Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm loét đại trực tràng chảy máu là gì? Những điều cần biết về bệnh
Bệnh viêm loét đại tràng chảy máu có đặc điểm là gây ra hiện tượng viêm, loét và rối loạn chức năng của đại tràng với biểu hiện chủ yếu là đau bụng, tiêu chảy phân máu kèm theo sốt và sút cân, mất máu… Bài viết sau sẽ cung cấp thông tin những điều cần biết về viêm loét đại tràng chảy máu.
Tổng quan chung về viêm loét đại tràng chảy máu
Đại tràng là đoạn cuối của đường tiêu hóa, là nơi hình thành và chứa đựng phân trước khi bài xuất ra ngoài. Đại tràng bao gồm: manh tràng là đoạn nối với đoạn cuối ruột non, tiếp đến là đại tràng lên (đại tràng phải), đại tràng góc gan, đại tràng ngang, đại tràng góc lách, đại tràng xuống (đại tràng trái), đại tràng sigma, trực tràng và cuối cùng là hậu môn.
Viêm loét đại trực tràng là bệnh lý tiêu hóa mạn tính. Bệnh đặc trưng bởi tình trạng viêm loét, tổn thương các lớp niêm mạc đại tràng và chảy máu ở các vị trí khác nhau của đại tràng. Viêm loét và chảy máu đa phần hay gặp ở trực tràng. Càng về gần đại tràng phải, tình trạng viêm loét càng ít gặp hơn.
Triệu chứng viêm loét đại tràng chảy máu
Trong trường hợp điển hình, bệnh nhân tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có nhiều nhầy máu, nếu bệnh nặng có khi chỉ toàn nhầy máu mà không có phân. Đau bụng là triệu chứng hay gặp, đau bụng làm bệnh nhân phải đi đại tiện ngay. Bệnh nhân có triệu chứng mót rặn khi đại tiện.
Tùy theo mức độ tổn thương mà bệnh có biểu hiện khác nhau, cụ thể:
- Chiếm trên 60% trường hợp là các thể nhẹ. Người bệnh không có thay đổi về thể trạng, triệu chứng đại tiện nhầy máu chỉ kéo dài dưới 4 ngày, không có thay đổi thể trạng, không có thiếu máu hoặc giảm protein máu. Bệnh thường chỉ khu trú ở trực tràng hoặc đại tràng sigma, hiếm khi có tổn thương cao hơn ở phía trên. Các biểu hiện ngoài ruột là rất hiếm. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể diễn tiến thành nặng.
- Ở thể trung bình: khoảng 25% trường hợp, các đợt tiêu chảy thường khởi đầu bằng đau quặn bụng, rồi đại tiện phân máu, có thể xảy ra vào ban đêm nhưng số lần đại tiện thường dưới 6 lần/ngày. Thường kèm theo sốt, giảm protein máu, làm bệnh nhân mệt mỏi.
- Chiếm khoảng 15% trường hợp là thể nặng, người bệnh đại tiện có máu hơn 6 lần/ngày và thường xảy ra về ban đêm. Thường có cảm giác đau rát, buốt hậu môn và mót rặn. Cơ thể suy sụp với nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốt cao, bụng trướng. Nếu không được điều trị thì tiến triển rất nặng, đưa đến tử vong do xuất huyết trầm trọng hoặc giãn đại tràng nhiễm độc.
Bệnh nhân có thể sốt, thiếu máu biểu hiện bằng: hoa mắt chóng mặt, nhất là khi ngồi xuống và đứng lên, có thể có phù chân do giảm protein máu khi mắc bệnh lâu ngày. Trong thể nặng có thể có biểu hiện mất nước: khát nước, môi khô, người hốc hác, thậm chí có triệu chứng sốc như: mạch nhanh, huyết áp tụt, đau bụng dữ dội do viêm đại tràng nhiễm độc. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng như sưng đau các khớp, đau vùng thắt lưng và cùng chậu do viêm khớp cùng chậu.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân của bệnh đến nay người ta cũng chưa rõ, nhưng bệnh có liên quan tới quá trình đáp ứng miễn dịch. Bệnh viêm loét đại tràng chảy máu và bệnh Crohn gọi chung là nhóm bệnh viêm ruột (Inflammatory Bowel Disease – IBD). Bệnh lúc đầu có thể chỉ khu trú tại trực tràng, về sau lan dần vào trong, tổn thương toàn bộ đại tràng, đôi khi có thể lan cả sang một phần của đoạn cuối ruột non.
