Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Rối loạn lo âu bệnh tật là gì? Những điều cần biết về rối loạn lo âu bệnh tật
Rối loạn lo âu bệnh tật, còn gọi là rối loạn nghi bệnh, là tình trạng lo lắng quá mức về sức khỏe của mình, dù không có căn cứ rõ ràng. Tình trạng này không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý mà còn làm suy giảm chất lượng cuộc sống. Để hiểu rõ hơn về rối loạn lo âu bệnh tật, chúng ta cần tìm hiểu về các triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả.
Tổng quan chung
Rối loạn lo âu bệnh tật (illness anxiety disorder) là một dạng lo âu khi người bệnh luôn lo lắng rằng mình mắc một bệnh lý nghiêm trọng, dù không có triệu chứng cụ thể hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ. Rối loạn này khác với rối loạn triệu chứng thực thể (somatic symptom disorder), trong đó người bệnh có các triệu chứng thể chất đáng kể gây căng thẳng cảm xúc.
Một người lo âu hay trầm cảm dễ mắc rối loạn này hơn. Việc đánh giá và điều trị của chuyên gia tâm lý chú trọng vào việc ngừng các hành vi né tránh và trấn án, tái đánh giá các niềm tin về sức khoẻ và tăng cường sự chấp nhận về những việc không thể đoán định.
Triệu chứng
Tương tự như các rối loạn lo âu khác, người bị rối loạn lo âu bệnh tật thường trực sự lo lắng dai dẳng và quá mức.
Trong trường hợp này, đối tượng gây ra nỗi sợ là các vấn đề sức khỏe – nhất là những bệnh hiểm nghèo như ung thư, tim mạch, tiểu đường.
Các triệu chứng của rối loạn lo âu bệnh tật:
- Tin rằng bản thân đang mắc phải vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng như lao phổi, ung thư, lupus ban đỏ, các rối loạn di truyền…
- Chú ý đến tất cả triệu chứng mà bản thân gặp phải và có xu hướng phóng đại các dấu hiệu trên cơ thể. Chẳng hạn như tình trạng ho khan, ho có đờm có thể khiến người bệnh tin rằng mình bị ung thư phổi.
- Có thói quen nhìn gương thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu bệnh. Ngay cả với những dấu hiệu rất nhỏ như nốt ruồi, mụn, viêm nang lông, hôi miệng, vết rạn… cũng gây ra sự lo lắng đáng kể cho người bệnh.
- Kiểm tra nhiều lần các dấu hiệu bệnh tật trên cơ thể như quan sát nốt ruồi rất nhiều lần, liên tục đo nhiệt độ, đo huyết áp, kiểm tra màu nước tiểu…
- Một số người thường xuyên đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe vì tin rằng bản thân mắc phải căn bệnh nào đó vô cùng nghiêm trọng. Ngay cả khi được chẩn đoán khỏe mạnh, sự lo lắng cũng không hề giảm đi và sẽ tiếp tục xuất hiện khi cơ thể có những biểu hiện khác.
- Nhiều bệnh nhân né tránh đến bệnh viện, phòng khám và từ chối gặp bác sĩ vì lo sợ sẽ bị chẩn đoán mắc bệnh. Dù từ chối chăm sóc y tế nhưng bệnh nhân vẫn tin rằng bản thân thật sự mắc phải các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
- Thường xuyên than phiền về các triệu chứng và bày tỏ rằng bản thân đang mắc phải căn bệnh nghiêm trọng.
- Người bị rối loạn lo âu bệnh tật thường xuyên tìm các tài liệu liên quan đến bệnh tật để đối chiếu với bản thân. Ngay cả khi chỉ có triệu chứng rất nhỏ, bệnh nhân lập tức tin rằng mình đã mắc phải căn bệnh đó.
- Sự lo lắng về bệnh tật gây ra trạng thái căng thẳng dai dẳng, kéo dài. Ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là hiệu suất lao động, học tập.
Ngoài các triệu chứng tâm thần, chứng nghi bệnh còn gây ra các triệu chứng thể chất như đau đầu, mệt mỏi, mất ngủ, khó ngủ, thiếu tập trung, giảm trí nhớ, khó chịu vùng thượng vị…
Các triệu chứng thể chất do rối loạn lo âu bệnh tật gây ra có liên quan đến trạng thái căng thẳng kéo dài. Các biểu hiện này càng khiến bệnh nhân gia tăng sự lo lắng về sức khỏe của bản thân, dẫn đến nồng độ cortisol tăng cao tạo thành một vòng luẩn quẩn. Nếu không nhận được sự hỗ trợ kịp thời, chất lượng cuộc sống sẽ sụt giảm nhanh chóng.
Nguyên nhân
Tương tự như các tình trạng rối loạn lo âu khác, hiện tại vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân gây rối loạn lo âu bệnh tật. Tỷ lệ số người bệnh không quá cao cũng khiến việc nghiên cứu các tác nhân gây bệnh cũng gặp nhiều khó khăn. Một số giả thuyết được các chuyên gia đưa ra có liên quan đến yếu tố di truyền, tuổi tác, những tổn thương trong quá khứ, tình trạng sức khỏe…
Cụ thể, một số nguyên nhân gây rối loạn lo âu bệnh tật bao gồm:
- Tiền sử sức khỏe: người từng có tiền sử mắc một bệnh lý nghiêm trọng nào đó hoặc từng mắc các dạng rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa thường có tỷ lệ mắc Illness anxiety disorder cao hơn.
