Bệnh viêm tai có nguy hiểm không?
Viêm tai là bệnh lý thường gặp, dễ điều trị. Tuy vậy, nếu không được can thiệp kịp thời, các biến chứng của viêm tai có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí đe dọa tính mạng và khó điều trị. Bạn hãy đọc bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn nhé.
Bệnh viêm tai là gì?
Viêm tai là tình trạng tai bị nhiễm trùng dẫn đến viêm và đau. Tình trạng viêm có thể kèm sưng tấy, chảy mủ tai, tai có mùi hôi và có thể nghe kém. Viêm tai là bệnh phổ biến ở cả người trưởng thành và trẻ nhỏ.
Mỗi loại viêm tai có những đặc điểm và triệu chứng riêng biệt:
- Viêm tai ngoài: Viêm nhiễm ở ống tai ngoài, thường do nhiễm khuẩn hoặc nấm. Triệu chứng bao gồm đau tai, ngứa, và chảy dịch.
- Viêm tai giữa: Viêm nhiễm ở khoang tai giữa, thường do nhiễm khuẩn sau khi bị cảm lạnh hoặc viêm họng. Triệu chứng bao gồm đau tai, sốt, và giảm thính lực.
- Viêm tai trong: Viêm nhiễm ảnh hưởng đến ốc tai và hệ thống tiền đình, có thể gây ra chóng mặt, buồn nôn, và mất thăng bằng.
Nguyên nhân gây ra viêm tai
Nguyên nhân gây viêm tai phổ biến nhất là do nhiễm vi khuẩn, virus và nấm. Trong đó, các loại vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae và virus cảm lạnh là tác nhân chủ yếu gây bệnh viêm tai.
Ngoài ra, bệnh viêm tai còn có các yếu tố nguy cơ bao gồm:
- Tổn thương tai
- Bơi lội
- Suy giảm miễn dịch
- Viêm mũi xoang
- Dị ứng
- Viêm da tiết bã
- Bệnh vảy nến
- Chàm
- Sử dụng thiết bị hỗ trợ thính lực
- Phẫu thuật tai
- Trẻ nhỏ vệ sinh tai kém
Bệnh viêm tai có nguy hiểm không?
Bệnh viêm tai nếu được phát hiện sớm, có thể dễ điều trị. Tuy nhiên, nếu không được can thiệp kịp thời, viêm tai có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng. Biến chứng viêm xương chũm, viêm mê nhĩ, liệt mặt, viêm màng não thường phải can thiệp phẫu thuật và thời gian hồi phục rất lâu.
Các biến chứng có thể gặp như:
- Mất thính lực: Viêm tai kéo dài có thể gây tổn thương các cấu trúc tai, dẫn đến giảm thính lực vĩnh viễn.
- Viêm màng não: Nhiễm khuẩn từ tai có thể lan sang màng não, gây ra viêm màng não, một tình trạng đe dọa tính mạng.
- Áp-xe tai: Sự tích tụ của mủ trong tai có thể dẫn đến áp-xe, gây đau đớn và cần phải can thiệp phẫu thuật.
- Viêm xương chũm: Viêm nhiễm lan sang xương chũm phía sau tai có thể gây viêm xương chũm, một tình trạng nguy hiểm cần điều trị khẩn cấp.
Phương pháp điều trị viêm tai
Tùy thuộc vào loại viêm tai, bác sĩ có thể đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp gồm điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa.
Điều trị nội khoa
Phương pháp này bao gồm vệ sinh tai, sử dụng các loại thuốc và có thể kết hợp với các phương pháp hỗ trợ điều trị tại nhà.
Các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị viêm tai bao gồm thuốc nhỏ tai, thuốc thoa ngoài tai, thuốc kháng sinh và kháng viêm. Một số trường hợp có thể cần dùng thuốc chống nấm nếu có bằng chứng nhiễm nấm.
Các loại thuốc chữa viêm tai được sử dụng phổ biến nhất như axit axetic và corticosteroid tại chỗ, kháng sinh nhỏ tai như ciprofloxacin, ofloxacin hoặc neomycin/polymyxin. Các thuốc chống nấm gentian, cresylate axetat, nystatin, clotrimazole…
Lưu ý: Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ
Điều trị ngoại khoa
Đây là phương pháp điều trị xâm lấn bao gồm phẫu thuật hoặc thực hiện các thủ thuật. Phẫu thuật là lựa chọn cuối cùng khi đã áp dụng các phương pháp điều trị nội khoa không hiệu quả.
Phẫu thuật thường áp dụng cho các trường hợp viêm tai nặng, chủ yếu để giải quyết biến chứng chẳng hạn như viêm xương chũm, nghe kém, mất thăng bằng…
Phẫu thuật vá màng nhĩ
Quy trình phẫu thuật này nhằm sửa chữa màng nhĩ thủng do nhiễm trùng và giúp ngăn ngừa nhiễm trùng trong tương lai, giúp cải thiện sức nghe. Phương pháp tạo hình màng nhĩ thường được thực hiện trên những bệnh nhân không bị nhiễm trùng hoặc ung thư trong xương tai.
Quá trình phẫu thuật sẽ sử dụng mảnh ghép được lấy từ chính cơ thể người bệnh, thường là cân cơ, màng sụn hoặc sụn tai để sửa chữa màng nhĩ. Sau phẫu thuật từ 6-8 tuần, bệnh nhân có thể cải thiện khả năng nghe.
Mở màng nhĩ và đặt ống dẫn lưu
Mở màng nhĩ hai bên và đặt ống dẫn lưu được sử dụng cho những bệnh nhân thường xuyên bị tích tụ dịch trong tai giữa.
Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ tạo ra một lỗ nhỏ và đưa ống nhân tạo vào để dẫn dịch tai ra ngoài. Bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày, màng nhĩ có thể liền lại khi ống dẫn lưu tự rơi ra ngoài, thường là sau phẫu thuật vài tháng.
Khoan xương chũm
Xương chũm là xương phía sau tai nối với tai giữa. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường sau tai để tiếp cận xương chũm. Sau đó, bác sĩ tiến hành khoan và làm sạch xương chũm giúp ngăn ngừa viêm tai mạn tính.
Trên đây là những thông tin về bệnh viêm tai. Nếu có bất kỳ triệu chứng nghi ngờ nào, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Phòng tránh bệnh viêm tai như thế nào?
Để phòng ngừa viêm tai, mọi người nên lưu ý:
- Tiêm phòng các loại vắc xin cúm và vắc xin phế cầu khuẩn để bảo vệ chống lại một nguyên nhân phổ biến gây nhiễm trùng tai giữa, viêm phổi do Streptococcus.
- Luôn giữ vệ sinh tay.
- Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi và tiếp tục cho bú ít nhất 12 tháng.
- Không hút thuốc và tránh tiếp xúc với khói thuốc.
- Lau thật khô tai sau khi bơi.
- Không dùng chung dụng cụ lấy ráy tai, vệ sinh tai
- Lấy ráy tai đúng cách, tránh làm tổn thương tai.
- Ở các bệnh nhân suy giảm miễn dịch như HIV, ung thư, đái tháo đường nên thường xuyên kiểm tra tai để phòng nguy cơ nhiễm nấm tai.
- Tránh nhiễm cúm gây biến chứng ảnh hưởng đến tai
- Những người sử dụng máy trợ thính, cấy điện cực ốc tai nên thường xuyên tới bệnh viện để kiểm tra tình trạng thiết bị.
Hy vọng những thông tin trên đây giúp bạn hiểu hơn về bệnh viêm tai. Hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Nếu có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.