Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tê chân là gì? Những điều cần biết về tê chân
Tình trạng tê chân mà mọi người thường gặp là khi các dây thần kinh hoặc mạch máu bị chèn ép do ngồi lâu và làm máu không lưu thông được. Tuy nhiên, nếu thường xuyên bị tê chân, kéo dài không giải thích được thì nó có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm hoặc là một thay đổi nào đó của cơ thể. Vậy tại sao hay bị tê chân, nguyên nhân là gì? Cùng Pharmacity tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
Tê chân là tình trạng phổ biến và hầu như ai cũng mắc phải
Tổng quan chung
Tê chân là tình trạng mà người bị cảm thấy chân bị tê rần, thỉnh thoảng chân và lòng bàn chân như bị kim châm hoặc tê bì giống như kiến bò, có thể lan ra vùng thắt lưng, đùi và bắp chân. Ngoài ra, nó còn khiến chân bị mất cảm giác.
Những đối tượng dễ bị tê chân nhất là người lớn tuổi và phụ nữ mang thai. Bởi vì sự lưu thông máu ở người già thông thường kém hơn nên dẫn đến tình trạng tê bì chân tay. Còn đối với phụ nữ mang thai, đa số lượng máu đều tập trung vào việc nuôi dưỡng thai nhi nên dẫn đến việc bị thiếu máu đến các chi, vì vậy gây ra hiện tượng chân tay bị tê.
Đa số các trường hợp bị tê chân đều không nguy hiểm, nhưng nếu hiện tượng này kéo dài đi kèm với một số triệu chứng khác thì có thể là dấu hiệu của một loại bệnh lý nào đó, do đó bạn cần phải đến bệnh viện ngay để được thăm khám.
Triệu chứng
Bạn sẽ có cảm giác tê rần ở chân, đôi khi cơn tê có thể như bị kim châm hoặc có cảm giác tê bì như kiến bò, có thể lan lên vùng bắp chân, đùi và thắt lưng. Triệu chứng tê còn có thể chân bị mất cảm giác.
Nguyên nhân
Cơ thể con người chứa một mạng lưới các dây thần kinh cực kỳ phức tạp đi từ đầu các ngón tay và ngón chân về não và chạy từ não tới các đầu ngón tay, ngón chân. Nếu bạn bị tổn thương, bị tắc mạch do cục máu đông, bị nhiễm trùng hay chèn ép vào các dây thần kinh ở chân, bạn có thể bị tê bàn chân.
Dưới đây là các nhóm nguyên nhân thường gặp nhất gây tê bàn chân:
- Tê bàn chân do tư thế
Nguyên nhân đơn giản nhất gây tê bàn chân là do tư thế. Chúng ta đều từng bị tê bàn chân ít nhất một lần trong đời do ngồi, đứng hoặc nằm ở một tư thế nào đó quá lâu. Việc này có thể làm tắc tạm thời dòng máu cung cấp cho bàn chân, làm bạn cảm thấy tê. Kiểu tê bàn chân này có thể được cải thiện dễ dàng bằng cách thay đổi tư thế, và khi dòng máu tới bàn chân được khôi phục hoàn toàn thì cảm giác tê này sẽ biến mất.
- Tổn thương trực tiếp tới dây thần kinh
Đôi khi, tê bàn chân xảy ra khi các dây thần kinh ở vùng bàn chân bị đè ép bất thường. Thoát vị đĩa đệm ở vùng thắt lưng có thể chèn ép vào tủy sống, có thể gây tê cả chân. Nếu lực chèn ép vừa đủ để gây tổn thương các dây thần kinh vùng bàn chân, nó có thể gây tê cả bàn chân. Mang giày quá chật, đặc biệt là mang giày cao gót, có thể dẫn tới bệnh u dây thần kinh Mortan, là kết quả của việc đè ép bất thường lên các dây thần kinh vùng gót chân, gây tê bàn chân.
- Tuần hoàn kém
Các bệnh về mạch máu như bệnh mạch máu ngoại biên và hội chứng Raynaud làm hạn chế dòng máu tới bàn chân, gây tê bàn chân.
- Bệnh động mạch mạch ngoại biên xảy ra khi các động mạch cung cấp máu cho bàn chân bị hẹp, làm giảm dòng máu tới phần xa của chân như đầu ngón chân. Bệnh này có thể gây tê chân, đặc biệt là khi đi lại.
- Hội chứng Raynaud là tình trạng tê bàn chân khi tiếp xúc với nhiệt độ lạnh. Một khi dòng máu tới chân được cải thiện thì tình trạng tê bàn chân sẽ biến mất.
- Bệnh lý thần kinh do đái tháo đường
Đái tháo đường (tiểu đường) là một bệnh nguy hiểm ảnh hưởng tới nhiều cơ quan trong cơ thể. Đái tháo đường thường gây tê chân, gọi là bệnh lý thần kinh ngoại biên. Tê bàn chân xảy ra do việc kiểm soát kém đường huyết. Tình trạng đường huyết cao gây tổn thương các dây thần kinh gây tê chân cũng như tê bàn chân. Kiểu tổn thương thần kinh này không thể hồi phục được.
- Bệnh đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng là một bệnh lý tự miễn, gây ra do hệ miễn dịch của cơ thể phá hủy lớp vỏ bảo vệ bao xung quanh các dây thần kinh ngoại biên. Tình trạng này có thể ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở vùng bàn chân, gây tê bàn chân. Tổn thương thần kinh trong bệnh đa xơ cứng là một tổn thương tiến triển và mặc dù tổn thương này không thể hồi phục được, nhưng tình trạng tê bàn chân có thể tái đi tái lại nhiều lần và tê bàn chân nặng có thể làm mất khả năng đi lại của người bệnh.
