Cách chăm sóc da khi bị viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là bệnh da phổ biến nhất, đặc biệt trong thời kỳ thơ ấu. Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa và hay tái phát. Chăm sóc da khi bị viêm da cơ địa là một quá trình quan trọng để giảm thiểu các triệu chứng khó chịu và duy trì làn da khỏe mạnh. Với sự nhạy cảm và dễ bị kích thích của làn da trong tình trạng này, việc áp dụng đúng các phương pháp chăm sóc là cực kỳ quan trọng.
Những điều cần biết về viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa là dạng bệnh đặc trưng với dấu hiệu xuất hiện các mảng da viêm đỏ, bong vảy, ngứa dữ dội, có khi da viêm đỏ rỉ dịch. Bệnh còn được gọi là chàm thể tạng, bệnh này khi xuất hiện ở trẻ em còn gọi là chàm sữa hay lác sữa. Hành động gãi khiến da trầy xước, nhiễm trùng da và tăng đợt ngứa nhiều hơn.
Hình ảnh viêm da cơ địa
Triệu chứng viêm da cơ địa
Triệu chứng bệnh viêm da cơ địa rất điển hình là da viêm đỏ, tróc vảy, chảy dịch, dày sừng, nứt nẻ, ngứa râm ran hay ngứa dữ dội. Triệu chứng bệnh khác nhau vào từng độ tuổi và giai đoạn bệnh.
- Ở trẻ sơ sinh (0-30 ngày đầu chào đời) và nhũ nhi (1-12 tháng tuổi): 2 bên má, quanh miệng, trán, thân mình, cổ, bẹn, các kẽ da (nếp da) có ban đỏ, tróc vảy, nhiều mụn nước nhỏ vỡ ra chảy dịch gây viêm trợt. Vết loét đóng vảy, khô, có thể bị nhiễm vi khuẩn. Ở một số bệnh nhi còn có dấu hiệu đi kèm khác như: tiêu chảy, viêm tai giữa. Bệnh làm trẻ mất ngủ, quấy khóc.
- Ở trẻ em (2-12 tuổi): da khô ráp, nứt nẻ, ngứa ở vùng da sau đầu gối, trên đầu gối, khuỷu tay, các nếp da (kẽ da),… Ở vùng da ngứa hình thành mảng lichen hóa dạng đĩa. Trẻ bị bệnh thường kèm với tình trạng đục thủy tinh thể, viêm kết mạc dị ứng.
- Ở người trưởng thành: ở giai đoạn cấp tính, người bệnh xuất hiện nhiều ban đỏ, bề mặt da có mụn nước nhỏ, nông, chảy dịch gây phù nề, vảy tiết. Vùng da tổn thương thấy ngứa, nóng rát và sưng đau. Da khô sần sùi kéo dài dai dẳng. Khi bệnh ở dạng mạn tính thì da tổn thương trở nên thâm sạm, dày sừng, nứt nẻ, ngứa âm ỉ đến dữ dội.
Biến chứng có thể gặp nếu viêm da cơ địa không được điều trị kịp thời:
Nhiễm trùng: Bệnh nhân có thể bội nhiễm virus herpes, vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu. Một số trường hợp bội nhiễm tổn thương da tại chỗ không được điều trị kịp thời có thể gây nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận…
Cách chăm sóc da khi bị viêm da cơ địa
Đối với bệnh nhân mắc viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm, việc chăm sóc da hàng ngày luôn cần thiết ngay cả khi không có tổn thương da. Sau đây là những lời khuyên về việc vệ sinh và dưỡng ẩm da ở bệnh nhân viêm da cơ địa.
- Vệ sinh da
Việc tắm và làm sạch da ít nhất một lần một ngày là rất quan trọng giúp bệnh nhân bị viêm da cơ địa hạn chế tình trạng viêm da. Tắm giúp duy trì làn da sạch sẽ, loại bỏ các tác nhân bên ngoài có thể khởi phát tình trạng viêm. Khi người bệnh đang có tổn thương viêm, tắm giúp loại bỏ các vảy tiết, đặc biệt khi có bội nhiễm vi khuẩn.
- Lựa chọn sữa tắm phù hợp
Sữa tắm không có xà phòng với công thức giảm kích ứng và giảm dị nguyên được khuyến cáo sử dụng ở bệnh nhân viêm da cơ địa (các sản phẩm làm sạch tổng hợp dạng nước không xà phòng được khuyến cáo)
Việc sử dụng sữa tắm có chứa thành phần kháng khuẩn là không cần thiết. Thực tế, các chất kháng khuẩn thường có tác dụng trong thời gian rất ngắn và hạn chế.
- Thời gian tắm – nhiệt độ nước
Tắm nhanh (khoảng 5 phút) với nước không quá nóng được khuyến cáo ở bệnh nhân viêm da cơ địa.
- Tầm quan trọng của dưỡng ẩm da
Khô da là triệu chứng đặc trưng của viêm da cơ địa. Do đó việc dùng các loại dưỡng ẩm là hết sức quan trọng. Thực tế, dưỡng ẩm da được coi là phương pháp điều trị nền trong viêm da cơ địa. Nhiều nghiên cứu cho thấy việc dưỡng ẩm da giúp hạn chế sự tái phát các tổn thương cũng như giảm việc sử dụng corticosteroid bôi ngoài da ở người bệnh viêm da cơ địa nhẹ đến trung bình.
