Buồng trứng đa nang là gì? Những điều cần biết về bệnh
Tổng quan chung
Buồng trứng đa nang là rối loạn liên quan đến mất cân bằng hormon và kháng insulin, gây nên rất nhiều triệu chứng: chu kỳ kinh không đều, không có kinh, rậm lông, mụn, thừa cân, rụng tóc, buồng trứng rất nhiều nang khi siêu âm,… Nguyên nhân gây nên hội chứng này là do buồng trứng không thể sản xuất các hormon theo đúng tỉ lệ bình thường, có thể dẫn đến trứng rụng thưa hoặc không rụng trứng, thường thể hiện qua tình trạng kinh nguyệt thưa (2 – 3 tháng hoặc vài năm mới có kinh một lần). Tình trạng này nếu xảy ra có thể làm cho phụ nữ hội chứng buồng trứng đa nang giảm khả năng sinh sản.
Triệu chứng
Ở một số phụ nữ, các dấu hiệu đa nang buồng trứng có thể xuất hiện rất sớm ngay trong kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Tuy nhiên, ở hầu hết các trường hợp, triệu chứng bệnh chỉ được phát hiện khi họ gặp khó khăn trong vấn đề sinh sản.
Các biểu hiện của bệnh thường gặp gồm:
Kinh nguyệt không đều
Chu kỳ kinh nguyệt không đều, thường kéo dài bất thường là dấu hiệu thường gặp nhất của hội chứng buồng trứng đa nang. Nguyên nhân bởi quá trình rụng trứng gặp trục trặc, làm cho niêm mạc tử cung không bong ra hàng tháng. Bên cạnh đó, niêm mạc tử cung được hình thành và phát triển trong một khoảng thời gian dài, dẫn đến lượng máu trong mỗi kỳ kinh có thể nhiều hơn bình thường.
Lông tóc phát triển quá mức (hiện tượng rậm lông)
Hơn 70% phụ nữ mắc hội chứng này gặp tình trạng “rậm lông” ở mặt, lưng, bụng và ngực. Mặt khác, nhiều người còn gặp phải tình trạng hói đầu do nang tóc yếu, tóc rụng nhiều, mỏng và thưa dần. Cả hai hiện tượng này đều xuất phát từ sự tăng lên các hormone nam trong cơ thể.
Béo phì
Có đến 80% phụ nữ bị đa nang buồng trứng gặp phải tình trạng thừa cân hoặc béo phì.
Da mặt nhờn, xuất hiện mụn trứng cá
Nồng độ nội tiết tố nam tăng lên khiến da tiết nhiều dầu hơn bình thường, dẫn đến xuất hiện mụn trứng cá ở các vùng mặt, lưng, ngực…
Sạm da
Cơ thể xuất hiện các mảng da sẫm màu ở các khu vực có nhiều nếp gấp như vùng cổ, vùng bẹn và vùng dưới vú.
Nhức đầu
Một số người có thể gặp triệu chứng đau đầu do sự thay đổi hormone.
Tâm trạng thay đổi thất thường
Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang sẽ thường xuyên thấy căng thẳng, lo âu. Tình trạng này kéo dài có thể gây trầm cảm.
Cảm giác đau và khó chịu ở vùng chậu
Khi mắc hội chứng này, phụ nữ có thể gặp phải những cơn đau âm ỉ từ mức độ nhẹ đến dữ dội (cảm giác như cơn đau bụng kinh), đồng thời cảm thấy khó chịu ở vùng bụng, vùng chậu và lưng dưới.
Nguyên nhân
Hiện nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây nên hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bệnh lý có thể bắt nguồn từ các yếu tố sau:
Kháng insulin
Insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản xuất, có nhiệm vụ chuyển hóa carbohydrate và lipid thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Insulin cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ glucose trong máu.
