Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm tủy răng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Viêm tủy răng là bệnh lý răng miệng phổ biến gây các hiện tượng như đau nhức, ê buốt. Vậy viêm tủy răng là gì, dấu hiệu nhận biết ra sao và điều trị bệnh như thế nào? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Viêm tủy răng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Tủy răng là một tổ chức đặc biệt gồm mạch máu, thần kinh… nằm trong một hốc giữa ngà răng (hốc tủy răng). Các tổ chức tủy răng thông với cơ thể qua các lỗ rất nhỏ ở cuống răng. Nguyên nhân gây nên viêm tủy răng thường gặp nhất là do vi khuẩn tồn tại ở trong miệng, xâm nhập vào tủy răng chủ yếu qua các lỗ sâu răng và qua các cuống răng.
Viêm tủy răng là một phản ứng bảo vệ của tủy răng đối với các tác nhân gây bệnh, bệnh có thể diễn biến qua nhiều giai đoạn, nhiều dạng thương tổn khác nhau:
- Viêm tủy răng có hồi phục (tiền tủy viêm)
- Viêm tủy răng cấp
- Viêm tủy mạn tính.
Khi tủy răng bị viêm, cần điều trị giải quyết triệt để: trước tiên là dùng thuốc giảm đau, sau đó điều trị viêm tủy răng (lấy bỏ tủy răng, hàn kín ống tủy…). Trong và sau điều trị cần chú ý giữ gìn vệ sinh răng miệng để phòng bệnh sâu răng.
Triệu chứng
Các triệu chứng của viêm tủy răng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh:
- Viêm tủy răng có thể phục hồi: răng trở nên nhạy cảm, đau buốt khi ăn, uống đồ lạnh
- Viêm tủy răng không phục hồi: những cơn đau dữ dội, kéo dài đặc biệt về đêm và sáng sớm, sốt cao, hôi miệng, sưng mặt tại vùng răng có tủy bị viêm, sưng hạch bạch huyết
- Viêm tủy hoại tử: hôi miệng, khó chịu, viêm tủy răng có mủ gây áp-xe và gây lỗ rò ở nướu
Nguyên nhân
Viêm tủy răng thường xuất phát bởi những nguyên nhân sau:
- Sâu răng nhưng không được điều trị khiến vi khuẩn trong khoang miệng xâm nhập tủy răng qua các lỗ sâu răng
- Răng bị vỡ, mẻ làm đứt mạch máu nuôi tủy
- Răng bị bào mòn nghiêm trọng
- Viêm quanh răng
- Do các loại hóa chất: nhiễm độc chì, thủy ngân
- Do sang chấn hoặc thay đổi áp suất môi trường
Đối tượng nguy cơ
Viêm tủy răng là tình trạng sức khỏe khá phổ biến, thường ảnh hưởng đến những bệnh nhân vệ sinh răng miệng kém và những người có vết mổ trong khoang miệng.
Ngoài việc gây đau và khó chịu, viêm tủy răng có thể lan rộng ra ngoài các rào cản tự nhiên và dẫn đến các biến chứng có thể đe dọa tính mạng như nhiễm khoang mạc sâu vùng đầu và cổ.
Bệnh này có thể ảnh hưởng bất cứ ai trong mọi lứa tuổi. Bạn có thể kiểm soát bệnh này bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Chẩn đoán
Có rất nhiều phương pháp giúp chẩn đoán viêm tủy răng, nha sĩ có thể thực hiện:
- Chụp X-quang răng
- Kiểm tra độ nhạy cảm của răng với các kích thích nóng, lạnh
- Kiểm tra vòi răng: sử dụng dụng cụ gõ nhẹ lên răng để kiểm tra mức độ viêm
- Kiểm tra tủy răng bằng điện: Sử dụng một dụng cụ cung cấp điện và đặt lên răng. Nếu bệnh nhân có thể cảm nhận điện tích có nghĩa là tủy răng vẫn có phản ứng và có thể phục hồi.
Phòng ngừa bệnh
Cách tốt nhất để ngăn ngừa các bệnh về răng miệng cũng như bệnh viêm tủy răng đó là vệ sinh răng miệng tốt giúp loại bỏ vi khuẩn có hại trong khoang miệng.
Bên cạnh đó, mỗi người cần duy trì những thói quen sau để giúp răng và nướu khỏe mạnh:
- Thăm khám răng định kỳ 6 tháng/lần
- Gặp nha sĩ ngay khi răng có dấu hiệu bất thường: đau nhức, ê buốt
- Đánh răng 2 lần mỗi ngày, chải răng đúng cách
- Hạn chế dùng tăm, thay vào đó là sử dụng chỉ nha khoa
- Hạn chế đồ ăn nhiều đường
- Những người có tật nghiến răng có thể cân nhắc đeo miếng bảo vệ răng khi ngủ.
Điều trị như thế nào?
Dựa trên mỗi mức độ viêm tủy mà các nha sĩ sẽ tư vấn cho bạn những phương pháp xử lý phù hợp nhất. Với những trường hợp viêm tủy mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh điều trị viêm tủy răng mà không cần các biện pháp can thiệp khác. Tuy nhiên, ở những giai đoạn nặng hơn, bệnh nhân cần được điều trị trực tiếp.
Viêm tủy răng có thể phục hồi:
- Gây tê tại chỗ
- Làm sạch khuẩn tại vị trí lỗ sâu dẫn đến viêm tủy
- Loại bỏ phần tủy bị viêm
- Làm sạch xoang hàn bằng nước muối sinh lý
- Khôi phục vị trí răng bị tổn thương bằng phương pháp trám hoặc phục hình răng sứ
- Hiệu quả: Tủy sẽ tự phục hồi và chúng ta vẫn giữ lại được tủy răng, viêm tủy được chữa trị hiệu quả, không tái phát.
Viêm tủy không thể phục hồi
- Gây tê tại chỗ
- Làm sạch khuẩn tại vùng bị viêm và lấy sạch tủy không ống tủy răng
- Đóng ống tủy của răng bị viêm nhằm cách ly ống tủy bị viêm với ống tủy bình thường
- Khôi phục mô răng bị tổn thương với phương pháp trám hoặc phục hình răng sứ.
- Hiệu quả: Viêm tủy được điều trị triệt để, không thể tái phát, răng được hồi phục.
Trên đây là những chia sẻ về viêm tủy răng. Hy vọng bài viết sẽ đem lại nhiều thông tin hữu ích cho bạn đọc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.