Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
U tuyến nước bọt mang tai là gì? Nguyên nhân và phương pháp điều trị
Khối u tuyến nước bọt rất hiếm gặp, trong đó 70% gặp ở tuyến mang tai. Mọi lứa tuổi đều có thể bị u tuyến nước bọt, phát hiện bệnh sớm giúp điều trị đạt hiệu quả cao. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về U tuyến nước bọt mang tai qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tuyến nước bọt nằm ở phía sau khoang miệng và có nhiệm vụ tiết nước bọt giúp cơ thể tiêu hóa thức ăn. Tuyến nước bọt chính bao gồm tuyến mang tai (nằm hai bên sườn mặt), tuyến dưới hàm và tuyến dưới lưỡi. Các tuyến phụ bắt đầu từ vòm miệng và nằm dọc trong khoang miệng, xoang, mũi. Các tuyến này chỉ có thể thấy dưới kính hiển vi.
U tuyến nước bọt là tình trạng tăng trưởng bất thường hiếm gặp ở những tuyến nước bọt. Khối u ở tuyến nước bọt có thể lành tính hoặc ác tính. 80% khối u nằm ở những tuyến chính là lành tính nhưng nếu ở những phần còn lại 80% khối u là ác tính.
Triệu chứng
Những triệu chứng phổ biến của u tuyến mang tai gồm:
- Khối sưng vùng góc hàm
- Dấu hiệu liệt mặt
- Khó nhai.
Nhưng đôi khi u tuyến mang tai cũng có thể không bộc lộ triệu chứng, người bệnh chỉ tình cờ phát hiện khi chụp phim CT-scan hoặc siêu âm vùng mặt cổ. Ngoài ra, triệu chứng u tuyến mang tai thể lành tính và ác tính cũng có thể khác nhau.
- Triệu chứng u tuyến nước bọt mang tai lành tính: Một khối u xuất hiện nhiều năm, phát triển chậm và không đau là triệu chứng thường thấy ở dạng u tuyến mang tai lành tính. Thông thường, khối u này chỉ tăng kích thước nhanh chóng khi bị nhiễm trùng, chảy máu trong khối u hoặc bắt đầu tạo nang. Tình trạng này thường có biểu hiện căng tức vùng mang tai.
- Triệu chứng u tuyến nước bọt mang tai ác tính: Ở dạng ác tính, khối u này thường phát triển nhanh, gây đau và liệt không hoàn toàn hoặc liệt hoàn toàn dây thần kinh mặt.
Nguyên nhân
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra u tuyến nước bọt, tuy nhiên không phải lúc nào cũng tìm thấy căn nguyên rõ ràng gây bệnh. Các nguyên nhân có thể kể đến như:
- Nhiễm trùng: nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất của u tuyến nước bọt, vi khuẩn hoặc virus xâm nhập vào tuyến và gây viêm nhiễm (sialadenitis).
- Sỏi tuyến: sỏi tuyến nước bọt thường hình thành khi các khoáng chất trong nước bọt tăng độ cô đặc và tạo thành các tinh thể cứng trong tuyến.
- Yếu tố di truyền
- Tiếp xúc môi trường độc hại: làm việc hoặc tiếp xúc môi trường độc chất trong thời gian dài cũng là tác nhân hình thành các khối tế bào bất thường.
- Chế độ ăn: chế độ ăn nhiều chua hoặc thói quen để miệng khô có thể kích thích tuyến nước bọt có nguy cơ gây sỏi.
- Một số bệnh như sarcoidosis, hội chứng sjogren có thể ảnh hưởng đến u tuyến nước bọt.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh nhân u tuyến nước bọt lành tính không phân biệt giới tính và chủng tộc. Một số đối tượng nguy cơ bệnh u tuyến nước bọt như:
- Tuổi cao: khối u tuyến nước bọt có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chúng thường xảy ra nhất ở người lớn tuổi.
- Tiếp xúc với bức xạ: Chẳng hạn như bức xạ được sử dụng để điều trị ung thư đầu và cổ, làm tăng nguy cơ khối u tuyến nước bọt.
- Nơi làm việc tiếp xúc với một số chất: Những người làm việc với một số chất có thể tăng nguy cơ khối u tuyến nước bọt. Các công việc liên quan đến khối u tuyến nước bọt bao gồm những công việc liên quan đến sản xuất cao su, khai thác amiăng và hệ thống ống nước.
