Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Tràn dịch màng phổi là gì? Những điều cần biết về tràn dịch màng phổi
Tràn dịch màng phổi là bệnh lý phức tạp và ngày càng phổ biến trong cộng đồng. Bất kể người lớn hay trẻ nhỏ cũng có thể xảy ra tình trạng khoang phổi có nhiều dịch tiết bất thường, gây ra phản ứng ban đầu như ho, khó thở. Vậy tràn dịch màng phổi là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Tràn dịch màng phổi hay tình trạng “ứ nước trong khoang màng phổi” (có tên tiếng Anh Pleural Effusion) là sự tích tụ bất thường của chất lỏng trong khoang màng phổi. Bình thường lượng dịch trong khoang màng phổi chỉ có khoảng 10 – 20ml (2). Tràn dịch màng phổi xảy ra khi lượng dịch trong màng phổi nhiều hơn mức bình thường. Dấu hiệu chính có thể khiến bạn bị tức ngực, khó thở. Tràn dịch màng phổi là biểu hiện của nhiều loại bệnh khác nhau gây nên, và được phân thành 2 loại chủ yếu: Tràn dịch màng phổi dịch thấm (thường do suy tim, suy thận, suy dinh dưỡng…), tràn dịch màng phổi dịch tiết (do lao, ung thư, nhiễm khuẩn…).
Triệu chứng
Một số triệu chứng tràn dịch màng phổi là:
Người bệnh xuất hiện khó thở, khi nằm. Mức độ khó thở tùy thuộc vào lượng dịch trong khoang màng phổi, nếu lượng dịch > 2 lít gây khó thở nhiều, lượng dịch màng phổi tăng nhanh gây khó thở cấp tính.
- Khám lâm sàng phát hiện hội chứng 3 giảm: Rung thanh giảm, rì rào phế nang giảm, gõ đục.
- Nếu nguyên nhân do viêm phổi, viêm màng phổi: Có thể gặp ở mọi lứa tuổi
- Người bệnh thường xuất hiện kèm theo sốt vừa hay sốt cao, đau ngực, ho khan hoặc ho có đờm.
- Chụp X-Quang hay CT scan xác định có dịch tự do hay khu trú trong khoang màng phổi.
- Xác định căn nguyên gây viêm phổi bằng cách xét nghiệm đờm, xét nghiệm sinh hóa dịch màng phổi, nuôi cấy vi khuẩn…
- Nguyên nhân do ung thư: Thường thấy ở người trung và cao tuổi. Độ tuổi thường thấy là trên 40 tuổi.
- Thường kèm theo triệu chứng toàn thân mệt mỏi, chán ăn, gầy sút nhanh, ít khi sốt, da niêm mạc xanh, thiếu máu…
- Người bệnh đau ngực nhiều, đau âm ỉ tăng dần theo thời gian.
- Ho khan hoặc ho ra máu.
- Chẩn đoán dựa vào X-quang, chụp CT scan, xét nghiệm sinh hóa dịch màng phổi, xét nghiệm tìm tế bào ung thư…
- Nếu do nguyên nhân toàn thân người bệnh thường có tiền sử bệnh toàn thân trước đó: Suy tim, suy dinh dưỡng, xơ gan….. Thường có kèm theo tràn dịch đa màng, phù chân…
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi, tuy nhiên ở nước ta nguyên nhân thường gặp gây tràn dịch màng phổi là:
- Nguyên nhân do viêm phổi: Nếu người bệnh mắc viêm phổi khi đó, các vi khuẩn lan ra màng phổi hoặc vùng phổi bị nhiễm khuẩn quá gần màng phổi làm màng phổi tiết ra dịch. Theo ghi nhận, nếu viêm phổi do vi khuẩn Haemophilus influenzae, St. pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, vi khuẩn lao (Mycobacterium)…. dễ dẫn đến tràn dịch màng phổi. Nếu tràn dịch do nguyên nhân viêm phổi không điều trị đúng dịch sẽ thành mủ màng phổi, điều trị khó khăn.
