Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm da cơ địa là gì? Những điều cần biết về viêm da cơ địa
Tổng quan chung
Viêm da cơ địa là một bệnh lý mạn tính về da, bệnh dai dẳng, thường xuyên tái phát, được đặc trưng bởi:
- Cơ chế bệnh sinh phức tạp: Bệnh liên quan đến di truyền, rối loạn chức năng miễn dịch và biểu bì, và các yếu tố môi trường.
- Triệu chứng chính: Ngứa dữ dội là triệu chứng nổi bật nhất.
- Tổn thương da: Biểu hiện da đa dạng, từ mức độ nhẹ như ban đỏ đến nặng hơn như lichen hóa (dày da) và chứng đỏ da.
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm da cơ địa
Bệnh viêm da cơ địa thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh, sớm nhất là 3 tháng tuổi. Ngứa dữ dội là một triệu chứng điển hình. Ngứa thường xuất hiện trước các tổn thương và trầm trọng hơn khi không khí khô, đổ mồ hôi, kích ứng tại chỗ, quần áo len và căng thẳng về cảm xúc.
- Giai đoạn cấp tính: tổn thương là các mảng hoặc mảng có vẩy, đỏ, dày, ngứa dữ dội, có thể bị xước do gãi.
- Giai đoạn mạn tính: trầy xước và chà xát tạo ra những tổn thương khô, lichen hóa trên da.
Phân bố tổn thương phụ thuộc vào tuổi:
- Ở trẻ sơ sinh, tổn thương đặc trưng xảy ra ở mặt, da đầu, cổ, mí mắt và mặt duỗi của các chi.
- Ở trẻ lớn và người lớn, các tổn thương xảy ra trên các mặt gấp như cổ, khuỷu tay, khoeo chân.
Nguyên nhân gây viêm da cơ địa
Với sự phát triển của y sinh học, một số gen gây ra bệnh viêm da cơ địa đã được tìm thấy. Các nghiên cứu y tế chỉ ra rằng: Nếu trong gia đình có người bị hen suyễn, bị viêm mũi dị ứng thì thế hệ sau sẽ có di truyền các bệnh dị ứng (gồm bộ 3 các bệnh cơ địa như sau: Bệnh viêm da cơ địa, hen suyễn, viêm mũi dị ứng).
Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện do ảnh hưởng bởi những nguyên nhân gây viêm da cơ địa sau:
- Những người hay bị dị ứng.
- Một số tác nhân liên quan đến bệnh viêm da cơ địa như: Xà phòng, chất tẩy rửa, dị ứng thời tiết,…;
- Dị ứng thực phẩm được coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh chàm ở trẻ nhỏ.
- Nhiễm trùng cấp tính gây suy giảm miễn dịch.
- Rối loạn nội tiết.
- Căng thẳng thần kinh.
Đối tượng nguy cơ
Viêm da cơ địa là một bệnh lý da mạn tính có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, tuy nhiên một số đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:
Trẻ em:
- Viêm da cơ địa thường xuất hiện ở trẻ em dưới 2 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh.
- Trẻ có tiền sử gia đình mắc bệnh dị ứng như hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc chính bản thân mắc các bệnh dị ứng này có nguy cơ cao bị viêm da cơ địa.
Người có cơ địa dị ứng:
- Do hệ miễn dịch của họ có xu hướng phản ứng quá mức với các tác nhân gây dị ứng, dẫn đến tình trạng viêm da.
Người có tiền sử gia đình mắc bệnh:
- Nếu cha mẹ, anh chị em ruột bị viêm da cơ địa, bạn có nguy cơ cao mắc bệnh hơn. Nguy cơ càng cao nếu nhiều thành viên trong gia đình mắc bệnh.
Người tiếp xúc với các yếu tố kích thích:
- Một số yếu tố kích thích có thể làm khởi phát hoặc làm nặng thêm tình trạng viêm da cơ địa, bao gồm:
- Chất gây dị ứng: Bụi nhà, phấn hoa, lông động vật, nấm mốc, thức ăn dị ứng (sữa, trứng, đậu phộng, hải sản, v.v.)
