Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Rối loạn lo âu là gì? Những điều cần biết về rối loạn lo âu
Những người mắc chứng rối loạn lo âu thường xuyên bị sợ hãi, lo âu quá mức mà không rõ lý do. Có rất nhiều loại rối loạn lo âu nhưng chung quy lại thì biểu hiện ban đầu chung của những loại này đó là hoảng sợ và lo lắng. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về bệnh rối loạn lo âu.
Tổng quan chung
- Rối loạn lo âu là một rối loạn cảm xúc đặc trưng bởi cảm giác lo sợ lan tỏa, khó chịu mơ hồ kèm theo các triệu chứng thần kinh tự chủ như đau đầu, vã mồ hôi, hồi hộp, siết chặt ở ngực, khô miệng, khó chịu ở thượng vị, bứt rứt không thể ngồi yên hay đứng yên một chỗ.
- Chúng ta cần phân biệt giữa lo âu thông thường trong đời sống và lo âu bệnh lý. Sự khác biệt này có thể dựa trên các tiêu chuẩn như khả năng kiểm soát lo âu, cường độ, thời gian kéo dài… Lo âu được xem là bình thường khi phù hợp với chuyện gây lo âu và mất đi khi chuyện đó đã được giải quyết.
- Rối loạn lo âu là những lo âu mà không có nguyên nhân rõ rệt hoặc quá mức, các triệu chứng thường nặng và gây nhiều khó chịu, kéo dài căng thẳng, ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của người bệnh.
Triệu chứng
Sau đây là các dấu hiệu chứng khi bị rối loạn lo âu:
- Hoảng sợ hoặc lo âu thái quá, không bao giờ cảm thấy an toàn hoặc chắc chắn;
- Khó thở, khó ngủ, khó tập trung và bồn chồn, khó đứng yên hoặc ngồi yên một chỗ;
Người bị rối loạn lo âu thường cảm thấy bồn chồn, không chắc chắn
- Lạnh và hay đổ mồ hôi tay. Có cảm giác ngứa ran hoặc tê cứng tay và chân;
- Khô miệng, cảm thấy buồn nôn;
- Tim đập nhanh, chóng mặt, căng thẳng cơ bắp;
- Lặp lại nhiều lần các hành vi như kiểm tra khóa cửa, rửa tay,… và bị ám ảnh thường xuyên về một vấn đề nào đó;
- Khó giữ bình tĩnh để vượt qua được cảm giác lo âu.
Nguyên nhân
Rất khó để xác định các nguyên nhân chính gây ra bệnh. Người bệnh cần phải thăm khám và thực hiện các xét nghiệm liên quan để kết luận nguyên nhân. Bệnh nhân mắc rối loạn lo âu thường gặp các vấn đề:
- Do tâm lý: bệnh nhân lo lắng nhiều vấn đề hoặc bị ảnh hưởng từ việc sang chấn tâm lý thời thơ ấu.
- Do di truyền: ảnh hưởng từ gia đình, người thân bị mắc các bệnh tâm lý.
- Do môi trường, xã hội: các vấn đề như stress, căng thẳng kéo dài do các yếu tố từ gia đình, công việc hoặc do môi trường xung quanh.
- Do nhiều yếu tố về thần kinh.
Đối tượng nguy cơ
- Đối tượng dễ mắc bệnh thường là người quá quan tâm tới sức khỏe bản thân, dễ bị ám ảnh hoặc hoảng sợ nếu cơ thể xuất hiện một số dấu hiệu bất thường như: đau nhức ở một số vị trí, cồn cào,…
- Dù là nhẹ song những người này thường cho rằng đó là dấu hiệu của một căn bệnh rất nghiêm trọng. Và bởi thế, họ có thể đi khám ở nhiều nơi khác nhau, cho dù bác sĩ khẳng định không bị bệnh hoặc bệnh rất nhẹ nhưng họ lại cho rằng do bác sĩ chưa tìm ra.
- Sau đó, họ có thể tiếp tục đi tìm rất nhiều bác sĩ khác nữa để khám bệnh. Họ sẽ rất hoảng loạn và lo sợ nếu biết được một người nào đó mắc bệnh hoặc tìm hiểu được những tin tức về sức khỏe với các dấu hiệu, triệu chứng như mình đang mắc phải.
