Biện pháp phòng ngừa ung thư dạ dày
Dạ dày là một trong những bộ phận có vai trò quan trọng của hệ tiêu hóa. Đây vừa là nơi chứa thức ăn, vừa nghiền nát, chuyển hóa thức ăn thành chất dinh dưỡng nuôi cơ thể. Dạ dày khỏe mạnh sẽ giúp hệ miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh và một sức khỏe tốt. Thế nhưng ung thư dạ dày lại là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Vậy có cách nào phòng ngừa căn bệnh này không? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu căn bệnh này qua bài viết dưới đây.
Dạ dày là bộ phận có vai trò quan trọng của hệ tiêu hóa
Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết.
Biểu hiện ung thư dạ dày
Triệu chứng lâm sàng của ung thư dạ dày thường không đặc hiệu, dễ nhầm với các triệu chứng bệnh lành tính. Khi triệu chứng lâm sàng điển hình thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng thường không đặc hiệu, một số dấu hiệu sau đây có thể giúp bạn đọc tự theo dõi và đánh giá:
- Chán ăn
- Đầy hơi, ậm ạch, khó tiêu
- Đau thượng vị ở nhiều mức độ khác nhau (thoảng qua hoặc liên tục, có lúc không có liên quan đến bữa ăn)
- Nôn và buồn nôn
- Mệt mỏi
Giai đoạn muộn hơn có thể khám phát hiện thêm một số triệu chứng như:
- Xuất huyết tiêu hoá: nôn ra máu, ỉa phân đen
- Đau thượng vị kiểu loét điển hình
- Nuốt nghẹn, đau sau xương ức đối với ung thư tâm vị
- Nôn do hẹp môn vị
Triệu chứng toàn thân
- Suy kiệt
- Thiếu máu
- Sốt do hội chứng cận u
- Mệt mỏi
Ung thư dạ dày gây đau thượng vị
Các biện pháp phòng ngừa ung thư dạ dày
- Duy trì cân nặng lý tưởng và chăm tập thể dục: Tập thể dục thường xuyên chính là một thói quen tốt để phòng ngừa nhiều loại bệnh tật và bao gồm cả bệnh ung thư dạ dày.
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học:
- Sử dụng những thực phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, tốt cho sức khỏe đó là chế độ ăn giàu chất xơ và vitamin như: các loại rau xanh (súp lơ, rau cải mầm,…), trái cây,….
- Loại bỏ những thực phẩm có hại cho sức khỏe dạ dày bao gồm: Các loại đồ ăn chế biến sẵn, đồ ăn quá mặn, có chứa quá nhiều dầu mỡ, nên tránh xa những thực phẩm lên men như dưa muối hay cà muối, không nên ăn những thực phẩm cay nóng
- Hạn chế bia, rượu và các chất kích thích.
- Duy trì thói quen ăn chậm, nhai kỹ, ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa. Đây chính là những bí kíp giúp giảm áp lực cho dạ dày của bạn và giúp bạn có một sức khỏe tốt, phòng tránh nguy cơ ung thư dạ dày.
- Tránh tiếp xúc với môi trường có chứa hóa chất độc hại: trong trường hợp do tính chất công việc, bạn bắt buộc phải tiếp xúc, làm việc trong môi trường này, thì cần mặc đồ bảo hộ lao động.
- Tránh stress: căng thẳng chính là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ bị ung thư dạ dày. Do đó, bạn nên giữ tinh thần tích cực, vui vẻ. Có thể áp dụng một số biện pháp giúp giảm căng thẳng như tập yoga, thiền, đi bộ, nghe nhạc, nấu ăn,… hay làm những việc bạn yêu thích.
- Điều trị các bệnh lý viêm dạ dày ngay khi phát hiện bệnh.
- Khám tầm soát và xử lý triệt để các khối polype, u lành trong dạ dày
- Tầm soát ung thư định kỳ nếu tiền sử gia đình có người mắc ung thư đường tiêu hoá…
Tóm lại, ung thư dạ dày là căn bệnh nguy hiểm và lối sống thiếu lành mạnh là 1 trong những nguyên nhân gây ung thư dạ dày mà chúng ta có thể kiểm soát được. Vì vậy, hãy áp dụng 1 chế độ sinh hoạt khoa học để bảo vệ sức khỏe của bạn và gia đình. Ngoài ra, kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng rất quan trọng để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.