Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Rối loạn khớp thái dương hàm là gì? Những điều cần biết về rối loạn khớp thái dương hàm
Đau khớp thái dương hàm là một bệnh lý rất phổ biến, được xem là nguyên nhân gây đau vùng mặt (oral facial pain) chiếm hàng thứ hai, chỉ sau đau do răng. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Rối loạn khớp thái dương hàm qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Khớp thái dương hàm là khớp động duy nhất của phần sọ mặt, khớp bao gồm diện khớp của xương hàm dưới và diện khớp của xương thái dương cùng các thành phần khác như bao khớp, dây chằng khớp, đĩa khớp, mô sau đĩa. Khớp thái dương hàm có vai trò quan trọng, giúp cho hàm đóng, mở để thực hiện các hoạt động như ăn, nói, nuốt,…
Rối loạn khớp thái dương hàm, còn gọi là viêm khớp thái dương hàm (Temporomandibular joint disorder – TMD) là bệnh lý rối loạn khớp hàm và các cơ mặt xung quanh dẫn đến tình trạng đau có chu kỳ, co thắt cơ, mất cân bằng khớp nối giữa xương hàm và xương sọ, chức năng của khớp thái dương hàm bị suy giảm làm ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
Rối loạn khớp thái dương hàm là một bệnh khá phổ biến, có thể xảy ra ở tất cả mọi đối tượng. Tuy nhiên, nữ giới dậy thì và mãn kinh có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.
Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn khớp thái dương hàm cụ thể như sau:
- Đau hàm, mỏi vùng cơ hàm khi ăn nhai, nói chuyện, ngáp,…
- Cảm giác đau mạnh ở vùng trước tai, đau trong tai, ù tai
- Nhức đầu (thường có dấu hiệu như chứng đau nửa đầu), đau tai, đau mắt và tăng nhãn áp
- Đau thái dương và các vùng cổ, vai, gáy
- Có tiếng lục cục khi cử động hàm, nhai
- Sai khớp cắn, có cảm giác cấn và cứng hàm.
Khi bạn nhận thấy mình có các triệu chứng rối loạn khớp thái dương hàm trên đây, hãy đến nha khoa để thăm khám và được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Nha sĩ có thể chẩn đoán chính xác chứng loạn năng khớp thái dương hàm bằng cách kiểm tra lịch sử bệnh án, tiến hành kiểm tra lâm sàng và sử dụng phương pháp chụp X-quang thích hợp.
Nguyên nhân
Những nguyên nhân gây ra rối loạn khớp thái dương hàm có thể kể đến như:
- Cấu tạo và hoạt động của khớp thái dương hàm bị sai lệch hoặc có nhiều vấn đề bất thường do di truyền.
- Một số tác động từ bên ngoài như tai nạn lao động, chơi thể thao hay tai nạn khi tham gia giao thông,… cũng có thể gây tác động đến khớp thái dương hàm và gây ra một số chấn thương, chẳng hạn như trật khớp thái dương hàm.
- Do thói quen nghiến răng: Đây là một thói quen có thể dẫn đến nhiều vấn đề về Răng hàm mặt. Khi nghiến răng, hàm răng bị siết chặt khiến vùng cơ hàm chịu áp lực lớn và tăng nguy cơ bị tổn thương.
- Do thói quen ăn uống chẳng hạn như chỉ nhai ở một bên răng, thường xuyên ăn những thực phẩm cứng,…
- Hàm răng thưa và lệch, tình trạng thiếu răng hoặc mất răng, khớp cắn không đều.
- Người bệnh bị căng thẳng, áp lực về tâm lý nên khi ngủ có thể gặp phải tình trạng co cơ hàm.
Đối tượng nguy cơ
Cả nam và nữ đều có thể mắc phải rối loạn khớp thái dương – hàm. Không có yếu tố rõ ràng gây nguy cơ mắc phải hội chứng này. Tuy nhiên người mắc phải rối loạn khớp thái dương – hàm thường là phụ nữ và nằm trong độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi.
Nguyên nhân có thể là do sự thay đổi về nội tiết tố. Một số nhà khoa học cho rằng, estrogen thay đổi có thể dẫn đến tình trạng căng thẳng và giảm khả năng kiểm soát cơn đau của não bộ. Bên cạnh đó, lượng hormone progesterone thay đổi cũng có thể tác động xấu đến sự phát triển của xương, sụn và protein cũng có thể liên quan đến tình trạng rối loạn khớp thái dương hàm. Tuy nhiên, vẫn cần thực hiện nghiên cứu để đưa ra những bằng chứng rõ ràng hơn về vấn đề này.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh viêm khớp thái dương hàm, bác sĩ sẽ thăm khám bằng cách sờ nắn và nghe cử động của vùng khớp thái dương hàm thông qua vận động há miệng, đưa hàm sang hai bên, tới lui,…
Nếu có bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện chụp X quang, MRI, Conebeam,… để xác định mức độ bệnh.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng bệnh các bác sĩ khuyến cáo:
- Hạn chế mở miệng đột ngột hoặc quá rộng nhất là khi ăn hoặc ngáp.
- Tuyệt đối không cắn chặt răng, nghiến răng khi ngủ.
- Từ bỏ thói quen cắn móng tay.
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên.
- Không ăn thức ăn quá cứng, quá dai.
- Nếu có bệnh lý về răng hãy đi khám chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
Điều trị như thế nào?
Khi xuất hiện các triệu chứng có dấu hiệu cảnh báo mắc phải rối loạn khớp thái dương hàm thì việc đầu tiên cần làm đó chính là tìm tới các cơ sở y tế để xác định tình trạng bệnh tật hiện tại. Bác sĩ sẽ xem xét và chỉ định một số hướng điều trị như:
- Điều trị nội khoa bằng cách dùng thuốc: Mặc dù chưa có loại thuốc nào có tác dụng đặc trị rối loạn khớp thái dương hàm, nhưng tùy vào mức độ và triệu chứng thì bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc giảm đau phù hợp nhất. Ngoài ra có thể thực hiện thêm biện pháp thư giãn tâm lý giúp bệnh tình nhanh chóng thuyên giảm.
- Máng nhai là loại khí cụ mà khi sử dụng giúp cố định lại khớp cắn và giảm bớt áp lực lên phần khớp thái dương hàm.
- Nếu khớp cắn không được điều chỉnh hoàn toàn nhờ máng nhai thì có thể cân nhắc mài chỉnh lại khớp cắn sao cho bệnh không bị tái lại.
- Chỉnh nha là phương pháp hiệu quả nhất để nắn chỉnh lại khớp cắn .Tuy nhiên việc niềng răng sẽ mất một thời gian dài nên phương pháp này thường được áp dụng kết hợp với các cách chữa bệnh khác.
- Một số trường hợp đặc biệt nếu đã thực hiện các phương pháp trên những vẫn chưa mang lại hiệu quả thì khả năng cao người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật khớp thái dương hàm.
Trên đây là những chia sẻ về rối loạn khớp thái dương hàm. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.