Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Thoái hóa đa khớp là gì? Những điều cần biết về thoái hóa đa khớp
Sự lão hóa của xương khớp theo tuổi tác dẫn đến căn bệnh thoái hóa đa khớp. Đây là căn bệnh không phải hiếm gặp ở những người lớn tuổi. Thoái hóa đa khớp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí mất đi khả năng vận động của chúng ta. Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có thể nhận biết được căn bệnh này và có biện pháp điều trị hợp lý.
Tổng quan chung
Thoái hóa đa khớp là gì?
Thoái hóa khớp là dạng viêm khớp phổ biến nhất. Bệnh xảy ra khi sụn bọc ở khớp bị hao mòn, tổn thương, dẫn đến hiện tượng cứng khớp và đau nhức khi vận động.
Hiện tượng thoái hóa thường xảy ra ở một hoặc nhiều khớp có tần suất hoạt động thường xuyên như khớp vai, cổ, khớp gối, khớp bàn chân, khớp cổ tay,…Trường hợp xảy ra ở 2 khớp trở lên được gọi là thoái hóa đa khớp.
Thoái hóa đa khớp tiến triển dần theo thời gian và không thể điều trị dứt điểm. Bệnh có chủ yếu gặp ở người cao tuổi và người thường xuyên lao động nặng nhọc.
Triệu chứng
Trong giai đoạn đầu, bệnh thoái hóa đa khớp thường không gây ra những biểu hiện đặc biệt. Cho đến khi, mức độ tổn thương ở sụn khớp ngày càng nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ gặp phải một số triệu chứng như sau:
- Đau và cứng khớp: Các khớp bị thoái hóa sẽ có biểu hiện cứng và đau nhức. Khi vận động thì mức độ đau càng tăng lên và khi nghỉ ngơi, cơn đau sẽ giảm dần. Đây chính là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh thoái hóa khớp.
- Các khớp bị thoái hóa phát ra âm thanh khi người bệnh vận động: Khi các sụn khớp đã bị bào mòn hoàn toàn, các đầu xương có sẽ bị va vào nhau trong quá trình người bệnh di chuyển, vận động và từ đó tạo ra âm thanh lục khục.
- Giảm phạm vi chuyển động: Khi mắc chứng thoái hóa khớp, phạm vi cũng như cường độ hoạt động của khớp sẽ bị giảm đáng kể. Do đó, người bệnh bị suy giảm khả năng vận động và kéo theo chứng teo cơ.
- Gai xương: Khi các sụn khớp bị tổn thương, bào mòn, gai xương có nguy cơ hình thành, gây sưng đau và biến dạng khớp.
- Da bao quanh khớp đỏ và nóng: Tình trạng mô sụn và xương bị tổn thương có thể là yếu tố gây kích thích các mô mềm xung quanh vùng da bao quanh khớp và gây ra hiện tượng đỏ và nóng da.
Nguyên nhân
Nguyên nhân chủ yếu gây ra thoái hóa đa khớp là do quá trình lão hóa tự nhiên. Ở những người lớn tuổi, những tế bào sụn khớp sẽ giảm dần chức năng tổng hợp để tạo nên sợi collagen. Chính vì thế, chất lượng sụn kém dẫn tới tình trạng thoái hóa khớp. Ngoài ra còn có các nguyên nhân:
- Thừa cân, béo phì: Khi bị thừa cân, các khớp sẽ phải chịu một áp lực rất lớn, nhất là khớp gối, cột sống,…Nếu không duy trì về mức cân nặng phù hợp, bạn có thể sẽ rơi vào tình trạng viêm khớp, thoái hóa khớp.
- Chấn thương ở khớp: tai nạn lao động, tai nạn thể thao cũng là nguyên nhân gây ra chấn thương khớp, khiến khớp bị tổn thương nghiêm trọng. Vị trí tổn thương có thể tiến triển và thoái hóa theo thời gian.
- Cấu trúc xương bẩm sinh: Một số trường hợp cấu trúc xương bị sai lệch bẩm sinh sẽ dẫn đến tình trạng các đầu xương và sụn bị va chạm vào nhau trong quá trình người bệnh di chuyển khiến mô sụn bị bào mòn và dẫn đến tình trạng thoái hóa đa khớp.
- Đặc điểm nghề nghiệp: Một số công việc phải mang vác nặng nhọc có thể gây áp lực lớn lên các khớp. Các khớp bị chèn ép có thể bị dồn nén và gây thoái hóa.