Nguyên nhân do lao màng phổi: Tình trạng lao màng phổi cũng có thể dẫn đến tràn dịch màng phổi. Tràn dịch màng phổi do nguyên nhan lao là bệnh khá thường gặp, theo nghiên cứu nguyên nhân này chiếm 25% đến 37% các trường hợp tràn dịch màng phổi. Bệnh gặp nhiều ở người tuổi trẻ, nam nhiều hơn nữ, có thể tràn dịch màng phổi đơn thuần hoặc phối hợp với tổn thương lao ở nhu mô phổi. - Khi mắc biểu hiện thường thấy là một người đang khỏe mạnh, sau ít ngày thấy mệt mỏi, có cảm giác đau nhói một bên ngực, kèm theo khó thở, sốt nhẹ, ho khan.
- Nguyên nhân do ung thư: Nếu người bệnh mắc ung thư nhất là ung thư phế quản-phổi có thể gây tràn dịch màng phổi. Lý do dẫn đến tràn dịch màng phổi là do tế bào ung thư xâm lấn vào màng phổi hoặc gián tiếp do bít tắc các đường dẫn lưu dịch. Tình trạng tràn dịch màng phổi ở bệnh nhân ung thư thường gặp những đối tượng lớn tuổi, nghiện thuốc lá, ho dai dẳng từ trước đó, khó thở ngày càng nhiều. Ngoài ra, theo ghi nhận ở một số tường hợp ung thư di căn từ nơi khác vào màng phổi.
- Nguyên nhân do suy tim: Tình trạng suy tim có thể gây tràn dịch màng phổi, nguyên nhân là tim không thể bơm hết máu từ phổi đổ về, máu ứ lại trong phổi làm cho huyết tương thoát khỏi mạch máu vào khoang màng phổi. Người bệnh suy tim nếu mắc tràn dịch màng phổi có thể có các biểu hiện như: khó thở do suy tim, nay có dịch màng phổi khó thở tăng thêm, ho, phù chân,…
- Ngoài ra còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây tràn dịch màng phổi, trong đó có các bệnh như: xơ gan, mổ tim.
Đối tượng nguy cơ
Những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tràn dịch màng phổi gồm:
- Người có bệnh lý ở phổi: Xẹp phổi, viêm phổi, ung thư phổi, thuyên tắc động mạch phổi, lao phổi, di căn ung thư từ cơ quan khác đến phổi;
- Người có bệnh lý về tim mạch: Suy tim, viêm màng ngoài tim co thắt, đã thực hiện phẫu thuật bắc cầu nối động mạch vành;
- Người bị suy giảm chức năng các cơ quan hoặc suy giảm miễn dịch: Suy thận, thận hư, xơ gan cổ trướng, viêm khớp, suy giáp, nhiễm HIV, ký sinh trùng, mắc bệnh lý hệ thống,…
Chẩn đoán
Chẩn đoán tràn dịch màng phổi thường không khó, nhưng tìm nguyên nhân – điều quan trọng cho điều trị – lại cần nhiều kỹ thuật chuyên sâu.
Khám lâm sàng là giai đoạn quan trọng cho chẩn đoán nhưng luôn luôn phải kết hợp với các xét nghiệm khác nhau để xác định chẩn đoán và truy tìm nguyên nhân.
- X-quang ngực thẳng tư thế đứng được xem là xét nghiệm thường quy trong chẩn đoán tràn dịch màng phổi.
- Siêu âm ngực rất nhạy để phát hiện tràn dịch màng phổi lượng ít mà trên X-quang phổi thẳng đứng đôi khi khó phát hiện. Siêu âm còn giúp bác sĩ xác định vị trí rút dịch màng phổi để chẩn đoán và điều trị.
- Chọc hút dịch màng phổi là một thủ thuật thường khá an toàn với bác sĩ chuyên khoa và rất cần thiết nhằm xác định chẩn đoán và giúp tìm kiếm nguyên nhân tràn dịch màng phổi. Thông thường bác sĩ sẽ dùng kim nhỏ, chọc vào khoang màng phổi vùng có dịch để hút. Tùy nguyên nhân và diễn biến bệnh mà dịch màng phổi có màu sắc khác nhau (trong, vàng chanh, vàng đục, mủ, nâu, đỏ máu, trắng đục như sữa…). Dịch màng phổi sẽ được xét nghiệm sinh hóa, tế bào, vi sinh hoặc các xét nghiệm chuyên biệt khác để xác định nguyên nhân.