- Hóa chất: Xà phòng, chất tẩy rửa, chất khử mùi, nước hoa, v.v.
- Thay đổi nhiệt độ: Tiếp xúc với môi trường quá nóng hoặc quá lạnh
- Căng thẳng.
Người có da khô:
- Da khô có hàng rào bảo vệ da yếu hơn, khiến da dễ bị kích ứng và mắc các bệnh lý da liễu.
Phương pháp chẩn đoán và điều trị viêm da cơ địa
- Dựa trên khám lâm sàng và hỏi bệnh sử của cá nhân và gia đình, một số xét nghiệm cần thực hiện để xác định độ nặng và biến chứng của bệnh.
- Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng như: Da khô, viêm kết mạc mắt tái phát nhiều lần, viêm môi, da mặt bị đỏ hoặc tái, có chàm ở lòng hoặc mu bàn tay, vảy trắng,…
Cách phòng ngừa và hạn chế tái phát bệnh viêm da cơ địa
Hiện chưa có vaccine phòng bệnh viêm da cơ địa, tuy nhiên chúng ta vẫn có thể phòng ngừa bệnh khởi phát bằng những cách sau:
- Bảo vệ da bằng kem dưỡng ẩm.
- Sử dụng các hóa mỹ phẩm dành cho da nhạy cảm.
- Chế độ ăn uống, chế độ vận động lành mạnh.
- Tránh ăn thức ăn dễ gây dị ứng.
- Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên giặt chăn, thảm, rèm cửa.
- Tránh khói thuốc lá và môi trường nhiều bụi, ô nhiễm.
- Không tắm quá 20 phút một lần, ưu tiên tắm bằng nước ấm hơn là nước nóng.
- Nên dùng cố định 1 loại xà phòng, nước hoa, dầu gội, chất tẩy rửa nhẹ nhàng.
- Hạn chế tối đa gãi ngứa, cắt móng tay tránh việc gãi mạnh gây tổn thương da, với trẻ em cần đeo tất tay vào buổi tối.
- Nên mặc áo thoáng mát, vải mềm, mỏng trong thời tiết nóng. Uống đủ nước mỗi ngày.
Điều trị
Bệnh viêm da cơ địa là một bệnh mạn tính, bệnh không thể chữa dứt điểm hoàn toàn nhưng vẫn có thể kiểm soát được bệnh. Các biện pháp điều trị hiện nay chỉ nhằm đưa da về tình trạng bình thường càng lâu càng tốt, phòng ngừa và điều trị các cơn bùng phát/các biến chứng.
- Dùng kem chống ngứa: tránh gãi nhiều gây tổn thương da. Nếu ngứa nhiều, có thể uống thêm thuốc kháng histamin chống dị ứng.
- Bảo vệ da bằng kem dưỡng ẩm: làm mềm da từ 2 – 3 lần mỗi ngày, tránh nứt nẻ gây nhiễm trùng.
- Bôi kem kháng viêm: khi da có viêm, sưng đỏ, ngứa. Nên sử dụng kem kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ.
- Điều trị kháng sinh nếu da bị nhiễm trùng: Chỉ bổ sung thêm kháng sinh trong thời gian ngắn. Nếu vết thương bị hở hay chảy dịch cần đắp gạc và vệ sinh thay băng mỗi ngày để tránh bội nhiễm.
- Có thể chườm lạnh để giảm viêm và giảm ngứa ở da.
- Tránh áp lực và căng thẳng khi làm việc, cần nghỉ và ngủ điều độ đủ giấc, thường xuyên tập thể dục.
- Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng, tăng cường hệ miễn dịch.
Bệnh viêm da cơ địa không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị đúng cách và chăm sóc da thường xuyên có thể khiến bệnh trở nặng gây ra những biến chứng phức tạp như: Viêm da thần kinh, viêm da cơ địa bội nhiễm, sốt cao, đau nhức, sưng hạch bạch huyết,… Ngay khi phát hiện các dấu hiệu viêm da cơ địa, người bệnh nên đến bệnh viện có chuyên khoa Da liễu để được thăm khám và có phác đồ điều trị phù hợp.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.