Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Ung thư vòm hầu là gì? Những điều cần biết về ung thư vòm hầu
Ung thư vòm họng hay còn được gọi là ung thư vòm hầu, nằm ở khu vực phía sau khoang mũi và phần trên của họng. Ung thư vòm họng rất khó để phát hiện sớm vì vùng vòm họng không dễ dàng để kiểm tra và triệu chứng của ung thư vòm họng gần giống với những triệu chứng của bệnh thông thường khác. Hãy cùng tìm hiểu về những điều cần biết về ung thư vòm hầu qua bài viết này.
Tổng quan chung
Họng (hay còn được gọi là hầu) là cấu trúc hình ống bên trong vùng đầu cổ, bắt đầu từ phía sau mũi và kết thúc ở thanh quản. Vòm họng nằm phía sau mũi, miệng họng nằm phía dưới vòm họng. Hạ họng nằm phía dưới miệng họng và phía sau vùng thanh quản (vùng thanh quản là nơi chứa dây thanh giúp phát âm, là đường luân chuyển của không khí từ ngoài vào phổi và ngược lại).
Những tế bào ung thư xảy ra ở vùng vòm hầu được gọi là ung thư vòm hầu (ung thư vòng họng). Thường rất khó nhận biết ung thư vòm hầu vì các triệu chứng tương tự như các tình trạng ít nghiêm trọng khác. Ngoài ra, nhiều người bị ung thư vòm hầu không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi ung thư chuyển sang giai đoạn tiến triển.
Triệu chứng ung thư vòm hầu
Khi mắc ung thư vòm hầu, ở giai đoạn đầu bệnh nhân thường không có triệu chứng đặc trưng rõ ràng hoặc thậm chí không có triệu chứng. Tuy nhiên, ở giai đoạn tiến triển tại chỗ hoặc giai đoạn muộn, người bệnh thường gặp một hoặc vài triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Đau hoặc chảy máu miệng
- Đau họng: ung thư vòm họng có thể gây ra sự cộm, vướng mắc trong họng, đau nhức hoặc khó chịu họng
- Khó nuốt: bệnh nhân có thể cảm thấy đau hoặc khó khăn khi ăn, uống hoặc nuốt.
- Khàn giọng: bệnh nhân ung thư vòm họng có thể cảm thấy giọng nói của mình khàn hoặc thay đổi so với trước đây.
- Ho kéo dài hoặc ho ra máu: Ho lâu ngày, khó giải thích hoặc có máu trong nước bọt/đàm
- Khó thở: Với các khối u lớn làm cản trở quá trình hô hấp, có thể khiến bệnh nhân cảm thấy khó thở.
- Đau tai, giảm thính lực hoặc ù tai
- Nghẹt mũi, chảy máu mũi kéo dài
- Nhìn mờ, nhìn đôi hoặc mờ
- Có khối u/hạch ở cổ: Được phát hiện qua xét nghiệm hoặc tìm thấy bằng cách chạm vào vùng cổ, cổ họng hoặc vòm họng.
- Khó mở miệng, đau/ tê mặt,…
Nguyên nhân gây ung thư vòm hầu
Ung thư bắt đầu khi có một hoặc nhiều đột biến gen xảy ra khiến cho những tế bào bình thường tăng trưởng vượt mức kiểm soát, xâm lấn những cấu trúc xung quanh và thậm chí lan đến (di căn) những cơ quan khác của cơ thể. Trong ung thư vòm hầu, tiến trình này bắt đầu xảy ra ở những tế bào vảy, phủ trên bề mặt mũi họng.
Hiện nay người ta vẫn chưa xác định chính xác điều gì gây đột biến gen dẫn đến ung thư vòm họng, nhưng việc nhiễm vi rút Epstein-Barr được xem là có liên quan đến sự phát triễn của ung thư vòm họng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ vì sao một số người có đủ mọi yếu tố nguy cơ lại không bị ung thư vòm họng, trong khi đó, có người không có những yếu tố nguy cơ rõ ràng lại bị ung thư.
