Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm mũi là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Viêm mũi là căn bệnh phổ biến mà bất cứ ai đều có thể mắc phải. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, viêm mũi được chia làm nhiều dạng với các dấu hiệu nhận diện và phương pháp điều trị khác nhau.
Tổng quan chung
Viêm mũi là một tình trạng phổ biến ở nhiều người. Viêm mũi là sự viêm sưng lớp niêm mạc ở khoang mũi, khiến người bệnh xuất hiện các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, ngứa và hắt hơi. Viêm mũi dạng cấp tính có thể ảnh hưởng đến người bệnh trong ngắn hạn; viêm mũi mạn tính sẽ ảnh hưởng dài hạn.
Viêm mũi cấp tính thường là do bị tấn công bởi virus, vi khuẩn hoặc tác nhân dị ứng, cũng có một số trường hợp do các nguyên nhân khác gây ra. Viêm mũi mạn tính thường tồn tại ở các bệnh lý đi kèm như viêm xoang, viêm họng.
Triệu chứng
Bệnh viêm mũi có thể được nhận biết qua nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau, trong đó một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:
- Chảy nước mũi: Đây là một trong những triệu chứng thường gặp nhất của viêm mũi. Bệnh nhân có thể bị chảy nước mũi suốt cả ngày, đặc biệt là khi họ ở trong môi trường bụi bẩn hoặc có nhiều dị vật.
- Sổ mũi: Sổ mũi cũng là một trong những triệu chứng chính của viêm mũi, và thường xuyên đi kèm với chảy nước mũi. Bệnh nhân có thể cảm thấy bị ngứa, khó chịu và khó thở khi sổ mũi.
- Đau đầu: Đau đầu cũng là một trong những dấu hiệu phổ biến của viêm mũi, đặc biệt là khi bệnh nhân bị viêm mũi dị ứng. Đau đầu thường xảy ra khi cảm giác khó chịu ở mũi làm ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh của bệnh nhân.
- Đau họng: Viêm mũi cảm mạo và viêm mũi dị ứng có thể làm cho họng của bệnh nhân bị khô, đau và khó nuốt.
- Giảm khứu giác: Một số bệnh nhân có thể bị giảm khứu giác hoặc mất khả năng ngửi hoàn toàn khi bị viêm mũi. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng của họ trong việc nhận biết mùi vị và cảm giác.
Nguyên nhân
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm mũi. Có thể do tác nhân bên ngoài môi trường gây ra viêm mũi dị ứng hoặc do yếu tố chủ quan của người bệnh như dùng quá nhiều thuốc kháng histamin mà không theo chỉ định của bác sĩ.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm mũi như:
- Người bị hen suyễn: Đây là đối tượng có hệ hô hấp nhạy cảm, hay dị ứng với các tác nhân từ bên ngoài, do đó càng dễ bị vấn đề về mũi.
- Người lớn tuổi: Do sức đề kháng yếu nên dễ bị nhiễm virus, vi khuẩn gây bệnh, hoặc miễn dịch kém khiến bệnh lâu lành, không tự khỏi được mà kéo dài dẫn đến các bệnh về mũi họng.
- Giới tính: Phụ nữ thường dễ bị bệnh viêm mũi hơn nam giới, nhất là trong thời gian mang thai khi sức đề kháng suy giảm.
- Người thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, hóa chất hoặc người có thói quen thuốc lá, tiếp xúc nhiều với lông động vật,… Bởi nếu làm việc trong môi trường ô nhiễm, độc hại sẽ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn thông thường.
- Người mắc các bệnh lý như: suy giáp, một số bệnh mãn tính suy giảm sức đề kháng như tiểu đường, lupus ban đỏ, bệnh phổi mạn tính,…
Đối tượng nguy cơ
Người có tiền sử bị hen suyễn hoặc các loại dị ứng khác, hoặc có người thân cùng huyết thống (bố mẹ, anh chị em ruột) bị dị ứng hoặc hen suyễn có nguy cơ cao mắc viêm mũi dị ứng. Bên cạnh đó, những người sống hoặc làm việc trong môi trường phải thường xuyên tiếp xúc với các chất gây dị ứng, như mạt bụi hoặc lông động vật, cũng dễ khởi phát bệnh.
