Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Thủng màng nhĩ là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Thủng màng nhĩ là tình trạng lớp mô mỏng ngăn cách giữa ống tai ngoài và tai giữa bị rách hoặc thủng. Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa hoặc mất thính lực. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về các dấu hiệu, nguyên nhân, cách chẩn đoán và phương pháp điều trị tình trạng thủng màng nhĩ, giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng này và cách xử lý khi gặp phải.
Tổng quan chung
Màng nhĩ là một lớp màng rất mỏng ngăn cách phần tai giữa và tai ngoài. Khi có âm thanh phát ra, sóng âm sẽ lan truyền đến tai và gặp màng nhĩ, làm màng nhĩ rung lên. Tuy nhiên, nếu màng nhĩ bị tổn thương, khả năng cảm nhận âm thanh của tai sẽ giảm đi. Thủng màng nhĩ là tình trạng lớp mô này xuất hiện các vết rách. Mặc dù ban đầu chỉ gây cảm giác khó chịu, nếu không điều trị kịp thời, các vết rách lớn có thể dẫn đến viêm nhiễm và các biến chứng nghiêm trọng khác.
Tình trạng màng nhĩ tổn thương gây ra những vết rách bên trong có thể tự phục hồi nhưng đối với vết rách lớn, không được vệ sinh sẽ dễ dẫn tới viêm nhiễm. Từ đó gây nên rất nhiều biến chứng khó lường, vậy nên nếu phát hiện sớm ra bệnh nên thăm khám để có biện pháp chữa trị phù hợp.
Triệu chứng
Đau tai là triệu chứng chính của thủng màng nhĩ. Cơn đau có thể kéo dài suốt cả ngày và thay đổi về cường độ. Sau khi cơn đau biến mất, tai có thể chảy chất lỏng như nước, máu hoặc mủ. Các triệu chứng khác bao gồm mất thính lực tạm thời hoặc giảm thính lực ở tai bị ảnh hưởng, ù tai, và chóng mặt.
Nguyên nhân
Các nguyên nhân gây thủng màng nhĩ phổ biến nhất, bao gồm:
- Nhiễm trùng tai giữa (viêm tai giữa). Nhiễm trùng tai giữa thường dẫn đến sự tích tụ của các chất dịch bên trong tai giữa. Áp lực từ những chất dịch này có thể gây ra tình trạng trên;
- Chấn thương khí áp. Chấn thương khí áp là áp lực đè lên màng nhĩ khi áp suất không khí trong tai giữa và áp suất không khí ngoài môi trường mất cân bằng. Nếu áp lực cao thì màng nhĩ có thể bị thủng. Chấn thương khí áp thường được gây ra bởi sự thay đổi áp suất không khí có liên quan đến việc đi máy bay. Các tình huống có thể gây ra những thay đổi đột ngột về áp suất bao gồm lặn biển, bị đánh trực tiếp vào tai và tác động của túi khí ô tô;
- Âm thanh hay vụ nổ lớn (chấn thương âm thanh). Âm thanh từ một vụ nổ lớn hoặc đạn bắn là một sóng âm năng lượng cao, có thể làm rách màng nhĩ;
- Dị vật trong tai. Dị vật nhỏ chẳng hạn như tăm bông hoặc kẹp tóc có thể đâm thủng hoặc làm rách màng nhĩ;
- Chấn thương đầu nghiêm trọng. Chấn thương nghiêm trọng chẳng hạn như vỡ xương sọ có thể làm hỏng cấu trúc tai giữa và tai trong bao gồm cả màng nhĩ.
Đối tượng nguy cơ
Trẻ em thường dễ bị thủng màng nhĩ hơn người lớn do thói quen sử dụng các vật nhọn hoặc đồ chơi nhỏ để ngoáy tai.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ tiến hành một số thủ thuật và xét nghiệm để xác định tình trạng thủng màng nhĩ, bao gồm phân tích mẫu dịch từ tai, sử dụng thiết bị chiếu sáng để tìm kiếm vết rách, kiểm tra thính lực, và đo nhĩ lượng đồ để kiểm tra phản ứng của màng nhĩ trước sự thay đổi áp suất.
Phòng ngừa bệnh
- Cảnh giác và cẩn thận khi ngoáy tai bằng những vật nhọn, tuyệt đối không tự ý ngoáy tai hoặc lấy ráy tai bằng các dụng cụ bằng kim loại;
- Tích cực điều trị khi mắc các bệnh về mũi họng vì có thể dẫn đến viêm tai giữa và gây thủng màng nhĩ;
- Khi đi bơi hoặc tắm vòi sen, làm việc hoặc sinh sống ở nơi ồn ào, hãy bảo vệ tai bằng nút chặn tai hoặc dùng mũ che tai khi cần thiết;
- Giữ cho tai khô nếu bị bất kì tổn thương nào để tránh nhiễm trùng và rách màng nhĩ.
Điều trị như thế nào?
Hầu hết các tình trạng thủng màng nhĩ có thể tự lành lại trong vòng vài tuần mà không cần phải điều trị. Bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc nhỏ kháng sinh kê đơn nếu phát hiện có sự nhiễm trùng ở tai.
Trong trường hợp vết rách hoặc lỗ thủng trên màng nhĩ không tự lành lại, việc điều trị có thể bao gồm các thủ thuật để vá vết rách hoặc lỗ thủng này. Các phương pháp điều trị này thường bao gồm:
- Vá màng nhĩ: nếu vết rách hoặc lỗ thủng trên màng nhĩ không tự liền lại, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ tiến hành bịt kín chúng bằng miếng dán giấy (hoặc miếng dán làm bằng vật liệu khác). Với quy trình điều trị này, bác sĩ có thể bôi một chất hóa học vào các mép của vết rách, giúp thúc đẩy quá trình chữa lành màng nhĩ, sau đó dán một miếng dán lên lỗ hổng. Điều này có thể cần được lặp lại nhiều lần cho đến khi vết thủng đóng lại hoàn toàn.
- Phẫu thuật: nếu vá màng nhĩ không mang lại hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện phẫu thuật. Phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất là phẫu thuật tạo hình màng nhĩ. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ ghép một mảnh mô từ các bộ phận khác của cơ thể bệnh nhân để đóng lỗ thủng trên màng nhĩ.
Kết luận
Thủng màng nhĩ là một tình trạng không quá nghiêm trọng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm cho thính giác và sức khỏe tổng quát. Nếu bạn nghi ngờ mình bị thủng màng nhĩ, hãy đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Bảo vệ tai bằng cách tránh các nguyên nhân gây tổn thương và giữ vệ sinh tai là những biện pháp phòng ngừa hiệu quả để bảo vệ thính giác của bạn.