cho người bệnh tự bộc lộ những suy nghĩ khiến họ ám ảnh để giải tỏa hết căng thẳng trong người, kỹ thuật thứ hai là thực hiện các biện pháp chuyên môn để ngăn bệnh nhân thực hiện các hành vi gây cưỡng chế và ngăn sự hình thành của luồng suy nghĩ ám ảnh.
- Liệu pháp nhận thức: được dùng để giúp cho người bệnh đánh giá lại những lo âu, suy nghĩ và hành động để họ tự nhận thức được sự quá mức của chúng.
Biện pháp tự cải thiện
Một trong những biện pháp để giảm bớt những đặc điểm của hội chứng ám ảnh cưỡng chế đó chính là tự cải thiện. Bệnh nhân có thể tự áp dụng các cách sau đây để tự cải thiện hội chứng OCD tại nhà:
- Thường xuyên tâm sự với người thân, bạn bè để nhận được sự giúp đỡ và những lời động viên.
- Ghi chép đầy đủ tất cả những hành động và suy nghĩ ám ảnh để tự ý thức và xua đuổi chúng đi.
- Đi ngủ đúng giờ và đủ giấc.
- Tích cực tham gia nhiều hoạt động ngoài cộng đồng, xã hội.
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày và ăn uống lành mạnh.
- Luôn nhớ uống thuốc kết hợp với các phương pháp để giảm thiểu sự căng thẳng, lo âu sau thời gian dài học tập và làm việc (ví dụ tập yoga, thiền, hít thở sâu, tắm nước ấm,…).
Phòng ngừa bệnh
Tuy OCD là một bệnh lý mạn tính nhưng bạn có thể phòng ngừa các triệu chứng OCD hoặc cải thiện các triệu chứng bằng cách:
- Tìm hiểu về OCD: việc hiểu về OCD tiếp thêm động lực cho người bệnh tuân thủ đúng các nguyên tắc điều trị bệnh OCD.
- Tham gia các nhóm hỗ trợ sức khỏe tinh thần: tiếp xúc với những người mắc OCD khác giúp họ mạnh mẽ và tiếp nhận được nhiều kinh nghiệm để đối phó và sống chung với OCD.
- Bắt đầu các thói quen lành mạnh: những thói quen lành mạnh như tập thể dục, thiền giúp họ có được sức khỏe tinh thần và thể chất tốt hơn để chống lại các triệu chứng OCD.
- Quản lý stress: giúp người bệnh giảm bớt căng thẳng trong cuộc sống cũng như do bệnh OCD mang lại.
- Tiếp tục duy trì các hoạt động thường ngày: cố gắng sinh hoạt bình thường các hoạt động cần thiết và duy trì chúng giúp cuộc sống của người mắc OCD không bị cản trở.
Hy vọng những chia sẻ này giúp bạn hiểu hơn về bệnh OCD. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị.