Biện pháp phòng ngừa bệnh quai bị
Quai bị là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus quai bị gây ra, được gọi là paramyxovirus. Bệnh bắt đầu với các triệu chứng như nhức đầu, sốt và mệt mỏi. Nhưng sau đó, bệnh quai bị thường gây sưng tấy nghiêm trọng ở tuyến nước bọt mang tai (viêm tuyến mang tai), khiến má sưng húp và quai hàm sưng tấy, mềm.
Bệnh quai bị có thể lây lan trực tiếp thông qua đường hô hấp như ho, hắt hơi hay tiếp xúc với dịch nước bọt, dịch tiết mũi từ người bệnh.
Người bị bệnh quai bị
Triệu chứng của bệnh quai bị
Các triệu chứng của bệnh quai bị đầu tiên thường nhẹ. Nhiều người không có triệu chứng và không biết mình bị nhiễm bệnh. Các triệu chứng cũng không xuất hiện ngay lập tức. Thời gian ủ bệnh khoảng 2 đến 3 tuần sau khi tiếp xúc với virus.
Các triệu chứng đầu tiên có thể giống với các triệu chứng cúm như:
- Sốt.
- Đau đầu.
- Đau cơ.
- Không muốn ăn.
- Mệt mỏi.
Sau một vài ngày, người bệnh có thể bị sưng đau tuyến nước bọt mang tai. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Sưng một hoặc cả hai tuyến mang tai ở hai bên mặt.
- Đau xung quanh chỗ sưng.
- Ít gặp hơn là sưng các tuyến dưới sàn miệng.
Biến chứng của bệnh quai bị
Mặc dù quai bị thường là một bệnh nhẹ nhưng nó có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng xảy ra khi virus xâm nhập vào các mô khác trong cơ thể. Các biến chứng của bệnh quai bị có thể bao gồm:
- Viêm tinh hoàn: Tinh hoàn bị sưng, gây đau dữ dội. Tình trạng này phổ biến hơn khi bị nhiễm quai bị sau tuổi dậy thì. Tinh hoàn bị sưng có thể dẫn đến giảm kích thước tinh hoàn và giảm khả năng sinh sản.
Viêm tinh hoàn do quai bị
- Viêm buồng trứng: Buồng trứng sưng tấy, gây đau, khó chịu ở dạ dày, nôn mửa và sốt. Biến chứng này có nhiều khả năng xảy ra sau tuổi dậy thì. Tình trạng này dường như không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Viêm não: Viêm não là tình trạng sưng tấy, gọi là viêm, trong não có thể làm tổn thương các mô. Biến chứng này có thể gây ra những thay đổi về ý thức, co giật và mất kiểm soát cơ.
- Viêm màng não: Viêm màng não là sưng hoặc viêm màng quanh não và tủy sống. Nó có thể gây ra đau đầu, sốt và cứng cổ. Viêm màng não liên quan đến quai bị hiếm khi gây ra vấn đề lâu dài.
- Mất thính lực: Biến chứng này có thể xảy ra đột ngột hoặc theo thời gian. Thính giác thường trở nên tốt hơn sau khi bị bệnh.
- Viêm tụy: Quai bị có thể gây tổn thương tuyến tụy, gọi là viêm tụy, do sưng tấy. Các triệu chứng có thể bao gồm đau nhức gần dạ dày, khó chịu ở dạ dày, nôn mửa và sốt.
- Sảy thai. Bị quai bị trong 12 tuần đầu của thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
Biện pháp phòng ngừa bệnh quai bị
Dưới đây là một số biện pháp để phòng ngừa bệnh quai bị:
Biện pháp dự phòng chủ động có hiệu quả nhất đối với bệnh quai bị là tiêm vắc xin quai bị sớm cho trẻ từ 12 tháng tuổi. Vắc xin đang sử dụng hiện nay là vắc xin sống, giảm độc lực, sản xuất từ chủng Jeryl Lynn trên phôi gà. Chế phẩm dưới dạng vắc xin quai bị đơn hoặc phối hợp với các vắc xin phòng sởi và rubella (có tên thương phẩm MMR hay Trimovax). Đây là loại chế phẩm an toàn cao, hiệu lực bảo vệ đạt trên 95%, gây được miễn dịch lâu bền, có thể dùng cả cho người đã từng có miễn dịch.
- Người lớn: tiêm một liều duy nhất 0.5ml trên bắp tay.
- Trẻ em: Mũi thứ nhất tiêm khi trẻ được 12 -18 tháng tuổi, mũi thứ 2 tiêm khi trẻ khoảng từ 3-5 tuổi hoặc trước khi trẻ đi học, 2 mũi nên được tiêm cách nhau tối thiểu 1 tháng.
- Phụ nữ chuẩn bị mang thai: cần xét nghiệm trước khi tiêm phòng vắc xin quai bị. Trong vòng 1 tháng sau khi tiêm vắc xin cần tránh mang thai. Đối với phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm phòng vắc xin quai bị-sởi-rubella.
Tiêm phòng vắc xin phòng ngừa bệnh quai bị
Biện pháp vệ sinh:
- Vệ sinh cá nhân thường xuyên, súc họng bằng nước muối hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
- Giữ môi trường sống sạch sẽ, thông thoáng, thường xuyên vệ sinh các đồ chơi, vật dụng của trẻ.
- Tránh cho trẻ tiếp xúc với người bệnh.
- Cho trẻ đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, có nguy cơ lây bệnh cao như bệnh viện.
- Biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là tiêm vắc xin sởi, quai bị, Rubella hoặc vắc-xin quai bị.
Hiện nay bệnh quai bị chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị hỗ trợ, chăm sóc người bệnh và phòng ngừa các biến chứng của bệnh. Khi nghi ngờ mắc bệnh quai bị, tốt nhất người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và có chỉ định chính xác nhất.