Các giai đoạn và biểu hiện bệnh của viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát. Triệu chứng điển hình của bệnh là khô da, ban đỏ, ngứa tạo thành vòng xoắn bệnh lý: ngứa-gãi-ban đỏ-ngứa… làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi khuẩn, virus.
Viêm da cơ địa là gì?
Viêm da cơ địa (VDCĐ), hay còn gọi là chàm thể tạng, là bệnh viêm da mạn tính tái phát, gặp chủ yếu ở trẻ em, có liên quan đến cơ địa dị ứng. Bệnh đặc trưng bởi vòng xoắn bệnh lý ngứa – gãi – mẩn đỏ.
- Tỷ lệ mắc ngày càng tăng, từ những năm 1960, tỷ lệ mắc VDCĐ tăng 3 lần. Bệnh chiếm khoảng 10% dân số, trong đó VDCĐ trẻ em chiếm từ 10 – 20% , VDCĐ người lớn chiếm từ 1 – 3% dân số.
- Tuổi phát bệnh: 60% xuất hiện trong năm đầu tiên, 30% ở trẻ < 5 tuổi, 10% ở lứa tuổi 6 – 20, bệnh hiếm khi bắt đầu ở tuổi trưởng thành.
- Nam hay gặp hơn nữ.
- Phần lớn bệnh khỏi khi < 3 tuổi, 70% bệnh sẽ thoái lui ở tuổi dậy thì, nhưng cũng nhiều trường hợp bệnh tồn tại nhiều năm cho đến tuổi trưởng thành.
Các giai đoạn chính của viêm da cơ địa
Gồm 3 giai đoạn của bệnh:
- Giai đoạn cấp tính: Biểu hiện là đám da đỏ ranh giới không rõ, các sẩn và đám sẩn, mụn nước tiết dịch, không có vẩy da. Da bị phù nề, chảy dịch, đóng vảy tiết. Các vết xước do gãi tạo vết chợt, khi bội nhiễm tụ cầu tạo các mụn mủ và vẩy tiết vàng. Bệnh thường khư trú ở trán, má, cằm, nặng hơn có thể lan ra tay, thân mình.
- Giai đoạn bán cấp: các triệu chứng nhẹ hơn, da không phù nề, tiết dịch.
- Giai đoạn mạn tính: da dày thâm do ngứa gãi nhiều, ranh giới rõ, lichen hoá, các vết nứt đau.
Bệnh nhân có thể có các bệnh khác kết hợp như hen, viêm mũi dị ứng hoặc có các triệu chứng khác như viêm kết mạc mắt, chứng vẽ nổi (dermographism), bệnh vảy cá thông thường, dày sừng nang lông…
Yếu tố nguy cơ
- Các yếu tố môi trường làm bệnh khởi phát và nặng lên, bao gồm:
- Dị nguyên: bọ, bụi nhà, lông súc vật, thức ăn (trứng, sữa, lạc, đậu tương, cá, bột mỳ).
- Khí hậu hanh khô: bệnh thường nặng vào mùa đông, nhẹ vào mùa hè.
- Điều kiện vệ sinh
- Tình trạng nhiễm khuẩn: đặc biệt là nhiễm tụ cầu vàng Staphylococcus aureus.
- Chủng ngừa vaccine.
- Sử dụng xà phòng, chất tẩy rửa.
Ngoài ra những yếu tố sau đây góp phần vào sự phát triển của viêm da cơ địa:
- Yếu tố di truyền
- Rối loạn chức năng hàng rào thượng bì
- Cơ chế miễn dịch
- Các tác nhân kích hoạt từ môi trường
Các gen liên quan đến viêm da cơ địa là những protein mã hoá biểu bì và các protein miễn dịch. Một yếu tố chính dẫn đến viêm da cơ địa là sự tồn tại đột biến mất chức năng trong gen mã hóa cho protein filaggrin ở nhiều bệnh nhân.
- Filaggrin là một thành phần của lớp vỏ tế bào được hóa sừng được sản sinh ra bằng cách biệt hóa các tế bào sừng. Điều quan trọng cuối cùng là xây dựng hàng rào hút ẩm của lớp sừng (còn được gọi là yếu tố giữ ẩm tự nhiên). Khoảng 10% dân số châu Âu là dị hợp tử mang đột biến filaggrin mất chức năng. Sự hiện diện của các đột biến này (cũng như các đột biến sao chép intragenic nhiều hơn) làm tăng nguy cơ viêm da cơ địa nặng hơn và nồng độ IgE cao hơn. Các đột biến Filaggrin cũng liên quan đến dị ứng đậu phộng và hen suyễn, ngay cả khi không bị viêm da cơ địa.
Điều trị viêm da cơ địa
- Chăm sóc hỗ trợ: bao gồm tư vấn về cách chăm sóc da phù hợp và tránh các yếu tố gây kích thích.
- Chống ngứa
- Corticosteroid tại chỗ
- Các thuốc ức chế calcineurin bôi tại chỗ
- Crisaborole bôi tại chỗ
- Thuốc ức chế Janus kinase (JAK) dạng bôi (ví dụ: ruxolitinib)
- Quang trị liệu, đặc biệt là tia cực tím dải hẹp B
- Thuốc ức chế miễn dịch toàn thân
- Thuốc sinh học đường toàn thân
- Điều trị bội nhiễm
Điều trị viêm da cơ địa hiệu quả nhất khi giải quyết các quá trình sinh lý bệnh tiềm ẩn. Tư vấn về cách chăm sóc da phù hợp và tránh các tác nhân gây khởi phát giúp bệnh nhân giải quyết các khiếm khuyết bên dưới của hàng rào da. Gãi các tổn thương ngứa thường làm tăng ngứa và do đó gãi nhiều hơn. Phá vỡ chu kỳ ngứa-gãi có vai trò quan trọng.
Các đợt bùng phát viêm có thể được hạn chế bằng thuốc ức chế miễn dịch tại chỗ, đèn chiếu, và nếu cần, thuốc ức chế miễn dịch toàn thân.
Hầu hết tất cả các bệnh nhân bị viêm da cơ địa đều có thể điều trị ngoại trú, nhưng những bệnh nhân bị bội nhiễm nặng hoặc có chứng đỏ da có thể phải nhập viện.
Chăm sóc hỗ trợ
Chăm sóc da toàn thân nên tập trung vào các nguồn gây kích ứng da phổ biến nhất – rửa quá nhiều cũng như dùng xà phòng mạnh:
- Hạn chế tần suất và thời gian tắm rửa: chỉ nên dùng vòi hoa sen, bồn tắm một lần mỗi ngày; có thể thay bồn tắm bằng bọt biển để giảm số ngày tắm toàn thân).
- Giới hạn nhiệt độ nước tắm ở mức ấm.
- Tránh chà xát quá mạnh và thay vào đó vỗ nhẹ cho da khô sau khi tắm sen hoặc tắm bồn.
- Bôi kem dưỡng ẩm: thuốc mỡ hoặc kem – các sản phẩm có chứa ceramide đặc biệt hiệu quả.
- Đối với bội nhiễm da (ví dụ, khi đóng vảy màu vàng gợi ý bệnh chốc lở): tắm bằng thuốc tẩy pha loãng.