- Hội chứng ống cổ chân
Hội chứng này gây ra do chèn ép phần sau của dây thần kinh chày bên trong mắt cá trên đường đi xuống bàn chân. Dây thần kinh chày đi qua một đường hầm nhỏ và hẹp để xuống vùng bàn chân và rất dễ bị chèn ép nếu nó bị kích thích hoặc bị viêm. Điều này sẽ dẫn đến cảm giác ngứa rát và tê bàn chân.
- Các bệnh lý khác
- Nghiện rượu
- Ngộ độc thuốc
- Thiếu vitamin B12
Đối tượng nguy cơ
Tình trạng chân bị tê có thể xuất hiện ở nhiều đối tượng thuộc độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là:
- Phụ nữ mang thai.
- Người lớn tuổi.
- Nhân viên văn phòng.
- Người phải làm công việc khuân vác nhiều.
- Tài xế lái xe đường dài.
Chẩn đoán
Sau khi hỏi bệnh sử, tiền sử và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm như:
- Điện cơ để đo lường mức độ của cơ bắp
- Chụp cộng hưởng từ MRI
- Chụp cắt lớp vi tính CT Scan
- Chụp X-quang
Phòng ngừa bệnh
Một số phương pháp có thể giúp ngăn ngừa bệnh tê nhức như:
- Tăng cường vận động, thường xuyên tập thể dục cho cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai
- Đối với người đã bị tê nhức chân, có thể ngâm chân trong nước nóng có pha muối giúp lưu thông máu tốt.
- Chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung các vitamin và chất khoáng
- Tránh làm việc quá sức với những công việc nặng nhọc, làm việc nhiều giờ trước máy vi tính hay ngồi xổm quá lâu dẫn đến mạch máu khó lưu thông gây tê chân tay.
- Hạn chế uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá, vào mùa đông có thể dùng túi chườm nóng ở tay chân để giảm đau nhức và tê bì
Điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh mà sử dụng phương pháp điều trị cho phù hợp. Nhìn chung, tê chân tay sinh lý không cần điều trị chỉ cần áp dụng một số biện pháp hỗ trợ, phòng ngừa như tăng vận động thể dục thể thao, xoa bóp thư giãn tay chân.
Phần lớn các trường hợp tê chân lặp lại nhiều lần, kéo dài hoặc do bệnh lý, cần được điều trị sớm và kịp thời để tránh biến chứng xấu.
Điều trị triệu chứng
Những loại thuốc điều trị tình trạng bị tê chân lâu ngày bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm: nhóm thuốc điều trị tê chân do đau cơ xơ hóa
- Thuốc corticosteroid: thuốc giảm viêm, giảm tê chân do bệnh đa xơ cứng (MS).
- Thuốc Gabapentin và pregabalin: thuốc góp phần ngăn chặn và giảm tê chân do đau cơ xơ hóa, đa xơ cứng, bệnh thần kinh tiểu đường.
Điều trị nguyên nhân
Do nguyên nhân sinh lý: Những cách khắc phục ngay tại nhà khi bị tê chân bao gồm:
- Tránh ngồi nhiều, đứng lâu:Chú ý không cúi nhấc vật nặng hay ngồi xổm, đi dép chật, không để tay chân bị lạnh.
- Nghỉ ngơi: giảm tê chân tay do dây thần kinh bị chèn ép
- Chườm lạnh. Chườm lạnh vào chân và bàn chân 15 phút/ngày có thể giảm sưng, giảm tê chân do dây thần kinh bị chèn ép.
- Chườm nóng. Những người bị tê chân do dây thần kinh bị chèn ép cũng có thể áp dụng chườm nhiệt.
- Xoa bóp chân và bàn chân giúp cải thiện lưu lượng máu và có thể làm giảm các triệu chứng tê chân.
- Tập thể dục. Những bài tập thể dục như yoga, Pilates, aerobic có thể thúc đẩy lưu lượng máu và giảm viêm, đau, giảm tê chân.
- Tắm muối Epsom. Để giảm tê chân người bệnh có thể tắm nước muối Epsom chứa magie giúp tăng lưu lượng máu và lưu thông.
- Ngủ đủ giấc. Những người bị tê chân có thể do thiếu ngủ cho nên cần ngủ đủ giấc.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: ăn uống đầy đủ những dưỡng chất, bổ sung các loại vitamin, khoáng chất thiết yếu nhằm tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa viêm nhiễm như: vitamin nhóm B, vitamin C, Glucosamin,… Đặc biệt, vitamin C và protein giúp sản sinh collagen tăng cường sự đàn hồi da, sự vững chắc của thành mạch, phòng ngừa xơ vữa động mạch.
Do nguyên nhân bệnh lý
Đối với tình trạng tê chân do bệnh lý, cần phải điều trị triệt để căn nguyên gây ra vấn đề. Ví dụ như:
- Bệnh tiểu đường: cần kiểm soát tốt đường huyết bằng cách dùng thuốc, duy trì chế độ ăn uống khoa học và chế độ tập luyện hàng ngày.
- Bị thiếu vitamin: bổ sung vitamin.
- Nhiễm độc: điều trị nhiễm độc
- Rối loạn chuyển hóa lipid máu: kiểm soát lipid máu ngưỡng an toàn
- Điều trị các bệnh lý thoái hóa cột sống, viêm khớp