Đối tượng nguy cơ
Một thống kê gần đây của Bộ Y tế cho thấy, ở Việt Nam, tính chung trên cả nam và nữ, tỷ lệ ung thư vòm hầu đứng hàng thứ 6 trong 10 bệnh ung thư thường gặp. Xét về tỷ lệ tử vong thì bệnh này đứng ở hàng thứ 7. Các đối tượng trong độ tuổi thường là từ 30-50 được đánh giá có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Đáng chú ý, nam giới có nguy cơ mắc ung thư vòm hầu cao gấp 3 lần nữ giới.
Các nhà nghiên cứu đã xác định một số yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vòm họng, bao gồm:
- Giới tính. Ung thư vòm họng thường gặp ở nam hơn ở nữ.
- Chủng tộc. Đây là loại ung thư thường xảy ra với người châu Á và Bắc Phi
- Tuổi. Ung thư vòm họng có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào, nhưng hầu hết được chẩn đoán ở người trưởng thành từ 30 đến 50 tuổi.
- Thực phẩm ướp muối. Các hóa chất được phóng thích thành hơi khi nấu những thức ăn có ướp muối như cá muối và rau quả bảo quản, hơi này có thể đi vào khoang mũi làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng. Tiếp xúc với những hóa chất này từ khi còn nhỏ tuổi có thể thậm chí làm tăng nguy cơ nhiều hơn.
- Vi rút Epstein-Barr. Loại virus phổ biến này thường gây ra những dấu hiệu và triệu chứng nhẹ, như những dấu hiệu và triệu chứng của cảm lạnh. Đôi khi vi rút này có thể gây ra bệnh tăng bạch cầu đơn nhân nhiễm khuẩn. Vi rút Epstein-Barr cũng có liên quan đến vài loại ung thư hiếm gặp, trong đó có ung thư vòm họng.
- Tiền sử gia đình. Nếu trong gia đình có một người bị ung thư vòm họng thì nguy cơ bị bệnh này cũng tăng.
Chẩn đoán
Ung thư vòm họng có thể không được phát hiện ra cho tới khi gây ra vấn đề sức khỏe khiến người bệnh phải đi khám.
Bác sĩ sẽ hỏi các câu hỏi về tình trạng sức khỏe của bạn và khám lâm sàng. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ chỉ định thêm các xét nghiệm để kiểm tra.
Các xét nghiệm, đánh giá có thể bao gồm:
- Khám tổng quát vùng đầu-cổ: Bác sĩ sẽ kiểm tra một cách toàn diện vùng đầu cổ để phát hiện những vị trí có bất thường. Hạch to bất thường vùng cổ là dấu hiệu quan trọng của ung thư cần được kiểm tra. Vòm họng là một vùng khó kiểm tra vì nằm ở sâu, do vậy bác sĩ sẽ cần sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như gương, đèn và/hoặc một ống soi đặc biệt có gắn đèn để quan sát.
- Sinh thiết: bác sĩ sẽ tiến hành lấy một mẫu mô nhỏ ở vị trí nghi ngờ là ung thư. Mẫu mô này sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để phát hiện tế bào ung thư. Đây là xét nghiệm quan trọng nhất để khẳng định một người có bị ung thư hay không.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan): Đây là phương pháp sử dụng một loại tia X đặc biệt để dựng lại hình ảnh nhằm phát hiện xem khối u đã di căn hạch, phổi và/hoặc các cơ quan khác chưa
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng là phương pháp hữu ích để đánh giá kích thước khối ung thư và phát hiện những khối u khác.
- Chụp X-quang ngực: có thể được thực hiện nhằm kiểm tra xem ung thư có di căn tới phổi không.