Yếu tố nguy cơ
- Tuổi tác: quá trình lão hóa xương khớp sẽ diễn ra nhanh hơn khi tuổi càng cao vì tình trạng thoái hóa xương, sụn khớp bị hao mòn theo thời gian dẫn đến những triệu chứng đau nhức và co cứng khớp.
- Lười vận động sẽ khiến sụn khớp bị ù lì, mất đi độ linh hoạt ban đầu do đó những đối tượng lười vận động, thường xuyên ngồi một chỗ thường có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Yếu tố di truyền đã được các chuyên gia về xương khớp khảo sát và xác định khả năng di truyền bệnh khá cao.
- Giới tính: Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới do họ thường mang giày cao gót cũng như khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh nồng độ estrogen cơ thể suy giảm sẽ làm tăng khả năng bị bệnh.
- Bệnh lý: Những người mắc bệnh đái tháo đường, xơ vữa động mạch hay bệnh gút thường có nguy cơ mắc thoái hóa đa khớp cao hơn những đối tượng khác vì những bệnh trên làm giảm hệ miễn dịch, thúc đẩy quá trình lão hóa diễn ra nhanh hơn.
Chẩn đoán
Thông thường, bác sĩ thường đánh giá tiền sử bệnh lý, khám thực thể và lâm sàng trước khi thực hiện xét nghiệm.
Các xét nghiệm cần thiết trong quá trình chẩn đoán thoái hóa đa khớp, bao gồm:
X-Quang: X-Quang là xét nghiệm hình ảnh bắt buộc trong chẩn đoán các bệnh lý về xương khớp. Hình ảnh từ xét nghiệm này cho phép bác sĩ quan sát biểu hiện của khớp và đưa ra chẩn đoán. Thông thường bệnh thoái đa khớp thường khiến cho khớp có không gian hẹp hơn và xuất hiện các gai xương nhỏ.
MRI: MRI là xét nghiệm hình ảnh biểu hiện rõ cấu trúc của các mô mềm. Xét nghiệm này được thực hiện nếu bác sĩ nghi ngờ thoái hóa đa khớp là biến chứng của tình trạng nhiễm khuẩn mô mềm.
Sau khi xác định khớp bị tổn thương, bác sĩ sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt với các dạng viêm khớp khác như viêm khớp tự phát vị thành niên, viêm khớp dạng thấp, viêm khớp nhiễm khuẩn, bệnh gout,…
Trong chẩn đoán phân biệt, bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm máu và dịch khớp để loại trừ tổn thương khớp do rối loạn tự miễn, nhiễm trùng và do acid uric.
Phòng ngừa bệnh
Thoái hóa đa khớp tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Vì vậy nên áp dụng những phương pháp sau để phòng ngừa bệnh hiệu quả.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, bổ sung các loại thực phẩm tốt cho xương khớp như cá, sữa, các loại hạt, các loại quả mọng, rau xanh,…
- Kiểm soát cân nặng bằng chế độ khoa học
- Tập luyện thể dục hàng ngày
- Hạn chế mang vác nặng và lao động quá mức. Trong trường hợp tính chất công việc phải vận động nhiều, bạn nên sử dụng các thiết bị hỗ trợ để hạn chế tác động xấu đến xương khớp
- Duy trì lối sống khoa học, lành mạnh
- Không sử dụng thuốc lá, rượu bia và các chất có cồn.
Điều trị như thế nào?
Bệnh thoái hóa khớp không thể điều trị khỏi hoàn toàn mà mục đích của các phương pháp điều trị chính là cải thiện triệu chứng đau nhức, làm chậm quá trình thoái hóa và phục hồi chức năng khớp cho bệnh nhân.
Một số phương pháp thường được áp dụng trong quá trình điều trị bệnh có thể kể đến như:
- Sử dụng thuốc chẳng hạn như thuốc giảm đau, thuốc chống viêm,…
- Hướng dẫn người bệnh tập một số bài tập vật lý trị liệu để giảm đau đồng thời cải thiện, phục hồi chức năng khớp. Tuy nhiên, cần kiên trì tập trong thời gian dài
- Duy trì lối sống khoa học, lành mạnh
- Duy trì cân nặng phù hợp
- Tiêm khớp để cải thiện chức năng hoạt động
- Phẫu thuật loại bỏ gai xương, thay thế bằng khớp nhân tạo, phẫu thuật chỉnh hình,…
Thoái hóa đa khớp là bệnh xương khớp khá thường gặp và có thể gây khó khăn trong việc vận động và điều trị. Vì vậy chúng ta nên trang bị những kiến thức cần thiết về căn bệnh này để có thể bảo vệ sức khỏe cho chính mình và người thân nhé!