Đối tượng nguy cơ
Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, giới tính. Nam và nữ đều có thể mắc bệnh như nhau và thường gặp ở lứa tuổi 15 – 30 và 60 – 70.
Có rất nhiều yếu tố có thể khiến tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét đại trực tràng chảy máu, như:
- Di truyền: Gia đình có người mắc viêm loét đại – trực tràng chảy máu;
- Miễn dịch: Các nghiên cứu về mối liên hệ giữa khả năng miễn dịch với bệnh viêm loét đại – trực tràng chảy máu cho thấy, đến 80% bệnh nhân dương tính với tự kháng thể pANCA. Ngoài ra, rối loạn miễn dịch đại – trực tràng cũng là điều kiện để vi khuẩn, virus có cơ hội tác động gây viêm, loét và khiến bệnh trở nên trầm trọng;
- Nhiễm khuẩn: Vi khuẩn, virus là tác nhân trực tiếp gây ra các tổn thương trên niêm mạc đại – trực tràng. Cùng với các yếu tố khác tác động, tổn thương có thể phát triển sâu hơn, rộng hơn dẫn tới viêm loét và chảy máu đại – trực tràng. Vi khuẩn gây nhiễm trùng liên quan: Escherichia coli, Campylobacter, Shigella,…;
- Lối sống: Lối sống không lành mạnh, chế độ ăn thiếu khoa học làm tăng thêm nguy cơ viêm loét đại – trực tràng. Ăn đồ cay nóng, chiên rán, sử dụng chất kích thích, rượu, bia, thuốc lá có khả năng mắc bệnh và tỷ lệ xảy ra biến chứng tiêu hóa cao hơn so với những người không sử dụng;
- Tâm lý: Tác động rất nhiều đến bệnh lý đường tiêu hóa, trong đó có viêm loét đại – trực tràng chảy máu. Với trường hợp đã tổn thương, tình trạng stress, căng thẳng kéo dài sẽ khiến bệnh càng trở nên trầm trọng hơn.
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định viêm loét đại tràng chảy máu dựa vào nhiều yếu tố bao gồm:
- Triệu chứng lâm sàng (các triệu chứng xuất hiện ít nhất 4 tuần): Tiêu chảy, đại tiện ra máu số lượng ít hoặc nhiều, đau bụng trong hoặc xung quanh thời gian đại tiện. Cần loại trừ các bệnh lý nhiễm trùng đường tiêu hóa.
- Xét nghiệm: Thiếu máu thiếu sắt, tăng tiểu cầu, giảm albumin máu, các tự kháng thể (DANCA), tăng calprotectin trong phân.
- Đặc điểm hình ảnh nội soi đại trực tràng: Tổn thương viêm lan tỏa đặc trưng tại trực tràng sau đó lan dần lên các đoạn phía trên của đại tràng với các đặc điểm như mất mạng lưới hình thái mao mạch, mất nếp gấp đại tràng, niêm mạc phù nề, xung huyết, xuất tiết, có nhiều trợt loét, loét trên bề mặt, dễ chảy máu khi bơm hơi hoặc chạm đèn, rỉ máu thật sự. Những trường hợp viêm mạn tính lâu ngày có thể thấy hình ảnh giả polyp.
- Đặc điểm mô bệnh học: Tăng thâm nhập bạch cầu đơn nhân ở lớp màng liên kết biểu mô, sự biến mất của tế bào hình đài bài tiết mucin, các khe tuyến méo mó, chia nhánh, teo, vi áp xe ở khe tuyến.
Chẩn đoán mức độ
Có thể phân loại viêm loét đại tràng chảy máu theo các thể dựa vào vị trí, mức độ nặng, tuổi khởi phát và các biểu hiện ngoài đường tiêu hóa. Trong đó, phân loại Montreal đánh giá cả vị trí và mức độ nặng được ứng dụng nhiều nhất.
- Thâm nhiễm tế bào plasma ở lớp màng đáy: Đây là dấu hiệu chẩn đoán sớm với giá trị dự đoán cao và giúp chẩn đoán phân biệt giữa viêm loét đại tràng chảy máu (61%) và viêm đại tràng nhiễm khuẩn (6%). Đặc điểm này có thể thấy 38% các bệnh nhân viêm loét đại tràng chảy máu trong vòng 2 tuần sau khi khởi phát triệu chứng.
