Nguyên nhân mắc bệnh ung thư dạ dày và phương pháp điều trị
Ung thư dạ dày là một trong những loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới, đặc biệt là ở những quốc gia có chế độ ăn uống không lành mạnh. Bệnh này có thể phát triển từ nhiều nguyên nhân khác nhau và thường không có triệu chứng rõ ràng cho đến khi bước vào giai đoạn nặng. Hiểu biết về các yếu tố nguy cơ và nguyên nhân có thể giúp phát hiện sớm bệnh, từ đó áp dụng các phương pháp điều trị hiệu quả. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về các nguyên nhân dẫn đến ung thư dạ dày và giới thiệu các phương pháp điều trị hiện đại, nhằm giúp người đọc có cái nhìn tổng quan và sâu sắc hơn về căn bệnh này.
Ung thư dạ dày là gì?
Ung thư dạ dày là hiện tượng các tế bào cấu trúc bình thường của dạ dày trở nên bất thường đột biến và tăng sinh một cách không kiểm soát, xâm lấn các mô ở gần (xâm lấn cục bộ) hay ở xa (di căn) qua hệ thống bạch huyết. Ung thư dạ dày là một trong số bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới, tỷ lệ mắc đứng thứ 3 ở nam và đứng thứ 4 ở nữ.
Bệnh thường diễn biến âm thầm ở giai đoạn sớm nên người bệnh thường được phát hiện khi đã ở giai đoạn muộn. Ung thư dạ dày nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ trở nên dễ dàng hơn. Vậy nguyên nhân gây ung thư dạ dày là gì và phương pháp điều trị ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Ung thư dạ dày là một trong số bệnh ung thư phổ biến nhất trên thế giới
Biểu hiện ung thư dạ dày
Triệu chứng lâm sàng của ung thư dạ dày thường không đặc hiệu, dễ nhầm với các triệu chứng bệnh lành tính. Khi triệu chứng lâm sàng điển hình thường bệnh đã ở giai đoạn muộn.
Ở giai đoạn sớm, các triệu chứng thường không đặc hiệu, một số dấu hiệu sau đây có thể giúp bạn đọc tự theo dõi và đánh giá:
- Chán ăn
- Đầy hơi, ậm ạch, khó tiêu
- Đau thượng vị ở nhiều mức độ khác nhau (thoảng qua hoặc liên tục, có lúc không có liên quan đến bữa ăn)
- Nôn và buồn nôn
- Mệt mỏi
Giai đoạn muộn hơn có thể khám phát hiện thêm một số triệu chứng như:
- Xuất huyết tiêu hoá: nôn ra máu, ỉa phân đen
- Đau thượng vị kiểu loét điển hình
- Nuốt nghẹn, đau sau xương ức đối với ung thư tâm vị
- Nôn do hẹp môn vị
Triệu chứng toàn thân
- Suy kiệt
- Thiếu máu
- Sốt do hội chứng cận u
- Mệt mỏi
Nguyên nhân gây bệnh ung thư dạ dày
Nguyên nhân ung thư dạ dày thường liên quan đến các tổn thương tiền ung thư, các yếu tố môi trường, yếu tố nội sinh và yếu tố di truyền.
– Các tổn thương tiền ung thư: Viêm dạ dày mãn tính kéo dài nếu không được điều trị sẽ dẫn đến viêm teo mãn tính niêm mạc dạ dày. Tiếp theo các các biến đổi dị sản của tế bào, rồi các biến đổi loạn sản từ mức độ nhẹ, vừa đến nặng. Loạn sản kéo dài cuối cùng dẫn đến ung thư dạ dày.
– Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori): được coi là một nguyên nhân gây ung thư dạ dày. HP làm viêm teo đét niêm mạc dạ dày mãn tính, gây nên các tổn thương tiền ung thư.
– Thói quen sinh hoạt: Ăn các loại thức ăn có chứa Nitrate như thịt cá ướp muối, rau dưa muối, thịt nướng, thịt hun khói… làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.
– Béo phì: người béo phì dễ bị mắc ung thư dạ dày hơn người bình thường.
– Di truyền: Ung thư dạ dày liên quan tới một số hội chứng di truyền, người thân có mắc bệnh này.
Ăn nhiều đồ nướng là 1 trong những nguyên nhân có thể gây ung thư dạ dày
Điều trị ung thư dạ dày
Phương pháp điều trị phụ thuộc rất nhiều vào giai đoạn bệnh và các tình trạng sức khỏe của bạn. Ung thư dạ dày được điều trị bằng một hay nhiều phương pháp sau:
- Phẫu thuật: Đây là phương pháp điều trị đầu tiên và chủ yếu đối với các ung thư dạ dày ở giai đoạn sớm: Có thể phẫu thuật cắt bỏ một phần hay toàn bộ dạ dày. Sau khi ổn định bệnh nhân đã có thể uống và ăn trở lại. Sau phẫu thuật 10-14 ngày, bệnh nhân có thể ra viện. Những trường hợp ung thư giai đoạn cuối có thể: Phẫu thuật tạm thời, nhằm lập lại lưu thông của đường tiêu hóa, kéo dài cuộc sống cho người bệnh.
- Hoá trị: Là phương pháp điều trị dùng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Nếu ung thư ở giai đoạn sớm, hóa trị liệu dùng để hỗ trợ cho phẫu thuật, tia xạ hoặc cả hai, nhằm mục đích tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể để tránh tái phát ung thư dạ dày sau này. Tuy nhiên khi sử dụng phương dùng hóa chất trị liệu sẽ có một số tác dụng phụ nhưng những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và có thể làm giảm được sau khi điều trị.
- Xạ trị: Biện pháp này dùng các tia phóng xạ để diệt các tế bào ung thư. Các tia phóng xạ này được tính toán chính xác trên vị trí của ung thư để giảm tác hại đối với các mô lành. Trong ung thư dạ dày, điều trị bằng tia xạ sau phẫu thuật để tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Điều trị bằng tia xạ có thể được dùng cùng với hóa chất trị liệu để làm nhỏ khối u và làm giảm các triệu chứng.
- Điều trị đích: Sử dụng các kháng thể đơn dòng kháng lại các yếu tố phát triển biểu mổ Her-2/neu (Trastuzumab), kháng thể đơn dòng ức chế thụ thể yếu tố phát triển biểu mô EGFR (cetuximab) hay kháng thể đơn dòng ức chế yếu tố phát triển mạch máu VEGF (bevacizumab).
- Điều trị miễn dịch: Sử dụng các thuốc tác động vào hệ miễn dịch của bệnh nhân, làm hệ miễn dịch có khả năng tiêu diệt được tế bào ung thư.
Sau khi điều trị, cần theo dõi định kỳ 3 tháng/lần trong 2 năm đầu, sau đó 6 tháng/lần trong các năm tiếp theo. Khám lâm sàng, chụp X-quang phổi, siêu âm ổ bụng, xét nghiệm chỉ điểm khối u; nội soi dạ dày nếu nghi ngờ tái phát miệng nối. Ngoài ra cần chú ý tình trạng thiếu dinh dưỡng ở các bệnh nhân sau phẫu thuật cắt dạ dày.
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn có thêm nhiều thông tin bổ ích về bệnh ung thư dạ dày, cũng như chăm sóc sức khỏe chủ động cho bản thân và gia đình.