Những nguyên nhân gây buồng trứng đa nang
Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) là một rối loạn nội tiết tố phổ biến ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Buồng trứng đa nang là gì?
Buồng trứng đa nang (tiếng Anh là Polycystic Ovary Syndrome – PCOS) là một dạng rối loạn nội tiết tố thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh gây nhiều tác động lên buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, tăng nồng độ nội tiết tố nam, dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ bên trong buồng trứng.
Những nguyên nhân gây buồng trứng đa nang
Hiện nay vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây nên hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng bệnh lý có thể bắt nguồn từ các yếu tố sau:
Kháng insulin
Insulin là một loại hormone do tuyến tụy sản xuất, có nhiệm vụ chuyển hóa carbohydrate và lipid thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động. Insulin cũng là tác nhân duy nhất trong cơ thể có thể làm giảm nồng độ glucose trong máu.
Thống kê cho thấy, có đến 70% phụ nữ mắc bệnh có hiện tượng kháng insulin, nghĩa là các tế bào bên trong cơ thể họ không thể sử dụng insulin một cách đúng đắn. Khi đó, lượng đường trong máu tăng lên, đồng thời cơ thể tăng sản xuất insulin nhiều hơn. Chính lượng insulin dư thừa sẽ kích hoạt buồng trứng tăng sản xuất nhiều nội tiết nam giới, gây khó khăn cho việc rụng trứng.
Béo phì cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng kháng insulin. Cả béo phì và kháng insulin đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.
Di truyền
Các nghiên cứu cho thấy một số gen có liên quan nhất định đến hội chứng đa nang buồng trứng, do đó nếu trong gia đình có mẹ hoặc chị gái mắc hội chứng này thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn.
Chế độ ăn uống
Giả thuyết cho rằng một chế độ ăn uống quá nhiều tinh bột có thể là yếu tố góp phần dẫn đến hội chứng đa nang buồng trứng.
Chẩn đoán buồng trứng đa nang ở đâu
Để chẩn đoán hội chứng buồng trứng đa nang, bác sĩ sẽ hỏi các thông tin liên quan đến triệu chứng, tình trạng sức khỏe hiện tại và tiền sử bệnh lý của người bệnh và gia đình. Các câu hỏi thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, sự thay đổi cân nặng trong một khoảng thời gian nhất định.
Bên cạnh đó, bác sĩ khám các dấu hiệu khác như mụn trứng cá, sự phát triển của lông, tình trạng kháng insulin và một số triệu chứng khác mà người bệnh gặp phải. Dựa vào kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các kiểm tra cận lâm sàng như:
- Xét nghiệm máu: đo và phân tích nồng độ hormone, từ đó bác sĩ sẽ loại trừ được các trường hợp gây rối loạn kinh nguyệt hoặc tăng Androgen tương tự PCOS. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn cho kết quả mức độ dung nạp glucose, lượng cholesterol và triglyceride lúc đói.
- Siêu âm: Từ hình ảnh siêu âm, bác sĩ có thể kiểm tra được tình trạng hiện tại của buồng trứng và độ dày của niêm mạc tử cung.
Trong trường hợp được chẩn đoán mắc hội chứng đa nang buồng trứng, người bệnh có thể được chỉ định thực hiện các xét nghiệm bổ sung để tìm các biến chứng. Các xét nghiệm bổ sung bao gồm:
- Kiểm tra huyết áp, dung nạp glucose, mức cholesterol và triglycerid định kỳ.
- Tầm soát trầm cảm và lo âu.
- Tầm soát hội chứng ngưng thở khi ngủ.
PCOS là một tình trạng mãn tính, nhưng nó có thể được kiểm soát bằng cách điều trị và thay đổi lối sống. Nếu bạn nghĩ rằng mình có thể mắc PCOS, hãy nói chuyện với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.