- Các đặc điểm khác thể hiện tình trạng viêm mạn tính: dị sản tế bào Paneth (đặc biệt trong viêm đại tràng trái), polyp viêm, tăng sản lớp cơ niêm và đôi khi những trường hợp viêm mạn tính, tiến triển nặng có thể gặp xơ hóa ở lớp hạ niêm mạc nhưng tỉ lệ rất ít. Hình ảnh u hạt không gặp trong viêm loét đại tràng chảy máu.
Phòng ngừa viêm loét đại tràng chảy máu
- Người bệnh cần kiểm tra sức khỏe định kỳ. Khi phát hiện có rối loạn đại tiện, thay đổi tính chất phân như phân có máu, không khuôn, đau bụng nhiều thì cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời. Tránh để đến tình trạng muộn như đi đại tiện 2 – 3 ngày liền, mất máu thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn, tốn kém hơn. Theo dõi thường xuyên 6 tháng một lần bằng nội soi đại tràng, sinh thiết đại tràng, đại tràng sigma để phát hiện giai đoạn đầu của tiến triển ung thư.
- Cần quan tâm tới chế độ ăn uống hàng ngày. Bệnh nhân nên ăn những thức ăn mềm, ít chất xơ như cơm nhão, cháo, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, lưu ý tránh ăn rau sống, bắp…
- Hạn chế căng thẳng quá mức khiến bệnh thêm trầm trọng, nên thư giãn, không sử dụng các chất kích thích, uống đủ nước. Đây cũng là những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh đối với những người khỏe mạnh.
Cho tới nay, chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn viêm loét đại trực tràng chảy máu mà việc điều trị chỉ giúp lui bệnh. Chính vì vậy, bên cạnh việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, bệnh nhân cần thực hiện các chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ tiêu hóa, tránh stress và khám sức khỏe định kỳ. Ngay khi có triệu chứng, cần đi khám bệnh sớm và điều trị kịp thời khi tổn thương chưa lan rộng.
Điều trị viêm loét đại tràng chảy máu như thế nào?
Nguyên tắc điều trị
- Đối với các trường hợp chưa từng điều trị: Khởi đầu 1 loại thuốc, đánh giá đáp ứng dựa vào triệu chứng lâm sàng sau 10- 15 ngày;
- Đối với trường hợp đã hoặc đang điều trị có đợt tiến triển nặng: Bắt đầu lại điều trị bằng 2 loại thuốc đang điều trị và kết hợp thêm 1 loại thuốc khác;
- Trường hợp đã được điều trị và ngừng điều trị lâu: Điều trị khởi đầu như trường hợp chưa được điều trị, nên bắt đầu điều trị bằng loại thuốc khác;
- Trường hợp thể nhẹ tổn thương tối thiểu ở trực tràng và đại tràng sigma nên kết hợp thêm thuốc điều trị tại chỗ viên đặt hậu môn và thuốc thụt;
- Điều trị gồm có điều trị tấn công và điều trị duy trì.
Điều trị nội khoa
- Sử dụng thuốc theo chỉ định và sự hướng dẫn của bác sĩ;
- Truyền máu cho bệnh nhân nếu như đại trực tràng bị xuất huyết nặng gây ra thiếu máu, tụt huyết áp để bù vào lượng máu đã mất;
- Chế độ ăn uống cần được điều chỉnh, cần tuân thủ chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, lựa chọn thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Kiêng các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, rau sống, đồ uống có cồn, thức ăn cay nóng.
Chế độ dinh dưỡng và điều trị triệu chứng
- Mức độ nhẹ hoặc vừa: Nên chọn thức ăn mềm, hạn chế chất xơ tạm thời;
- Mức độ nặng:
- Nhịn ăn hoàn toàn;
- Nuôi dưỡng đường tĩnh mạch bằng đạm toàn phần, dung dịch acid béo, đường, đảm bảo 2500 Kcal/ngày;
- Bổ sung sắt, axit folic 1mg/ngày nếu dùng thuốc 5- ASA kéo dài;
- Bồi phụ nước điện giải.
- Phân lỏng: Dùng các thuốc bọc niêm mạc;
- Đau bụng: Dùng các thuốc giảm co thắt.
Điều trị ngoại khoa
Cắt đoạn đại tràng hay cắt toàn bộ đại tràng chỉ định khi:
- Thủng đại tràng;
- Phình giãn đại tràng nhiễm độc;
- Chảy máu ồ ạt mà điều trị nội khoa thất bại;
- Ung thư hóa hoặc dị sản mức độ nặng.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.