Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm da tiết bã là gì? Những điều cần biết về viêm da tiết bã
Viêm da dầu hay còn gọi là viêm da tiết bã, chàm da mỡ. Đây là một bệnh lý thường gặp nhiều vào mùa thu – đông, có thể gặp ở trẻ em và người lớn. Bệnh viêm dầu là bệnh có diễn biến dai dẳng, khó điều trị và hay tái phát. Hiện nay, theo thống kê có đến 2-5% dân số thế giới bị mắc căn bệnh này.
Tổng quan chung về bệnh viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã (hay viêm da tiết bã nhờn) là một trong những bệnh về da thường gặp. Đây là bệnh mạn tính và dễ tái phát. Viêm da tiết bã có thể xảy ra ở cả người lớn và trẻ sơ sinh. Bệnh thường ảnh hưởng đến nhiều vùng da trên cơ thể như da đầu, mặt, ngực hoặc vùng thân trên.
Đôi khi người bệnh có thể nhầm lẫn dấu hiệu viêm da tiết bã và vảy nến. Tuy nhiên, bệnh không có những dấu hiệu đặc trưng của vảy nến như nhiều mảng da bong tróc hoặc những mảng trắng như gàu trên da đầu.
Triệu chứng
Bệnh viêm da tiết bã thường có diễn biến từ từ với một số triệu chứng nhận biết như sau:
- Có biểu hiện tổn thương da: Thông thường khi mắc viêm da tiết bã thì vùng da mắc bệnh thường có màu đỏ cam, bên trên có một lớp vảy màu trắng, có thể là vảy khô hoặc lẫn bã nhờn, có thể nhìn rõ bờ của các sẩn vảy.
- Các tổn thương da thường xuất hiện ở khu vực da lưng, da ngực có thể có hình dạng đồng xu, nhìn đa cung, hình nhẫn,…nên dễ nhầm lẫn với bệnh nấm da. Cũng có thể gặp tổn thương ở kẽ tai và thường có vết nứt, vết dát màu đỏ, ở ống tai…các tổn thương này thường xuất hiện màu đỏ dễ nhầm lẫn với bệnh nấm ống tai.
- Người bệnh có cảm giác ngứa: Đa phần người bệnh viêm da tiết bã đến khám đều cho rằng không có cảm giác ngứa. Nhưng ở một số trường hợp có cơ địa nhạy cảm thì sẽ bị ngứa ngáy, thông thường ngứa không nhiều nhưng khi thời tiết nóng khiến cơ thể bị tăng tiết mồ hôi cảm giác ngứa có thể tăng lên.
Ngoài ra, các tổn thương cũng thường thấy trên vùng da khác như: Tổn thương ở da đầu, mí mắt, lông mày thì thường lộ rõ các vảy da dính có màu màu bạc trắng. Nếu trên hai má thì tổn thương hình cánh bướm và một số vùng da nách, da bẹn, da ở kẽ mông, vùng da gấp dưới vú, kẽ mũi, rìa trán, giữa hai lông mày… dễ bị mắc bệnh.
Nguyên nhân
Hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh viêm da tiết bã nhờn. Tuy nhiên, có thể giải thích rằng hiện tượng tuyến bã nhờn tăng hoạt động, do nấm Malassezia,… xảy ra khi quá trình tái tạo da bị rút ngắn gây bong tróc các tế bào lớp sừng nhanh hơn, gây kết dính lại với nhau tạo thành vảy nhờn hoặc vảy khô có thể nhìn thấy được.
Ngoài ra, một số yếu tố liên quan đến viêm da tiết bã:
- Do tình trạng da bị nhờn, tiết dầu nhiều thường thể hiện rõ ở lứa tuổi thanh thiếu niên, người trẻ (do hoạt động tuyến bã gia tăng mạnh), vị trí phân bố sang thương là vùng tiết bã nhờn.
- Do hormone: Viêm da tiết bã thường gặp ở nam nhiều hơn nữ, chứng tỏ có sự ảnh hưởng của androgen lên đơn vị nang lông tiết bã.
- Yếu tố di truyền: Nếu trong gia đình có người bị bệnh viêm da tiết bã hay vảy nến thì khả năng thế hệ sau bị bệnh này là rất cao…
Đối tượng nguy cơ
Viêm da tiết bã còn có thể xảy ra do một số yếu tố nguy cơ bị bệnh như:
- Yếu tố di truyền: Bệnh chàm da mỡ có xu hướng di truyền từ cha mẹ sang con cái. Ngoài ra, có người thân cận huyết mắc bệnh vảy nến cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh lý này.