- Lại có một số trường hợp không dám đi khám, né tránh việc kiểm tra sức khỏe vì họ lo sợ rằng kết quả sẽ phát hiện ra rằng mình mắc phải một bệnh nan y nào đó.
Chẩn đoán
Bác sĩ chuyên khoa tâm lý, tâm thần sẽ có một số bước để giúp chẩn đoán rối loạn lo âu. Đầu tiên, họ sẽ đặt câu hỏi chi tiết về các triệu chứng và bệnh sử. Tâm lý gia và bác sĩ tâm thần sẽ tìm hiểu triệu chứng và cuộc sống của bệnh nhân qua trò chuyện lâm sàng.
Để chẩn đoán mắc rối loạn lo âu, các tiêu chí nêu ra trong hướng dẫn chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM). Hướng dẫn này được công bố bởi Hiệp hội Tâm thần Mỹ và được sử dụng bởi các chuyên gia sức khỏe tâm thần Các tiêu chí sau đây phải được đáp ứng cho một chẩn đoán rối loạn lo âu:
- Quá nhiều lo lắng và lo lắng về một số sự kiện hoặc hoạt động của hầu hết các ngày trong tuần, ít nhất sáu tháng.
- Khó khăn trong việc kiểm soát các cảm xúc lo lắng.
- Lo âu hoặc lo lắng là nguyên nhân gây căng thẳng đáng kể hoặc gây trở ngại cho cuộc sống hàng ngày.
- Lo lắng không liên quan đến một tình trạng sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như các cuộc tấn công hoảng loạn, lạm dụng chất hoặc rối loạn căng thẳng hậu chấn thương tâm lý (PTSD).
- Ít nhất ba trong số các triệu chứng sau đây ở người lớn và một trong những điều sau đây ở trẻ em: bồn chồn, mệt mỏi, khó tập trung, khó chịu, cơ bắp căng thẳng hoặc khó ngủ.
Rối loạn lo âu tổng quát có thể đi kèm với vấn đề sức khỏe tâm thần khác, có thể làm cho chẩn đoán và điều trị phức tạp hơn. Một số rối loạn thường đi kèm với rối loạn lo âu tổng quát bao gồm:
- Rối loạn hoảng sợ
- Trầm cảm
- Lạm dụng thuốc
- Rối loạn stress sau chấn thương
Phòng ngừa bệnh
Để phòng tránh rối loạn lo âu, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:
Hít thở sâu, thư giãn và giảm căng thẳng, stress
- Bạn có thể tìm cho mình cách thư giãn phù hợp nhằm giảm bớt stress trong cuộc sống. Bạn cũng có thể tham dự một khóa thiền định hay yoga. Hãy nhắm mắt lại, mường tượng rằng bạn đang đi ra biển, tiếng sóng vỗ rì rào, làn gió thổi mát rượi và bãi cát thật êm đềm. Hãy đắm mình trong khung cảnh ấy.
- Hít sâu, thở chậm khoảng 15 – 30 phút vào mỗi buổi sáng sớm hoặc trước khi đi ngủ, đó là giải pháp đơn giản và dễ thực hiện nhất giúp “trấn an” hệ thần kinh thực vật khỏi sự rối loạn.
Hãy từ bỏ rượu bia, thuốc lá, cafe
- Mỗi khi căng thẳng, buồn phiền một vấn đề gì đó, nhiều người sẽ tìm ngay đến thuốc lá, rượu hay cafe… để giải tỏa bớt sự lo lắng của mình. Nhưng thực tế đó lại là những chất có thể gây kích thích thần kinh, khiến bạn càng cảm thấy lo lắng, tim đập nhanh hay vã mồ hôi hơn bình thường. Do vậy, hãy từ bỏ chúng hoặc cố gắng hạn chế tối đa nhất có thể.
Ngủ và nghỉ ngơi đầy đủ
- Giấc ngủ sẽ giúp bạn tái lập trạng thái cân bằng của cơ thể và tâm lý. Vì thế, bạn cần phải ngủ đủ giấc. Hãy tạo cho mình một đồng hồ sinh học hợp lý, đi ngủ đúng giờ và thức dậy vào cùng một thời điểm, dù là cuối tuần.