Thống kê cho thấy, có đến 70% phụ nữ mắc bệnh có hiện tượng kháng insulin, nghĩa là các tế bào bên trong cơ thể họ không thể sử dụng insulin một cách đúng đắn. Khi đó, lượng đường trong máu tăng lên, đồng thời cơ thể tăng sản xuất insulin nhiều hơn. Chính lượng insulin dư thừa sẽ kích hoạt buồng trứng tăng sản xuất nhiều nội tiết nam giới, gây khó khăn cho việc rụng trứng.
Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng insulin. Cả béo phì và kháng insulin đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Di truyền
Các nghiên cứu cho thấy một số gen có liên quan nhất định đến hội chứng đa nang buồng trứng, do đó nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị gái mắc hội chứng này thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
Chế độ ăn uống
Giả thuyết cho rằng một chế độ ăn uống quá nhiều tinh bột có thể là yếu tố góp phần dẫn đến hội chứng đa nang buồng trứng.
Đối tượng nguy cơ
- Di truyền: Nếu mẹ hoặc chị em ruột của bạn mắc hội chứng buồng trứng đa nang, bạn có nhiều khả năng mắc bệnh hơn.
- Thừa cân hoặc béo phì: Phụ nữ thừa cân hoặc béo phì có nhiều khả năng mắc hội chứng buồng trứng đa nang hơn.
- Chứng tăng insulin máu: Chứng tăng insulin máu là một tình trạng cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin hiệu quả. Insulin là một hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.
- Lượng androgen cao: Androgen là hormone nam. Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường có lượng androgen cao hơn mức bình thường.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ đánh giá các triệu chứng, thảo luận về tiền sử bệnh của bạn và chỉ định khám sức khỏe, bao gồm xét nghiệm máu để đo nồng độ hormone. Siêu âm được thực hiện để kiểm tra các u nang trong buồng trứng.
Để được chẩn đoán mắc PCOS, bạn phải có ít nhất hai trong ba dấu hiệu sau:
- Kinh nguyệt không đều hoặc không xuất hiện
- Nồng độ nội tiết tố nam trong máu cao hoặc các triệu chứng liên quan như tăng mọc tóc hoặc rụng tóc kiểu nam
- Siêu âm có hình ảnh buồng trứng đa nang
Phòng ngừa bệnh
Mặc dù hiện nay chưa xác định chính xác nguyên nhân của hội chứng buồng trứng đa nang, tuy nhiên, chị em phụ nữ hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh lý cũng như các biến chứng nguy hiểm của bệnh bằng việc xây dựng lối sống, sinh hoạt lành mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống ngày. Cụ thể là:
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm cân và duy trì mức cân nặng hợp lý không chỉ giúp phụ nữ có sức khỏe tốt, mà còn giảm ảnh hưởng tiêu cực của bệnh đối với cơ thể. Khuyến cáo phụ nữ nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đồng thời có kế hoạch kiểm soát cân nặng như mong muốn.
- Hạn chế carbohydrate: Một chế độ ăn ít chất béo và nhiều carbohydrate sẽ làm tăng hàm lượng insulin. Do đó, cần hạn chế lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn.
- Tập thể dục thường xuyên: Việc tăng cường hoạt động thể dục thể thao một cách thường xuyên, đều đặn sẽ hỗ trợ điều trị, ngăn ngừa tình trạng kháng insulin, giúp kiểm soát cân nặng, phòng tránh bệnh đái tháo đường.
- Khám phụ khoa định kỳ: Khám phụ khoa định kỳ giúp phát hiện các dấu hiệu của bệnh từ sớm, kể cả khi bệnh chưa có biểu hiện rõ ràng. Không những thế, khám phụ khoa định kỳ còn giúp tầm soát, điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm của nhiều bệnh phụ khoa khác. Do đó, các chuyên gia sản phụ khoa khuyến cáo chị em phụ nữ nên khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Điều trị như nào
Các lựa chọn nếu bạn muốn mang thai
Các lựa chọn điều trị hội chứng đa nang để mang thai, bao gồm:
Giảm cân
Nếu bạn thừa cân, giảm cân có thể giúp điều hòa nội tiết tố trong cơ thể, giúp rụng trứng và có thể giúp kinh nguyệt đều đặn hơn.