Phòng ngừa bệnh
Nắm được các nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi sẽ giúp bạn có biện pháp phòng bệnh hiệu quả. Một số lời khuyên cho bạn gồm:
- Phát hiện sớm và điều trị hiệu quả các bệnh có thể gây tràn dịch màng phổi như: Suy tim, suy thận, áp xe gan, xơ gan cổ trướng, áp xe dưới cơ hoành,…;
- Hạn chế làm việc, sinh hoạt ở khu vực có môi trường ô nhiễm, tích cực cải thiện môi trường sống;
- Thực hiện chế độ ăn chín, uống sôi, tránh những thực phẩm sống;
- Cách ly, giữ khoảng cách an toàn, dùng thuốc dự phòng khi tiếp xúc với người bệnh lao phổi;
- Giữ vệ sinh răng miệng và vòm họng, điều trị triệt để viêm nhiễm đường hô hấp trên để tránh viêm nhiễm ở phổi;
- Bỏ thuốc lá hoặc hạn chế tiếp xúc với những người hút thuốc.
Dựa trên các nguyên nhân gây tràn dịch màng phổi, người bệnh có thể phòng ngừa trước tình trạng này. Trường hợp có những biểu hiện của tràn dịch màng phổi, bệnh nhân nên đi khám sớm để được phát hiện và điều trị kịp thời.
Điều trị như thế nào?
Bệnh nhân tràn dịch màng phổi sẽ được chẩn đoán nhanh tình trạng bệnh, sau đó thực hiện các biện pháp điều trị để loại bỏ dịch thừa bằng các biện pháp như: chọc hút dịch màng phổi, dẫn lưu khoang màng phổi,… Song song với đó, trong quá trình điều trị, cần tìm ra nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị triệt để. Tùy theo nguyên nhân mà điều trị sẽ khác nhau như:
- Nếu tràn dịch màng phổi do nhiễm trùng, cần xây dựng kháng sinh đồ với hiệu quả điều trị tốt nhất.
- Nếu tràn dịch màng phổi ác tính do ung thư, cần tìm ra vị trí ung thư nguyên phát và điều trị bằng phẫu thuật, hóa xạ trị, liệu pháp trúng đích,…
- Nếu tràn dịch màng phổi do suy tim, bệnh nhân phải được điều trị hỗ trợ suy tim.
Chăm sóc
Không những tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám thường xuyên sau điều trị, bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi nên lưu ý về chế độ nghỉ ngơi và ăn uống. Chăm sóc tốt trong thời gian sau điều trị này không những giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe tốt hơn mà còn hạn chế được nguy cơ tái phát và tiến triển bệnh.
Dưới đây là một số lưu ý về chế độ ăn uống và nghỉ ngơi:
Trái cây
Trái cây tươi, nước ép trái cây rất tốt cho bệnh nhân tràn dịch màng phổi, song cần uống ở mức độ vừa phải để tránh cơ thể tích tụ nhiều chất lỏng, dẫn đến tràn dịch màng phổi tái phát.
Các loại trái cây nên ăn theo mùa và cần tươi ngon để đảm bảo dưỡng chất nhiều nhất. Cụ thể các loại trái cây tốt cho người bệnh như cam, táo, lê, xoài,…
Bổ sung đủ dinh dưỡng
Dinh dưỡng mà người bệnh sau điều trị tràn dịch màng phổi cần bổ sung là từ nguồn thực phẩm tươi sống, hạn chế thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn. Cần cung cấp đầy đủ các nhóm dinh dưỡng, đặc biệt là chất xơ, đạm, tinh bột,…
Hạn chế thực phẩm dễ gây kích ứng
Nếu xảy ra kích ứng, tràn dịch màng phổi có thể tái phát và biến chứng cũng nghiêm trọng hơn. Do đó, trong thời gian phục hồi bệnh nhân nên hạn chế ăn thực phẩm dễ gây kích thích như: tôm, cua, hải sản,…
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về tràn dịch màng phổi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.