- Yếu tố gia đình: nếu trong gia đình từng có người mắc bệnh nan y, mất đột ngột do bệnh hoặc một bệnh lý nguy hiểm nào có tính di truyền sẽ tạo ra một nỗi lo vô hình về sức khỏe
- Tuổi tác: những người cao tuổi thường có xu hướng lo lắng quá mức về các vấn đề sức khỏe, luôn cảm thấy mình sắp chết nên bất cứ bất đề bất thường nào trên cơ thể cũng khiến họ kích động, rối bời.
- Tính cách: rối loạn lo âu bệnh tật cũng xuất hiện ở những người vốn có tính cách lo xa, suy nghĩ quá nhiều, cầu toàn quá mức
- Tổn thương tâm lý: các nghiên cứu cũng chỉ ra những người từng có tổn thương về tâm lý như từng bị bạo hành, bị bắt nạt, trên cơ thể có nhiều dấu vết bị lạm dụng dễ dẫn đến mức độ lo lắng và quan tâm quá mức về thể chất của bản thân.
- Dịch bệnh: tỷ lệ số người mắc rối loạn lo âu bệnh tật sau thời kỳ đại dịch covid – 19 đã tăng mạnh, nhiều người bắt đầu cảm thấy căng thẳng hơn nếu cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường như ho, sốt, đau nhức cơ thể
- Ảnh hưởng từ Internet: việc tiếp cận với nhiều thông tin trên internet, bao gồm cả các bài viết chia sẻ về bệnh tật, các biện pháp phòng tránh, các dấu hiệu nhận biết sức khỏe bất thường đều tác động trực tiếp đến tâm lý, tinh thần và khiến nhiều người lo âu hơn.
Đối tượng nguy cơ
Những yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến rối loạn lo âu bệnh tật
- Có cuộc sống áp lực;
- Sống trong gia đình mà các thành viên quá quan tâm đến sức khỏe của bạn khi bạn còn trẻ;
- Lúc nhỏ từng bị lạm dụng hoặc từng mắc phải một bệnh nghiêm trọng, đe dọa tính mạng và sau đó hồi phục lại hoặc ba mẹ bị bệnh nặng;
- Nhân cách: là người rất hay lo lắng về bất kỳ sự việc nào;
- Theo dõi những thông tin sức khỏe trên internet quá mức…
Chẩn đoán
Hiện tại, rối loạn lo âu bệnh tật đã được công nhận là tình trạng chính thức và được đề cập trong Cẩm nang Chẩn đoán & Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM). Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn này đã được bổ sung đầy đủ ở phiên bản thứ 5 (DSM-5). Vì vậy, hiện nay các bác sĩ sẽ sử dụng tiêu chuẩn này để đưa ra chẩn đoán xác định.
Các bước chẩn đoán rối loạn lo âu bệnh tật bao gồm:
- Hỏi bệnh, trao đổi về các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải. Đặt câu hỏi để khai thác tiền sử gia đình, các yếu tố căng thẳng trong thời gian gần đây, có sử dụng rượu bia, chất kích thích hay không…
- Trắc nghiệm tâm lý
- Các xét nghiệm cận lâm sàng sẽ được thực hiện để loại trừ khả năng có các bệnh lý thực tổn
Rối loạn lo âu sợ bệnh tật cần được chẩn đoán phân biệt với rối loạn lo âu lan tỏa và rối loạn dạng cơ thể. Bởi cả hai rối loạn này đều gây ra sự lo lắng, lo âu đáng kể về các vấn đề sức khỏe.
Phòng ngừa bệnh
Bên cạnh việc điều trị, có thể ngừa chứng rối loạn lo âu bệnh tật bằng những việc làm sau:
- Thực hiện lối sống lành mạnh: hạn chế sử dụng caffeine, ngủ đủ giấc, điều này có thể làm giảm các triệu chứng lo âu khi kết hợp với điều trị.
- Quản lý căng thẳng bằng cách tập yoga, ngồi thiền, sắp xếp công việc và các hoạt động vui chơi hợp lý.
- Không sử dụng chất gây nghiện và rượu: có thể làm triệu chứng rối loạn lo âu nghiêm trọng, thậm chí ảnh hưởng đến các loại thuốc đang dùng để điều trị.
- Chia sẻ với người thân, bạn bè khi gặp căng thẳng, stress, lo âu, mất ngủ,… hoặc tìm gặp các bác sĩ, chuyên gia tâm lý để trị liệu.
- Ăn uống đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết.
Điều trị như thế nào?
Việc điều trị rối loạn lo âu bệnh tật thường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng và tiền sử bệnh của từng cá nhân. Các phương pháp điều trị rối loạn này chủ yếu tập trung vào việc giúp người bệnh đối phó với lo lắng về sức khỏe bao gồm điều chỉnh lối sống, liệu pháp tâm lý và dùng thuốc.
- Thuốc: Các bác sĩ tâm thần có thể kê đơn thuốc chống trầm cảm như SSRI (sertraline, fluoxetine) hoặc các loại thuốc khác để giảm triệu chứng lo âu.
- Trị liệu tâm lý: Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT) là phương pháp phổ biến, giúp người bệnh xác định và thay đổi suy nghĩ tiêu cực về sức khỏe.
Kết luận
Rối loạn lo âu bệnh tật là một tình trạng tâm lý phức tạp, gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, việc hiểu rõ về các triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị có thể giúp người bệnh kiểm soát tốt hơn tình trạng của mình. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải tình trạng này, hãy tìm đến sự hỗ trợ của bác sĩ tâm thần và chuyên gia tâm lý để được tư vấn và điều trị kịp thời. Việc chăm sóc sức khỏe tâm lý không chỉ cải thiện chất lượng cuộc sống mà còn giúp bạn duy trì một tâm trạng tích cực và tinh thần mạnh mẽ hơn.