Bị nước vào tai có nguy hiểm không? Cách xử lý an toàn, hiệu quả
Bạn có bao giờ cảm thấy khó chịu vì bị nước vào tai sau khi đi bơi hoặc tắm gội chưa? Trường hợp này xảy ra tương đối thường xuyên và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn liệu nước vào trong tai có thể gây ra những vấn đề gì và cách xử lý hiệu quả nhất. Bài viết này, Pharmacity sẽ giúp bạn giải đáp những thắc mắc đó và cung cấp những thông tin để bảo vệ sức khỏe đôi tai của mình.
Nước vào tai có nguy hiểm không?
Nước vào trong tai là vấn đề phổ biến, đặc biệt khi thực hiện các hoạt động liên quan đến nước như tắm, bơi lội. Tuy nhiên, nhiều người thường lo lắng về những tác hại mà nó có thể gây ra. Thực tế, trong hầu hết các trường hợp, nước vào tai không gây nguy hiểm đến sức khỏe. Nếu là nước sạch, bạn chỉ cần cảm thấy hơi khó chịu và ù tai tạm thời, do nước làm thay đổi áp suất trong ống tai, gây ra cảm giác đầy hoặc tắc nghẽn.
Còn với nước bẩn có thể chứa vi khuẩn, nấm và các tạp chất khác, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn xâm nhập vào ống tai và gây viêm nhiễm. Viêm tai ngoài là một trong những biến chứng phổ biến nhất, biểu hiện qua các triệu chứng như đau nhức, ngứa tai, chảy mủ và giảm thính lực. Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm nhiễm có thể lan sâu vào trong tai, gây tổn thương màng nhĩ và ảnh hưởng đến khả năng nghe.
Cách xử lý an toàn khi bị nước vào tai
Ống tai của chúng ta có cấu tạo khá đặc biệt, giống như một đường hầm nhỏ, khi có nước vào tai, nó có thể bị giữ lại trong ống tai, gây ra cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, đừng quá lo lắng, bởi cơ thể chúng ta đã có một hệ thống tự bảo vệ rất hiệu quả. Ráy tai, một chất sáp tự nhiên, có tác dụng ngăn nước xâm nhập vào bên trong.
Mặc dù thường không gây nguy hiểm, nhưng việc nước “mắc kẹt” trong tai quá lâu có thể khiến bạn cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, thậm chí là gây viêm nhiễm. Cách xử lý khi nước vào tai:
- Lau khô phần bên ngoài tai: Dùng khăn mềm, sạch thấm khô phần nước ở vành tai, tuyệt đối không đưa khăn sâu vào trong ống tai.
- Lắc và nghiêng đầu: Nghiêng đầu về phía tai có nước, nhẹ nhàng kéo dái tai theo các hướng để giúp nước thoát ra ngoài.
- Nằm nghiêng: Nằm nghiêng về phía tai có nước trong vài phút, có thể kê thêm khăn dưới tai để thấm nước.
- Sử dụng máy sấy tóc: Bật máy sấy ở chế độ nhiệt thấp nhất, giữ cách tai khoảng 30cm và sấy nhẹ nhàng.
- Thuốc nhỏ tai: Sử dụng các loại thuốc nhỏ tai có tác dụng làm khô tai (không kê đơn). Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng, đặc biệt nếu bạn đang bị viêm tai hoặc thủng nhĩ.
- Ngáp hoặc nhai: Động tác ngáp hoặc nhai kẹo cao su có thể giúp điều chỉnh áp suất trong tai, đẩy nước ra ngoài.
Những cách xử lý không an toàn khi bị nước vào tai
Bị nước vào tai gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, nhiều người thường tìm mọi cách để loại bỏ nước ra khỏi tai, thậm chí áp dụng những phương pháp dân gian không mấy an toàn. Tuy nhiên, việc tự ý xử lý nước vào trong tai sai cách có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như: Trầy xước da, đẩy ráy tai vào bên trong, gây nhiễm trùng,… Có thể thấy, không phải phương pháp nào cũng an toàn, một số cách làm tiềm ẩn nguy hại như:
- Dùng tăm bông: Dùng tăm bông để lấy nước trong tai có thể đẩy ráy tai và các vật lạ vào sâu bên trong ống tai, gây tắc nghẽn và tổn thương da.
- Dùng các vật cứng: Việc tự ý đưa các vật cứng như tăm, ghim, hoặc các vật tự chế vào tai là vô cùng nguy hiểm. Chúng có thể làm trầy xước, rách màng nhĩ, thậm chí gây nhiễm trùng nghiêm trọng.
Những hành động trên không chỉ không giải quyết được vấn đề mà còn có thể làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Để bảo vệ sức khỏe đôi tai, tốt nhất bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ và áp dụng những cách xử lý an toàn như đã đề cập ở trên.
Các dấu hiệu nhiễm trùng do nước vô lỗ tai
Nếu những biện pháp xử lý nước vào tai thông thường không mang lại hiệu quả và bạn bắt đầu cảm thấy ngứa ngáy, đau nhức tai hoặc có dịch chảy ra từ tai, đặc biệt khi kéo vành tai, rất có thể bạn đang bị viêm tai ngoài. Viêm nhiễm này thường xảy ra khi nước đọng lại trong ống tai tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus hoặc nấm sinh sôi. Lúc này, việc đến khám bác sĩ tai mũi họng là vô cùng cần thiết để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
Khi đi khám, bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây viêm và kê đơn thuốc phù hợp. Tùy vào loại vi khuẩn, virus hay nấm gây bệnh, bạn sẽ được dùng thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc kháng nấm. Thuốc có thể nhỏ trực tiếp vào tai hoặc uống để tiêu diệt mầm bệnh, bác sĩ cũng có thể kê thêm thuốc giảm đau, chống viêm và thuốc sát khuẩn để làm dịu các triệu chứng và ngăn nhiễm trùng.
Cách phòng tránh bị nước vào tai
Để bảo vệ sức khỏe đôi tai và tránh những phiền toái do nước vào trong tai gây ra, việc phòng ngừa là điều vô cùng quan trọng. Thay vì tìm cách khắc phục khi đã bị nước vào tai, bạn có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản sau đây:
- Sử dụng nút tai: Khi tắm, bơi lội hoặc tham gia các hoạt động dưới nước, sử dụng nút tai là vật dụng cần thiết. Bên cạnh đó, việc đội thêm mũ bơi cũng giúp giảm thiểu tối đa lượng nước tiếp xúc với tai.
- Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với nước: Trong quá trình gội đầu, bạn nên nghiêng đầu về một bên để nước chảy ra ngoài và tránh để nước chảy trực tiếp vào tai.
- Tránh đeo tai nghe khi vận động: Việc đeo tai nghe khi tập thể dục hoặc trong thời tiết nóng ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nước và mồ hôi xâm nhập vào tai.
- Bảo vệ tai khi sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc: Khi sử dụng keo xịt tóc, thuốc nhuộm tóc, bạn nên bịt kín tai bằng bông hoặc các vật liệu mềm để tránh hóa chất xâm nhập vào tai.
Có thể thấy, nước vào tai là một tình trạng khá phổ biến và thường không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu không được xử lý đúng cách, nó có thể dẫn đến viêm nhiễm và các vấn đề về tai khác. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe cho đôi tai, bạn nên tuân thủ các hướng dẫn đã nêu và tham khảo ý kiến bác sĩ khi có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.