Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm da do tiếp xúc là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm da tiếp xúc là bệnh lý da liễu phổ biến có thể gặp ở nhiều độ tuổi khác nhau. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về bệnh Viêm da do tiếp xúc qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm da tiếp xúc là phản ứng của da khi tiếp xúc với những chất gây kích ứng hoặc dị ứng có trong môi trường bên ngoài gây ra hiện tượng sưng tấy, ngứa hoặc xuất hiện các nốt bọng nước.
Các loại viêm da tiếp xúc thường gặp:
- Viêm da tiếp xúc dị ứng: xảy ra do phản ứng dị ứng khi da tiếp xúc với các dị nguyên (chất gây dị ứng). Với người không dị ứng, các dị nguyên này gần như vô hại. Các dị nguyên thường gặp nhất có thể kể đến như: niken, nước hoa, cao su, chất nhuộm tóc, chất khử mùi,…
- Viêm da tiếp xúc kích ứng: xảy ra khi da bị tổn thương bởi cọ xát, hay tiếp xúc với các yếu tố trong môi trường như lạnh, tiếp xúc nước quá nhiều, hoá chất như axit hay kiềm, hoặc các chất tẩy rửa,… Khiến bề mặt da bị bào mòn và tổn thương
Triệu chứng
Viêm da tiếp xúc có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khu vực nào của cơ thể (thường là vùng tiếp xúc với tác nhân gây bệnh). Da bị ảnh hưởng có thể có các đặc điểm sau:
- Đỏ (ban đỏ)
- Các vết phồng rộp nhỏ (mụn nước) hoặc lớn (bóng nước)
- Sưng (phù nề)
- Khô hoặc đóng mài
- Nứt nẻ da
- Lichen hoá (da dày lên, có lớp lót)
- Tăng sắc tố hoặc giảm sắc tố da
Nguyên nhân
Có hai dạng viêm da tiếp xúc là dị ứng và kích ứng:
Viêm da tiếp xúc dị ứng
Xảy ra khi da tiếp xúc với một chất gây ra phản ứng tự miễn dịch ngắn hạn, dẫn đến phản ứng da thường là 12–72 giờ sau khi tiếp xúc. Da có thể bị dị ứng với một chất sau nhiều lần tiếp xúc hoặc chỉ sau một lần tiếp xúc. Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc dị ứng bao gồm:
- Đỏ da
- Da khô từng mảng, có vảy
- Mụn nước rỉ nước
- Nóng rát hoặc ngứa
- Sưng ở mắt, mặt và bộ phận sinh dục
- Nổi mề đay
- Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời
- Da sẫm màu, sần sùi và nứt nẻ.
Viêm da tiếp xúc kích ứng
Xảy ra khi da tiếp xúc nhiều lần với chất kích ứng nhẹ trong thời gian dài hoặc tiếp xúc với chất kích ứng mạnh. Loại viêm da này phổ biến ở những người thường xuyên phải tiếp xúc với hóa chất mạnh, chất tẩy rửa hoặc những người rửa tay thường xuyên. Các triệu chứng của viêm da tiếp xúc kích ứng bao gồm:
- Sưng nhẹ
- Da khô, nứt nẻ
- Rộp
- Loét gây đau.
Đối tượng nguy cơ
Vào mùa hè, nhiệt độ thường tăng cao khiến cơ thể bị tiết nhiều mồ hôi, dễ bám bẩn gây bệnh viêm da tiếp xúc. Đặc biệt, mùa hè hoa nở rất nhiều, chính vì thế côn trùng bay khắp nơi, nếu không cẩn thận thì sẽ rất dễ mắc viêm da tiếp xúc dị ứng.
Đối tượng dễ mắc bệnh viêm da tiếp xúc bao gồm:
- Những người mắc bệnh mãn tính như: Đái tháo đường, viêm gan…
- Người bị viêm da cơ địa;
- Phụ nữ mang thai, trẻ em, người già;
- Người làm việc trong môi trường có nhiều khói bụi, hóa chất.
Chẩn đoán
Thông thường, các bác sĩ da liễu dựa vào hỏi bệnh, khám lâm sàng để chẩn đoán viêm da tiếp xúc. Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh làm một số xét nghiệm chuyên sâu (xét nghiệm lẩy da, xét nghiệm máu,…) để chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây dị ứng, kích ứng.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng ngừa bệnh viêm da tiếp xúc, bạn cần tránh những chất có thể gây kích ứng. Trong đó, tùy từng trường hợp cụ thể, bạn nên thực hiện những lưu ý dưới đây:
- Hãy lựa chọn những sản phẩm có nhãn dán không mùi, không gây kích ứng.
- Trong trường hợp bạn đổi sang loại mỹ phẩm khác, nên dùng thử trên một vùng da nhỏ, theo dõi trong vài ngày trước khi quyết định sử dụng hàng ngày trên da mặt, da toàn thân.
- Nếu dị ứng với latex, bạn không nên đeo găng tay cao su. Có thể sử dụng găng tay làm từ chất liệu vinyl hay bôi dầu chống thấm nước trước khi sử dụng găng tay cao su. Đây là cách tốt nhất để phòng ngừa xảy ra dị ứng.
- Khi hoạt động trong môi trường có nhiều cây xanh, cần mặc quần áo dài để tránh tiếp xúc với côn trùng – một trong những nguyên nhân gây kích ứng da phổ biến.
- Có thể bôi kem dưỡng ẩm để cải thiện tình trạng khô da.
Điều trị như thế nào?
Thông thường, viêm da tiếp xúc thường khỏi sau khoảng 2 – 4 tuần không tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh, tuy nhiên với một số trường hợp thì thời gian bị viêm có thể kéo dài hơn.
Khi bị viêm da tiếp xúc, một số biện pháp sau có thể làm giảm các triệu chứng và giúp kiểm soát triệu chứng đối với người bệnh bị viêm da tiếp xúc mạn tính.
Cũng như những căn bệnh khác, để điều trị bệnh cần phải biết nguyên nhân gây bệnh. Do đó, để chữa viêm da tiếp xúc, trước tiên cần phải tìm ra nguyên nhân gây dị ứng và hãy dừng việc tiếp xúc với nguyên nhân đó.
- Với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc nhẹ, có thể tắm bằng bột yến mạch hoặc dưỡng da nhẹ nhàng bằng kem calamine có thể giúp làm giảm triệu chứng.
- Với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc mức độ nhẹ đến trung bình, có thể sử dụng corticosteroid bôi ngoài da. Tuy nhiên, kem và mỡ steroid được bán sẵn trên thị trường với hiệu lực khác nhau, loại nhẹ nhất không cần kê đơn là kem hydrocortisone 1%. Các loại mạnh hơn khi sử dụng cần phải được bác sĩ chỉ định.
- Với những trường hợp bị viêm da tiếp xúc nặng, có thể sử dụng corticoid dạng uống trong thời gian ngắn để kiểm soát triệu chứng.
Lưu ý: Chữa viêm da tiếp xúc nên tránh sử dụng thuốc bôi ngoài da kháng histamin. Nếu người bệnh bị ngứa nhiều, bác sĩ có thể chỉ định uống một đợt thuốc kháng histamin.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về viêm da tiếp xúc. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.