- PET-CT: Khi chụp PET-CT bạn sẽ được yêu cầu sử dụng một loại đường đặc biệt mà mức độ chuyển hóa bên trong cơ thể có thể được quan sát bằng một thiết bị đặc biệt. Tại những vị trí có ung thư, đường này sẽ chuyển hóa mạnh và hiển thị lên như một “điểm nóng”. Xét nghiệm này thường được chỉ định khi bác sĩ nghi ngờ bệnh ung thư có thể đã di căn nhưng chưa tìm được vị trí.
- Xét nghiệm máu: Một số xét nghiệm máu cơ bản giúp đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát của bạn
Phòng ngừa bệnh
Để dự phòng ung thư vòm họng cần duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học, cụ thể như sau:
- Không hút thuốc lá: nhiều nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng việc không hút thuốc là có thể làm giảm được đáng kể nguy cơ gây lên ung thư vòm họng. Nếu như bạn có hút thuốc lá, lời khuyên tốt nhất là bỏ thuốc trong thời gian sớm nhất để đảm bảo sức khỏe.
- Hạn chế sử dụng bia, rượu và các loại đồ uống có chứa cồn trong sinh hoạt hàng ngày.
- Không nên ăn nhiều các thực phẩm được chế biến theo phương thức lên men như: thịt muối, dưa muối, cà muối…
- Không ăn thức ăn khi còn nóng tránh gây tổn thương đến vùng hầu họng.
- Luyện tập thể dục đều đặn để tăng cường sức khỏe.
Các dấu hiệu của ung thư vòm họng có thể khó xác định trong giai đoạn đầu của bệnh do nhiều triệu chứng liên quan với các bệnh lý tai mũi họng thông thường nên người bệnh và thầy thuốc dễ chủ quan và bỏ qua.
Điều trị như thế nào?
Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau đối với ung thư mũi họng: Bác sĩ chuyên khoa tai – mũi – họng sẽ đánh giá tình trạng của bệnh nhân và đề xuất phương pháp điều trị phù hợp, tùy thuộc vào giai đoạn ung thư và thể trạng chung. Các phương pháp điều trị ung thư mũi họng bao gồm:
- Hóa trị: sử dụng một hoặc kết hợp nhiều thuốc gây độc lưu thông trong dòng máu và tiêu diệt các tế bào tăng sinh nhanh chóng, bao gồm cả các tế bào khỏe mạnh. Hóa trị giúp làm giảm các triệu chứng của ung thư mũi họng.
- Xạ trị là hình thức điều trị phổ biến nhất của ung thư mũi họng. Phương pháp điều trị này có thể được thực hiện theo nhiều cách:
- Xạ trị áp sát bằng cách sử dụng các thanh kim loại mỏng có chứa vật liệu phóng xạ để cung cấp bức xạ tới các tế bào ung thư.
- Xạ trị điều biến cường độ (IMRT) là phương pháp phóng xạ cho phép cung cấp các chùm tia phóng xạ chính xác, theo hướng dẫn của máy tính để phá hủy các tế bào ung thư, trong khi vẫn bảo tồn các mô khỏe mạnh xung quanh.
- Xạ trị hoặc chùm tia năng lượng bên ngoài có thể được sử dụng để phá hủy các tế bào ung thư và làm giảm triệu chứng của ung thư mũi họng.
- Phẫu thuật để loại bỏ u mũi họng trong một số trường hợp ung thư mũi họng không đáp ứng với xạ trị
Sau khi cắt bỏ u nguyên phát, phẫu thuật bóc tách cổ được tiến hành để cắt bỏ các hạch bạch huyết ung thư gần đó nếu ung thư mũi họng đã lan sang chúng.
Các biện pháp chăm sóc tại nhà nhằm xử lý tình trạng khô miệng do xạ trị, bao gồm:
- Đánh răng nhiều lần mỗi ngày
- Súc miệng bằng dung dịch nước muối ấm sau ăn
- Uống nước hoặc ăn kẹo không đường để giữ khoang miệng ẩm
- Ăn các thức ăn ướt, tránh đồ chua cay.