Thuốc
Bác sĩ có thể cân nhắc việc sử dụng các loại thuốc khác nhau, bao gồm:
- Clomiphene: Nếu việc giảm cân không giúp ích cho bạn trong quá trình rụng trứng thường xuyên, thì việc dùng thuốc hỗ trợ sinh sản clomiphene citrate thường là lựa chọn tiếp theo. Khoảng 80% phụ nữ rụng trứng trong vòng ba tháng đầu tiên kể từ khi bắt đầu điều trị bằng clomiphene. Trong số những phụ nữ sử dụng Clomiphene, 30 đến 40% có thai vào chu kỳ điều trị thứ ba của họ.
- Letrozole: Nhiều chuyên gia khuyên dùng thuốc letrozole để giúp rụng trứng. Một nghiên cứu được thực hiện gần đây về phụ nữ bị PCOS cho thấy letrozole có hiệu quả hơn clomiphene trong việc điều chỉnh rụng trứng và dẫn đến khả năng thụ thai cao hơn.
- Metformin: Thuốc kích thích insulin metformin cũng giúp rụng trứng. Bạn có thể dùng thuốc này đơn lẻ hoặc kết hợp với clomiphene hoặc letrozole.
- Gonadotropins: Nếu các loại thuốc khác không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng gonadotropins, thuốc tiêm kích thích sự phát triển của nhiều trứng. Hầu như tất cả phụ nữ bị PCOS sử dụng gonadotropins đều rụng trứng và khoảng 60% số này có thai.
Phẫu thuật
Nếu bạn không đáp ứng với những phương pháp điều trị này hoặc nếu bạn chọn không sử dụng chúng, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật nội soi Trong kỹ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường nhỏ trên bụng của bạn và tạo ra các lỗ nhỏ trên buồng trứng của bạn. Điều này có thể làm giảm mức độ nội tiết tố nam và có thể giúp rụng trứng. Không giống như thuốc uống và thuốc tiêm, phẫu thuật nội soi “drilling buồng trứng” là phương pháp điều trị một lần. Các tác động chỉ là tạm thời, nhưng khoảng 50 % phụ nữ có thai trong vòng một năm sau phẫu thuật.
Điều trị vô sinh
- Nếu không có biện pháp nào trong số này hữu ích, bác sĩ có thể đề xuất bạn thực hiện phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Quy trình này bao gồm việc cho trứng và tinh trùng trong một quy trình trong phòng thí nghiệm để dẫn đến thụ tinh.
- Sau đó, phôi được chuyển đến tử cung của bạn, nơi nó sẽ làm tổ và phát triển thành thai nhi. Tỷ lệ mang thai khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và các vấn đề sinh sản của cặp vợ chồng, nhưng phụ nữ bị PCOS nói chung có cơ hội mang thai thông qua IVF giống như những phụ nữ có các vấn đề sinh sản khác.
Các phương pháp điều trị khác nếu bạn không muốn mang thai
Các phương pháp điều trị khác nếu bạn không muốn mang thai, bao gồm:
- Thuốc tránh thai: Thuốc tránh thai có chứa cả estrogen và progestin có thể điều chỉnh sự mất cân bằng hormone. Thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt, giảm các vấn đề về da và hạn chế sự phát triển bất thường của lông trong thời gian bạn dùng thuốc. Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin cũng có thể điều hòa kinh nguyệt và ngừa thai, nhưng nó sẽ không hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá hoặc các vấn đề về mọc tóc.
- Metformin: Metformin không phải là thuốc tránh thai và không giúp kiểm soát sinh sản, nhưng nó có thể giúp điều hòa kinh nguyệt ở 30 đến 50 % phụ nữ bị PCOS. Nó cũng có thể giúp giảm mức insulin, giảm cân bằng cách ngăn chặn sự thèm ăn của bạn và điều trị tóc mọc thừa.