Đối với viêm mũi không do dị ứng, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Tuổi tác: Viêm mũi không do dị ứng thường xảy ra ở độ tuổi sau 20
- Giới tính: Phụ nữ dễ bị viêm mũi và nghẹt mũi tồi tệ hơn trong kỳ kinh nguyệt và mang thai do sự thay đổi nội tiết tố.
- Tiếp xúc với chất kích thích: Thường xuyên tiếp xúc với các chất kích thích như khói bụi, khói thải hoặc khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Nghề nghiệp: Trong một số trường hợp, viêm mũi không do dị ứng được kích hoạt khi người bệnh tiếp xúc với chất gây kích ứng trong không khí tại nơi làm việc. Một số tác nhân phổ biến bao gồm vật liệu xây dựng, dung môi, hóa chất, khói từ vật liệu hữu cơ…
- Bệnh lý: Một số tình trạng sức khỏe mãn tính có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh viêm mũi không do dị ứng, như suy giáp, hội chứng mệt mỏi mãn tính và bệnh tiểu đường.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán bệnh viêm mũi, trước hết bác sĩ sẽ kiểm tra bệnh sử và hỏi về các triệu chứng mà người bệnh gặp phải. Vì triệu chứng của một số loại viêm mũi tương đối giống nhau, nên để xác định bệnh có liên quan đến dị ứng hay không, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh tiến hành kiểm tra dị ứng bằng xét nghiệm máu hoặc xét nghiệm da.
Chụp CT cũng có thể được sử dụng để xác định chẩn đoán và kiểm tra những thay đổi trong khoang mũi. Chụp CT hoặc nội soi mũi cũng có thể loại trừ tình trạng viêm xoang.
Trong trường hợp viêm mũi do thuốc, bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về việc sử dụng thuốc thông mũi cũng như các loại thuốc khác.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng bệnh viêm mũi, điều quan trọng nhất đối với mỗi người là phải tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Nên bổ sung các thực phẩm giàu vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, hoặc các thực phẩm giàu omega-3 giúp làm giảm nguy cơ phát triển dị ứng và có tác dụng tốt trong phòng ngừa sưng tấy đường hô hấp. Tránh xa những môi trường khói bụi hoặc môi trường có thể là tác nhân gây dị ứng. Nhất là những người có tiền sử dị ứng.
Tránh lạm dụng các loại thuốc xịt mũi, thông mũi và không sử dụng thuốc khi không được bác sĩ chỉ định. Đồng thời không nên chủ quan với mọi biểu hiện của viêm mũi dù ở dạng nhẹ. Nên đi khám xác định nguyên nhân và tìm hướng điều trị, đúng, kịp thời khi bị bệnh.
Điều trị như thế nào?
Nếu viêm mũi do dị ứng gây ra, việc loại bỏ các tác nhân gây dị ứng và sử dụng thuốc kháng histamin có thể giúp cải thiện triệu chứng.
Trường hợp người bệnh bị viêm mũi không do dị ứng, bác sĩ có thể sử dụng các biện pháp bao gồm các phương pháp như sử dụng thuốc giảm đau, thuốc giảm sưng và thuốc kháng viêm, Một số thuốc xịt mũi không kê đơn hoặc thuốc kê đơn như thuốc xịt mũi corticosteroid, xịt muối biển, xịt mũi kháng histamin cũng thường xuyên được các bác sĩ áp dụng trong điều trị viêm mũi để giảm triệu chứng cho bệnh nhân.
Để tăng hiệu quả điều trị, bệnh nhân nên tuân thủ đúng liều lượng và thời gian sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra, các biện pháp tự chăm sóc sức khỏe như uống nhiều nước, tăng cường dinh dưỡng và tập thể dục cũng giúp cải thiện tình trạng sức khỏe chung và hỗ trợ điều trị viêm mũi hiệu quả.