- Thời điểm bôi kem dưỡng ẩm
Bệnh nhân bị viêm da cơ địa được khuyến cáo bôi dưỡng ẩm da toàn thân, khi da còn đang ẩm ngay sau khi tắm.
- Bôi dưỡng ẩm đủ số lượng
Bôi dưỡng ẩm với đủ lượng là rất cần thiết với người bệnh viêm da cơ địa để đảm bảo giữ ẩm da. Thông thường một lượng dưỡng ẩm tương đương với một đốt ngón tay là đủ để làm ẩm với diện tích da tương ứng với hai lòng bàn tay..
Những lưu ý trong việc chăm sóc da
Trong chế độ ăn uống, người bị viêm da cơ địa cần hạn chế các loại thực phẩm sau:
- Các loại thịt đỏ: Đây là loại thực phẩm đến từ động vật, rất giàu dinh dưỡng và đặc biệt tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nguyên nhân phải hạn chế thịt bò do 80% người bị viêm da cơ địa có liên quan tới thức ăn, thì phần lớn trong đó là có dị ứng với thịt bò.
- Sữa và các loại sản phẩm từ sữa: Đối với sữa động vật và các sản phẩm của nó như bơ, phomai, sữa chua,… đây là nhóm thực phẩm chứa nguồn chất béo bão hòa phong phú có thể kích phát bệnh, gây dị ứng, ngứa và khó chịu cho một số người bị viêm da cơ địa.
- Hải sản: Các loại hải sản như tôm, cua, ghẹ, mực,… được rất nhiều người ưa chuộng bởi đây là nhóm thực phẩm giàu dưỡng chất, có lợi cho sức khỏe và đặc biệt trong đó là protein. Tuy nhiên, trong loại thực phẩm này lại có nhiều thành phần protein lạ có thể khiến người bệnh rất dễ bị dị ứng, kích thích cơ thể sản sinh ra histamin gây kích ứng da và ngứa ngáy.
- Thực phẩm giàu tinh bột và đường: Thực phẩm chứa nhiều tinh bột và đường là những tác nhân có thể làm nặng hơn các triệu chứng viêm da cơ địa, đặc biệt là các nhóm đường hóa học. Người bệnh nên thay thế các loại thực phẩm giàu tinh bột như mì, bánh bằng các loại hạt ngũ cốc và hạn chế sử dụng các sản phẩm này khi đang bị viêm da cơ địa.
- Đồ ăn, gia vị cay nóng, nhiều dầu mỡ: Những món ăn này gây suy giảm chức năng đào thải các chất độc hại, ảnh hưởng tới cơ quan dạ dày, làm cơ thể tích độc tố và phát ra ngoài bề mặt da. Ngoài ra, nó còn làm tăng nguy cơ các bệnh về tim mạch, béo phì. Vì vậy, nên hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày.
- Trứng: Các dưỡng chất trong trứng quá lớn có thể khiến tình trạng ngứa ngáy, mưng mủ trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng xấu đến tình trạng của da.
- Các loại thực phẩm lên men: Các loại thực phẩm lên men như kim chi, cải chua, dưa muối,… là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người nhưng đối với những người bị viêm da cơ địa, nó rất dễ gây viêm nhiễm,…
- Rượu bia và các chất kích thích: Các loại đồ uống có cồn như rượu, bia, nước ngọt và các chất kích thích như cà phê, thuốc lá làm suy giảm hệ miễn dịch và có thể khiến cơ thể tích tụ lượng lớn độc tố khó có thể đào thải.
Trong sinh hoạt hằng ngày:
- Không tắm nước quá nóng hoặc nước quá lạnh: Các chuyên gia cho rằng nhiệt độ ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng da. Vì thế, khi tắm, nhiệt độ nước tắm cũng có thể ảnh hưởng xấu đến tình trạng viêm da cơ địa, nước quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến da khô, mất nước và kích ứng vùng da đã bị tổn thương.
- Tránh xa các loại hóa chất: Người bị viêm da cơ địa nên bổ sung các loại kem dưỡng ẩm phù hợp để giúp cho da tránh bị khô và bong tróc. Nên tìm hiểu các loại kem dưỡng ẩm phù hợp với làn da và tránh tiếp xúc với các sản phẩm tẩy rửa mạnh như thuốc tẩy, nước rửa chén, bột giặt,… các sản phẩm chăm sóc da có mùi thơm và một số thành phần phẩm màu trong thời gian điều trị viêm da cơ địa. Với trường hợp sử dụng mỹ phẩm có thành phần kém chất lượng hoặc chứa những thành phần kích ứng mạnh, bệnh nhân thậm chí có thể bị nhiễm trùng da.
- Kiêng gãi nhiều: Người mắc viêm da cơ địa không thể tránh khỏi những cơn ngứa ngáy khó chịu. Tuy vậy, khi dùng tay gãi, tiếp xúc mạnh sẽ khiến những vùng da bị tổn thương, khiến nguy cơ nhiễm trùng càng thêm tồi tệ. Vì thế, người bệnh không nên gãi và làm xây xát vùng da bị viêm da cơ địa để tránh tình trạng vết thương trở nên nặng nề hơn.
Viêm da cơ địa không nên gãi nhiều
Hi vọng với các chia sẻ trên có thể giúp các bạn hiểu hơn về viêm da cơ địa và cách chăm sóc da bị viêm da cơ địa.