Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm da dầu là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị viêm da dầu
Viêm da dầu là một trong những dạng viêm da phổ biến, thường gặp vào mùa đông. Bệnh xảy ra do tuyến bã nhờn trên da hoạt động quá mức phát sinh viêm nhiễm, gây các triệu chứng khó chịu về da và ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Bệnh có tính chất dai dẳng, dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Viêm da dầu là gì? qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm da dầu hay còn gọi là viêm da dầu tiết bã là bệnh ngoài da có tính chất mạn tính. Bệnh do một loại nấm men nhỏ có tên Malassezia phát triển quá mức và một số yếu tố cộng hưởng khác nằm trên da được xem là nguyên nhân gây mắc bệnh.
Viêm da dầu tuy không lây, là bệnh da liễu lành tính và gần như không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến vẻ thẩm mỹ và tâm lý của người bệnh.
Khi bị viêm da dầu, da sẽ bị bong tróc thành các mảng hồng tại các vùng da hay những bộ phận hay bị tiết bã nhờn nhiều như mũi, má, mang tai, chân mày, ngoài ra vùng da đầu, cùng da trước ngực hay da lưng cũng sẽ bị.
Bất kỳ đối tượng nào cũng có thể mắc bệnh. Tuy nhiên theo nghiên cứu, độ tuổi từ 18 tới 40 thường bị viêm da dầu tiết bã nhiều hơn và tỷ lệ nam mắc bệnh nhiều hơn nữ giới.
Triệu chứng
Biểu hiện mắc bệnh viêm da dầu mỗi người thường khác nhau, tùy thuộc vào vị trí bị viêm da dầu, tình trạng nặng hay nhẹ và có thể phân biệt ở trẻ em, người lớn. Một số triệu chứng điển hình có thể nhận thấy:
Biểu hiện viêm da dầu ở người lớn
Ở người lớn, vị trí thường xảy ra nhiều ở da mặt, da đầu, phần da nửa trên thân mình. Viêm da dầu ở mặt có các thương tổn ở rãnh mũi má, vùng chữ T ở rìa trán, kẽ mũi, giữa hai vùng lông mày, da màu đỏ, có vảy da mỏng.
Viêm da dầu ở vùng đầu khiến da đầu bị bong tróc theo dạng vảy gàu da đầu, theo đó bị ngứa, rụng tóc. Những người bị bệnh thường hay có biểu hiện tiết bã nhờn và khô kết hợp.
Khi thời tiết nóng, đổ mồ hôi khiến ngứa có thể tăng lên. Viêm da tiết bã dầu có dấu hiệu nặng hơn vào mùa đông khi thời tiết hanh khô. Trong những trường hợp nặng, vảy da có thể xuất hiện cả ở sau tai, trong ống tai, cung lông mày, sống mũi, quanh mũi, ngực hoặc vai.
Triệu chứng viêm da dầu ở trẻ em
Da đầu của bé có biểu hiện bị dính nhờn, có mảng vảy da dày, lan tỏa ra các vùng da đầu, vùng lân cận và khó bong. Khi bệnh nặng hơn, viêm da dầu sẽ lan tỏa toàn thân, có biểu hiện đóng vảy tiết. Vảy màu vàng, da ẩm, có độ nhờn và dính. Trẻ bị ngứa ngáy dẫn tới khó chịu và quấy khóc.
Nguyên nhân
Hiện nay, nguyên nhân gây ra viêm da dầu vẫn chưa được giải đáp. Theo nghiên cứu, một số yếu tố nội sinh và gen có thể được xem là có liên quan dẫn tới bệnh viêm da dầu. Đồng thời, người ta cũng tìm thấy sự có mặt của nấm ở những người bị viêm da dầu.
Viêm da dầu không có khả năng lây nhiễm từ người này sang người khác ngay cả khi có tiếp xúc trực tiếp với người bệnh vì bệnh không có tác nhân lây truyền.
Viêm da dầu tiết bã có tính di truyền. Có khoảng 40% trẻ sinh ra bị viêm da dầu do có cha hoặc mẹ bị viêm da dầu do di truyền. Bên cạnh đó, vùng da bị bệnh cũng dễ bị lan từ vị trí này sang vị trí khác. Vì vậy, khi bị bệnh, người bệnh nên chủ động điều trị sớm ngay ngay từ khi thấy có triệu chứng viêm da để điều trị dễ dàng, nhanh chóng và tăng hiệu quả chữa khỏi và tránh để lại biến chứng.
Đối tượng nguy cơ
- Người nhiễm HIV/AIDS: Viêm da dầu gặp khá nhiều ở đối tượng này. Thương tổn thường lan tỏa và không đáp ứng điều trị thông thường.
- Người có bệnh lý thần kinh: Parkinson, Alzheimer, rối loạn tâm thần.
- Những người nghiện rượu.
- Những người mắc bệnh nội tiết, béo phì: tỷ lệ viêm da dầu cũng tăng lên.
- Tình trạng stress, lo lắng, căng thẳng kéo dài cũng có thể gây viêm da dầu.
- Trong gia đình có ông bà, bố mẹ… bị viêm da dầu.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định:
- Lâm sàng
-
- Tổn thương là các dát đỏ thẫm, trên có vảy da khô ở vùng da có nhiều tuyến bã nhờn da đầu, mặt, trước xương ức, vùng giữa hai bả vai và các nếp gấp.
