Các biện pháp phòng ngừa hiệu quả để tránh viêm tai giữa
Viêm tai giữa là loại bệnh lý viêm nhiễm tai giữa có thể gặp ở mọi lứa tuổi gồm ba loại chính là viêm tai giữa cấp tính, mạn tính, viêm tai giữa có tràn dịch . Do trong tai giữa xuất hiện các loại vi khuẩn hoặc bị tác động từ các yếu tố ngoài môi trường. Nếu như bệnh được phát hiện và điều trị đúng cách, chúng ta sẽ ngăn ngừa nguy cơ bị biến chứng nguy hiểm. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa viêm tai giữa qua bài viết dưới đây.
Viêm tai giữa là gì?
Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi song phổ biến nhất là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi do cấu trúc tai chưa phát triển hoàn chỉnh, miễn dịch yếu.
Tùy vào mức độ nhiễm trùng, viêm tai giữa thường được chia thành các loại bao gồm:
- Viêm tai giữa cấp tính: Thường là một biến chứng của rối loạn chức năng vòi nhĩ xảy ra trong một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus.
- Viêm tai giữa mạn tính: Là tình trạng viêm tai giữa dai dẳng, bị chảy mủ lâu ngày qua lỗ thủng màng nhĩ (thường trên 12 tuần).
- Viêm tai giữa ứ dịch: Là tình trạng niêm mạc của tai giữa bị viêm và tiết dịch, nhưng dịch này không chảy ra ngoài tai mà bị ứ lại phía sau màng tai. Dịch ứ có thể là ở dạng thanh dịch, dịch nhầy hoặc keo dính.
Nguyên nhân chính dẫn đến bệnh viêm tai giữa
Bệnh viêm tai giữa có thể xảy ra mọi lứa tuổi với các nguyên nhân như:
- Viêm nhiễm tại chỗ: Khi bệnh nhân bị nhiễm trùng đường hô hấp trên cấp tính, viêm mũi họng, viêm xoang, viêm amidan, viêm VA không được điều trị thích hợp, virus hoặc vi khuẩn từ các ổ viêm sẽ lan tràn theo vòi nhĩ gây viêm tai giữa. Nhiễm trùng ống tai ngoài cũng là một điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn lan rộng gây nhiễm trùng tai giữa.
- Viêm nhiễm toàn thân: Nhiễm trùng tai giữa xảy ra sau một đợt viêm nhiễm toàn thân như bệnh sởi, cúm,..
- Chấn thương: Sau chấn thương vùng tai như ngoáy tai, chấn thương tai do áp lực (bị tát tai, hỏa khí, xì mũi không đúng cách…) gây thủng màng nhĩ, nhiễm trùng tai sẽ xảy ra sau đó nếu không được chăm sóc và điều trị thích hợp .
- Viêm và tắc vòi nhĩ do các bệnh lý lân cận: U xơ vòm mũi họng, ung thư vòm mũi họng…
Các triệu chứng viêm tai giữa phổ biến
- Sốt, đau nhức trong tai: khi viêm tai giữa cấp tính
- Nghe kém: ù tai (nghe tiếng vang hoặc âm thanh lạ trong tai )
- Tai cảm giác đầy hoặc bịt kín
- Mất thăng bằng hoặc chóng mặt (Không phổ biến)
- Có trường hợp chảy dịch tai
- Ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ triệu chứng khó phát hiện hơn như quấy khóc, cáu kỉnh
Cách phòng ngừa viêm tai giữa
Đối với người lớn
- Mỗi khi vệ sinh tai hãy chú ý thực hiện nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh làm tổn thương niêm mạc tai, nặng hơn là thủng màng nhĩ và gây viêm tai giữa.
- Không để nước bẩn vào trong tai (đặc biệt khi đi bơi và gội đầu).
- Nếu mắc các bệnh lý về mũi họng hãy điều trị triệt để.
Đối với trẻ em
- Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ và để các đồ vật không sạch sẽ cách xa tầm với của trẻ.
- Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng thời gian.
- Khuyến khích cho con bú sữa mẹ bởi trong sữa mẹ có đề kháng giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa.
- Nếu cho trẻ bú bình hãy giữ trẻ ngồi thẳng và tránh cho bú khi đang nằm.
- Để trẻ tránh xa nơi có khói thuốc lá.
Tầm quan trọng của việc vệ sinh sức khỏe tai
- Ngăn ngừa nhiễm khuẩn: Tai có cơ chế tự làm sạch bằng cách tiết dịch nhờn (sáp tai) để ngăn chặn vi khuẩn và bụi bẩn xâm nhập vào tai. Tuy nhiên, khi lượng sáp tai tích tụ quá nhiều hoặc bị bít kín, nó có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây ra nhiễm khuẩn tai. Vệ sinh tai thường xuyên giúp loại bỏ sáp tai dư thừa và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
- Cải thiện lực nghe: Tai bị tắc do sáp tích tụ có thể ảnh hưởng đến khả năng nghe của bạn. Nếu lượng sáp tai quá nhiều, nó có thể tạo ra một lớp màng chắn trong tai và làm giảm khả năng truyền âm thanh vào tai. Việc giữ vệ sinh tai giúp loại bỏ sáp tai và duy trì lực nghe tốt.
- Tránh tác động ngoại lực: Tai có thể bị tổn thương nếu bạn sử dụng những đồ vật nhọn để làm sạch tai, chẳng hạn như que nhọn, đồ chọc tai hoặc các vật cứng khác. Việc giữ vệ sinh tai đúng cách giúp tránh những tác động ngoại lực không cần thiết, giảm nguy cơ làm tổn thương cấu trúc tai.
- Giảm nguy cơ viêm nhiễm tai: Việc giữ vệ sinh tai sạch sẽ giảm nguy cơ viêm nhiễm tai ngoài và viêm nhiễm tai giữa.
- Phòng tránh bệnh: Vệ sinh tai thường xuyên sẽ giúp phòng ngừa một số bệnh như viêm tai (viêm tai giữa, viêm tai trong, viêm tai ngoài),…