- Tiếp xúc với virus khiến bạn có nguy cơ ung thư tuyến nước bọt bao gồm HIV và virus EBV (Epstein-Barr)
- Điều trị I131 có thể làm tăng tỷ lệ u tuyến nước bọt
- Lạm dụng chụp X quang nha khoa hoặc X quang vùng đầu cổ có thể là yếu tố làm thúc đẩy quá trình khởi phát khối u.
- Lạm dụng rượu và thuốc lá: một vài nghiên cứu gần đây cho thấy việc lạm dụng rượu và thuốc lá có liên quan tới u Warthin (u tuyến lympho).
- Ô nhiễm môi trường, dinh dưỡng kém cũng góp phần làm tăng nguy cơ mắc u tuyến nước bọt.
Chẩn đoán
Khi tuyến nước bọt lớn hơn bình thường, chủ yếu là ở tuyến mang tai, được xem là nhiều khả năng có khối u. Mặc dù đó có thể là khối u lành tính nhưng bạn vẫn cần đi khám và xét nghiệm để được chẩn đoán chính xác. Các phương pháp kiểm tra bao gồm:
- Thăm khám: Trước tiên, bác sĩ sẽ quan sát chỗ sưng, nhận định những biến đổi của da trên bề mặt, coi sự cử động của các cơ mặt bên đó. Sờ nắn để tìm khối u tại chỗ và xung quanh vùng cổ mặt, nhận định về độ lớn, giới hạn và độ di động của khối u đó.
- Chụp X-quang: Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định bạn chụp X-quang vùng tuyến nước bọt để tìm hình ảnh khối u một cách tương đối rõ ràng.
- Siêu âm, chụp CT hoặc MRI để đánh giá chính xác về kích thước khối u, sự xâm lấn và di căn đến các hạch bạch huyết ở vùng cổ. Nếu hình ảnh gợi ý cho thấy có sự di căn thì nguy cơ cao đó là khối u ác tính.
- Sinh thiết: Bác sĩ dùng kim nhỏ hoặc kim lõi để chọc vào khối u, hút lấy mẫu tế bào và chất dịch trong đó để làm giải phẫu bệnh nhằm xác định chắc chắn bản chất của khối u là loại gì, lành hay ác.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh, mọi người không nên sử dụng thuốc lá, hạn chế tiếp xúc tia xạ và khám sức khỏe tổng quát hàng năm hoặc khi có dấu hiệu bất thường như khối phồng mang tai, góc hàm để được điều trị sớm.
Điều trị
Tùy vào tính chất của u tuyến nước bọt mà có thể lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
- Điều trị u lành tính: Điều trị các khối u lành tính bằng phẫu thuật là chỉ định phổ biến. Tuy nhiên, nếu phẫu thuật cắt bỏ khối u không triệt để có thể dẫn đến tái phát.
- Điều trị u ác tính: Đối với các khối u tuyến nước bọt ác tính, phương pháp điều trị được lựa chọn là phẫu thuật, đôi khi kết hợp với xạ trị. Hiện tại, không có phương pháp hóa trị hiệu quả nào cho bệnh ung thư tuyến nước bọt.
- Điều trị ung thư biểu mô mucoepidermoid bao gồm: Cắt bỏ rộng và xạ trị sau phẫu thuật cho các tổn thương mức độ cao. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là 95% với loại cấp thấp, chủ yếu ảnh hưởng đến tế bào chất nhầy và 50% với loại cấp cao, ảnh hưởng chủ yếu đến tế bào biểu bì. Nếu có di căn đến bạch huyết khu vực, cần phẫu thuật cắt bỏ và xạ trị sau phẫu thuật.
- Điều trị ung thư biểu mô nang tuyến adenoid: Thường phẫu thuật cắt bỏ khối u diện rộng nhưng dễ gây tái phát cục bộ do xu hướng lan rộng quanh màng cứng của khối u. Mặc dù tỷ lệ sống sót sau 5 năm là khá tốt, nhưng tỷ lệ sau 10 năm kém hơn với nhiều bệnh nhân phát triển di căn xa. Tình trạng di căn phổi và tử vong cũng phổ biến ở các bệnh nhân đã sống sót sau phẫu thuật, thường là sau 5-10 năm.
- Điều trị ung thư biểu mô tế bào acinic: Phẫu thuật cắt bỏ rộng thường có tiên lượng tốt.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về U tuyến nước bọt mang tai. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.