- Gàu da đầu là biểu hiện đầu tiên của viêm da dầu, da đầu có thể bình thường, ở giai đoạn muộn hơn, da đầu trở nên đỏ ở nang lông lan rộng, liên kết với nhau và có thể lan xuống trán, sau tai, ống tai ngoài và cổ.
- Ở mặt: rát đỏ và vảy da, thường ở vùng giữa hai lông mày, rãnh mũi má.
- Ở thân mình: ban đầu là mẩn đỏ ở nang lông trên có vảy mỡ, sau đó các sẩn liên kết với nhau tạo thành mảng lớn, có nhiều cung nhờn hình cánh hoa, ở giữa có vảy mỏng, xung quanh là các sẩn màu đỏ thẫm trên có vảy mỡ ở trước ngực, vùng liên bả vai.
- Ở các nếp gấp nhờn nách, bẹn, nếp dưới vú, hậu môn sinh dục, viêm da dầu biểu hiện nhờn viêm kẽ, da đỏ, trên có vảy mỡ.
- Xét nghiệm cận lâm sàng
-
- Mô bệnh học: không đặc hiệu, có hiện tượng á sừng, tăng lớp tế bào gai và xốp bào nhẹ. Xốp bào là dấu hiệu quan trọng giúp chẩn đoán phân biệt với vảy nến. Trung bì có hiện tượng thâm nhiễm nhẹ các tế bào viêm.
-
- Soi nấm trực tiếp phát hiện M. furfur.
-
- Người bệnh viêm da dầu cần làm xét nghiệm HIV.
Chẩn đoán phân biệt
- Vảy nến: các dát đỏ ở vùng tỳ đè, trên có vảy khô dày. Việc chẩn đoán phân biệt cần dựa vào mô bệnh học.
- Biến chứng của chấy đôi khi cũng rất khó phân biệt với viêm da dầu.
Viêm da do ánh nắng, lupus đỏ hệ thống đôi khi cũng cần phân biệt với viêm da dầu.
Phòng ngừa bệnh
- Kiểm soát tốt các bệnh lý nền có sẵn của bệnh nhân: HIV, bệnh lý về thần kinh, rối loạn nội tiết…
- Hạn chế những yếu tố nguy cơ là điều kiện thuận lợi cho sự khởi phát bệnh: Hạn chế sử dụng các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, cà phê…
- Tạo lối sống sinh hoạt hợp lý, điều độ: ngủ đủ giấc, giữ tinh thần luôn thoải mái, không ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, đồ quá ngọt
- Dùng các sản phẩm chăm sóc, làm sạch da phù hợp, đặc biệt là những vùng da có tuyến bã hoạt động mạnh.
Điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào mức độ nặng hay nhẹ khi bị viêm da dầu mà bác sĩ sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau.
Sử dụng thuốc điều trị
Sử dụng các loại thuốc giúp làm bong vảy, kháng viêm có thể được kê đơn điều trị. Ngoài ra, nếu tìm ra được nguyên nhân là do nấm, bác sĩ có thể kê đơn thêm các loại dầu gội hoặc xà phòng dược liệu có chứa chất chống nấm đặc trị để người bệnh sử dụng.
Với trường hợp nặng, kết hợp cả thuốc uống và bôi. Thuốc dạng kem bôi có chứa selenium sulfide, ketoconazole hoặc corticosteroid; kết hợp với kem giúp điều hòa miễn dịch và chống viêm có thể mang lại hiệu quả.
Chế độ sinh hoạt phù hợp
Thay đổi thói quen, sinh hoạt hàng ngày. Viêm da dầu là bệnh rất dễ bị tái phát lại mặc dù đã được chữa khỏi. Phòng bệnh là phương pháp tốt để hạn chế khả năng tái phát của bệnh cũng như giúp nhanh chóng điều trị khỏi nhanh. Một số thói quen sinh hoạt sau đây cần chú ý:
- Sử dụng thuốc uống và kem bôi theo đúng liều lượng và hướng dẫn của bác sĩ.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, bụi bẩn tiếp xúc với da.
- Nếu gặp những bất thường trong cơ thể trong quá trình điều trị bệnh, cần liên hệ ngay với bác sĩ da liễu từng khám để được tư vấn
- Không nên dùng móng tay để cào da đầu khi gội đầu, chỉ nên xoa đầu nhẹ nhàng bởi việc dùng móng có thể gây trầy xước da.
- Sử dụng các loại sữa tắm, dầu gội có tính dịu nhẹ, ít độ tẩy rửa.
- Đối với người da dầu, thận trọng khi lựa chọn sử dụng mỹ phẩm, không nên dùng các loại mỹ phẩm chứa nhiều chất hóa học độc hại và không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
- Ăn nhiều chất xơ như rau xanh, các loại đậu, củ quả tươi.
- Hạn chế dùng các chất kích thích, có cồn như thuốc lá, bia rượu và các loại thực phẩm nhiều đường, dầu mỡ.
- Tập thể dục đều đặn để tăng sức đề kháng, thể lực, tăng cường lưu thông máu, giúp các cơ quan hoạt động ổn định và hạn chế quá trình tăng tuyến bã nhờn.
Trên đây là một số chia sẻ về Viêm da dầu. Hy vọng bài viết sẽ giúp ích cho bạn và gia đình. Nếu bạn gặp triệu chứng viêm da dầu, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn và điều trị kịp thời.