Dành thời gian cho những người mà bạn yêu thích
- Đi uống cà phê cùng những người bạn mà bạn thật sự yêu thích, tám chuyện sau một tuần làm việc, cùng nhau đi du lịch hay đi picnic với những người thân thiết sẽ giúp bạn cảm thấy cuộc sống thú vị và yêu đời hơn.
Tập thể dục
- Đi bộ rất có ích cho việc giảm những căng thẳng của cơ thể và giảm bớt Stress. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn một môn thể thao hay nghệ thuật vừa sức mà mình yêu thích để luyện tập thường xuyên như: Aerobic, bơi lội, cầu lông, tennis, nhảy, ca hát, hội họa,… Vận động thân thể sẽ giúp tinh thần bạn phấn chấn hơn. Tuy nhiên, không nên vận động quá nhiều trước giờ đi ngủ sẽ làm bạn khó đi vào giấc ngủ.
Lãng quên những tác nhân gây căng thẳng cho bản thân
- Thỉnh thoảng bạn phải dẹp mọi thứ sang một bên để thư giãn và vui vẻ. Bạn hãy nhớ những gì cần nhớ, bỏ qua những gì không cần thiết để giảm tải cho não của bạn. Đôi khi ta “càng cố quên thì lại càng nhớ” và để giải quyết vấn đề này, ngoài việc chấp nhận vấn đề, chấp nhận sự thật bạn phải dùng thêm phương pháp “lấy đá đè cỏ”. Hãy tìm một việc khác để làm thay vì ngồi đó mà suy nghĩ về tác nhân đang gây căng thẳng.
Chọn những môi trường mà bạn cảm thấy thoải mái
Chăm sóc tốt bản thân
- Yêu thương bản thân và chăm sóc tốt cho bản thân mình là nguyên tắc hàng đầu để đảm bảo cuộc sống được hạnh phúc.
Điều trị như thế nào?
Điều trị bao gồm điều trị bằng thuốc và điều trị tâm lý.
Điều trị bằng thuốc
Thuốc điều trị rối loạn lo âu bao gồm:
- Nhóm benzodiazepin: Benzodiazepin tác động lên thụ thể GABA, nằm ở hệ thần kinh trung ương, tạo ra tác dụng chống lo âu, chống co giật, gây ngủ và giãn cơ. Benzodiazepin liên quan đến phức hợp GABA (thụ thể benzodiazepin) làm tăng ức chế khớp thần kinh trung gian của GABA. Các thuốc benzodiazepin thường dùng là: Diazepam, Bromazepam, Alprazolam, Nitrazepam, Clonazepam,…
- Các thuốc an thần khác: Meprobamat, Buspirone
- Thuốc chống trầm cảm 3 vòng và đa vòng có tác dụng an dịu: Doxepin, Amitriptylin, Prothiaden, Anafranil, Ludiomil, Mianserin,…
- Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin: Fluvoxamine, Fluoxetine, Paroxetine, Sertraline.
Điều trị bằng tâm lý
Liệu pháp tâm lý có nhiều trường hợp cho kết quả tốt. Nhưng tốt nhất vẫn nên áp dụng đồng thời cả 2 loại liệu pháp tâm lý và hoá dược.
Điều trị bằng tâm lý để duy trì cảm xúc của bệnh nhân, giảm nhẹ triệu chứng. Liệu pháp thư giãn và tâm lý cá nhân là hiệu quả nhất. Những liệu pháp này nhằm đánh giá các hành vi-nhận thức, điều chỉnh hành vi trong những tình huống đời sống hàng ngày và giúp bệnh nhân tìm được cách chấp nhận bệnh lý của mình.
Kết luận
Rối loạn lo âu là một tình trạng phổ biến nhưng có thể quản lý được với sự hỗ trợ đúng đắn và phương pháp điều trị thích hợp. Qua bài viết này, hy vọng bạn đã có cái nhìn rõ ràng hơn về các triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị rối loạn lo âu. Nếu bạn hoặc người thân đang gặp phải tình trạng này, hãy tìm đến các chuyên gia y tế để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Nhớ rằng, việc chăm sóc sức khỏe tâm thần là rất quan trọng và không nên bị bỏ qua.