- Chế độ dinh dưỡng: Thường xuyên ăn thực phẩm nhiều đường, uống rượu bia và thực phẩm cay nóng có thể khiến viêm da tiết bã khởi phát và lan tỏa rộng. Nguyên nhân là do các loại thực phẩm và đồ uống này kích thích da tiết dầu, thúc đẩy hoạt động của vi nấm có hại và làm bùng phát thương tổn da.
- Đặc điểm tự nhiên của da: Người có làn da dầu thường có nguy cơ mắc bệnh chàm da mỡ cao hơn so với người có làn da thường và da khô.
- Sức đề kháng suy yếu: Hệ miễn dịch suy yếu là yếu tố thuận lợi để viêm da dầu và một số bệnh da liễu mạn tính bùng phát. Ở những đối tượng bị suy giảm miễn dịch nghiêm trọng (HIV, tiểu đường, ung thư,…), triệu chứng của bệnh có xu hướng lan tỏa rộng và tiến triển nhanh.
- Nội tiết tố không ổn định: Sự thay đổi bất thường của hormone có thể kích thích hệ miễn dịch tạo phản ứng quá mẫn và làm bùng phát các triệu chứng trên da. Trên thực tế, tổn thương do viêm da tiết bã có xu hướng tiến triển mạnh trong giai đoạn mang thai, dậy thì và sau khi sinh.
- Ảnh hưởng của thuốc: Trong một số trường hợp, triệu chứng của bệnh có thể bùng phát do sử dụng một số loại thuốc như thuốc chống viêm, thuốc ức chế miễn dịch và kháng sinh.
- Yếu tố khác: Ngoài ra, bệnh còn có thể khởi phát do một số yếu tố rủi ro khác như căng thẳng thần kinh, suy nhược cơ thể, mất ngủ, mắc các vấn đề về thần kinh, vệ sinh da kém và sinh sống trong môi trường ô nhiễm.
Chẩn đoán
Viêm da tiết bã thường gây ra triệu chứng có tính điển hình cao. Vì vậy bác sĩ chủ yếu chẩn đoán bệnh thông qua các đặc điểm lâm sàng như hình thái tổn thương, vị trí xuất hiện, tốc độ và thời điểm khởi phát bệnh,… Trong một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có yêu cầu xét nghiệm cận lâm sàng (sinh thiết da) để xác định sự hiện diện của nấm men Malassezia.
Phòng ngừa bệnh
Chủ động phòng ngừa bệnh viêm da tiết bã bằng một số cách sau:
- Tránh sử dụng nhiệt và phấn hoa lên da đầu. Đồng thời cẩn trọng khi dùng các sản phẩm chăm sóc tóc và mỹ phẩm.
- Dùng kem chống nắng hàng ngày, che chắn cẩn thận khi hoạt động và di chuyển ở ngoài trời.
- Thiết lập giờ sinh hoạt một cách khoa học để cân bằng nội tiết, ăn uống điều độ và luyện tập thể thao thường xuyên.
- Tránh căng thẳng, giải tỏa stress bằng cách đọc sách, nghỉ ngơi và nghe nhạc.
- Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường, chất bảo quản, chất béo, gia vị cay nóng, các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá,…
- Làm sạch da thường xuyên bằng những sản phẩm dịu nhẹ và sử dụng kem dưỡng ẩm hàng ngày để giúp dưỡng ẩm cho những vùng da khô quá mức, làm mềm da và hạn chế tình trạng bong tróc của da.
Điều trị như thế nào?
- Ở trẻ em điều trị chủ yếu là các loại kem làm mềm da giúp bong vảy bề mặt chứa các thành phần như petrolatum.
- Với người lớn, những trường hợp nhẹ ở vùng đầu có thể sử dụng các loại dầu gội chứa thành phần selenium sulfid, zinc pyrithion, trà xanh, ketoconazol giúp làm giảm nhẹ triệu chứng
Khi thấy dấu hiệu của bệnh viêm da dầu, bạn cần nhanh chóng tới các cơ sở uy tín để được thăm khám kịp thời. Tại đây, bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh của từng người. Từ đó đưa ra phương hướng điều trị tốt nhất dành cho người bệnh.
Tuyệt đối bạn không nên thực hiện theo các bài thuốc truyền miệng hoặc thuốc tự chế tại nhà chưa qua kiểm chứng khoa học. Bởi những phương thuốc này không chỉ không thể chữa bệnh mà còn có nguy cơ khiến cho bệnh trở nên nặng và khó điều trị hơn.
Bài viết trên đã cho bạn những thông tin về Viêm da tiết bã. Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.