Các giai đoạn của bệnh viêm tai giữa
Viêm tai giữa, bệnh lý nhiều người lầm tưởng ít nghiêm trọng nhưng có thể để lại di chứng suốt đời. Viêm tai giữa xảy ra ở mọi độ tuổi song phổ biến hơn ở trẻ từ 6-36 tháng tuổi. Cùng tìm hiểu các giai đoạn viêm tai giữa, biến chứng và biện pháp phòng ngừa viêm tai giữa.
Viêm tai giữa là gì?
Cấu tạo tai của con người được chia làm 3 phần gồm tai ngoài, tai giữa và tai trong.
Phía bên trong tai còn có một ống nối tai giữa với cổ họng, được biết đến với tên gọi là vòi nhĩ hay ống eustache. Vòi nhĩ thực hiện các chức năng:
- Tai giữa với chức năng thông hơi giúp cân bằng áp suất không khí ở trong và ngoài tai. Khi viêm tai giữa người bệnh thường mất đi sự thăng bằng này và được biểu hiện ra ngoài là hiện tượng hay nghiêng đầu sang một bên. Điều này càng được thấy rõ khi trẻ nhỏ mắc viêm tai giữa.
- Bảo vệ và ngăn chặn dịch từ mũi và họng chảy vào tai giữa và tránh áp lực âm thanh dồn vào tai.
- Vùng tai giữa sẽ xử lý làm tiêu dịch từ tai giữa chảy về họng.
Viêm tai giữa là tình trạng tai giữa (khu vực phía sau màng nhĩ) bị nhiễm trùng gây sưng, đau, sốt, chảy dịch. Viêm tai giữa có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi song phổ biến nhất là trẻ em từ 6-36 tháng tuổi do cấu trúc tai chưa phát triển hoàn chỉnh, miễn dịch yếu.
Tùy vào mức độ nhiễm trùng, viêm tai giữa thường được chia thành các loại bao gồm:
- Viêm tai giữa cấp tính : Thường là một biến chứng của rối loạn chức năng vòi nhĩ xảy ra trong một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus.
- Viêm tai giữa mạn tính :Là tình trạng viêm tai giữa dai dẳng, bị chảy mủ lâu ngày qua lỗ thủng màng nhĩ (thường trên 12 tuần).
- Viêm tai giữa ứ dịch: Là tình trạng niêm mạc của tai giữa bị viêm và tiết dịch, nhưng dịch này không chảy ra ngoài tai mà bị ứ lại phía sau màng tai. Dịch ứ có thể là ở dạng thanh dịch, dịch nhầy hoặc keo dính.
Các giai đoạn của viêm tai giữa
Viêm tai giữa cấp có 3 giai đoạn: Giai đoạn xung huyết, giai đoạn ứ mủ, giai đoạn vỡ mủ.
Giai đoạn xung huyết
- Triệu chứng: Sốt, đau tai, ù tai, nghe kém.
- Khám thể điển hình là xung huyết toàn bộ màng nhĩ, thành ống tai xung huyết đỏ, thấy rõ các mạch máu. Thể không điển hình có thể thấy sung huyết khu trú ở vùng cán búa hoặc dọc theo cán búa, có thể chỉ thấy sung huyết ở vùng ngoại vi của màng nhĩ. Trong hòm nhĩ không có mủ.
Giai đoạn ứ mủ
- Triệu chứng:
- Trẻ bị viêm mũi họng, sốt, chảy mũi, ho.
- Ở trẻ nhỏ thường kèm theo rối loạn tiêu hóa: ỉa chảy, phân sống, nôn trớ. Đau tai rõ rệt làm trẻ quấy khóc, ngủ kém, bỏ bú.
- Đau tai: Chạm vào tai trẻ đau khóc thét.
- Khám thấy: Hòm nhĩ có mủ trắng đục một phần hoặc toàn bộ hòm nhĩ, tùy theo mức độ viêm mà có thể thấy màng nhĩ căng phồng, hình ảnh vú bò các mốc giải phẫu trên màng nhĩ không thể xác định được.
Giai đoạn vỡ mủ
- Triệu chứng: Các triệu chứng trên giảm đi nhanh chóng khi mủ được chảy ra, toàn trạng khá lên, giảm sốt, hết ỉa chảy, đau tai cũng giảm.
- Khám thấy: Màng tai dày ẩm, có lỗ thủng ở màng nhĩ, lỗ thủng thường nhỏ. Dịch tai lúc đầu loãng trong, màu vàng chanh, sau đặc dần thành mủ nhầy.
Các giai đoạn của viêm tai giữa
Biến chứng và tác động dài hạn của viêm tai giữa
- Nhiễm trùng tai: nếu không được chữa dứt điểm, tái phát nhiều lần có thể dẫn đến các biến chứng viêm tai giữa, ảnh hưởng đến khả năng nghe nặng hơn.
- Giảm thính giác: thời gian đầu bị bệnh, bạn có thể xuất hiện tình trạng mất thính lực nhẹ nhưng khi khỏi bệnh thì cũng thường tự biến mất theo. Tuy nhiên, nếu bạn để tình trạng nhiễm trùng tai lặp đi lặp lại, hoặc tai giữa nhiễm trùng tai nặng có mủ, có thể dẫn đến mất thính lực nghiêm trọng, tổn thương màng nhĩ và mất thính lực vĩnh viễn.
- Chậm nói hoặc chậm phát triển: trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi chẳng may bị viêm tai giữa thì suy giảm thính giác tạm thời hoặc vĩnh viễn, có thể cản trở quá trình chậm phản xạ, chậm nói.
- Thủng màng nhĩ: thường người bệnh khi bị thủng màng nhĩ sẽ lành trong vòng 72 giờ nhưng không ít trường hợp phải phẫu thuật khâu lại màng nhĩ.
- Viêm não hoặc màng não: nếu không điều trị nhiễm trùng hoặc tình trạng bệnh không cải thiện dù đã điều trị có thể gây nhiễm trùng xương chũm gọi là viêm xương chũm, hình thành các u nang chứa đầy mủ, thậm chí gây viêm màng não.
Cách phòng ngừa viêm tai giữa
Đối với người lớn
- Mỗi khi vệ sinh tai hãy chú ý thực hiện nhẹ nhàng, tránh chà xát mạnh làm tổn thương niêm mạc tai, nặng hơn là thủng màng nhĩ và gây viêm tai giữa.
- Không để nước bẩn vào trong tai (đặc biệt khi đi bơi và gội đầu).
- Nếu mắc các bệnh lý về mũi họng hãy điều trị triệt để.
Đối với trẻ em
- Thường xuyên vệ sinh tay cho trẻ và để các đồ vật không sạch sẽ cách xa tầm với của trẻ.
- Cho trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng thời gian.
- Khuyến khích cho con bú sữa mẹ bởi trong sữa mẹ có đề kháng giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa.
- Nếu cho trẻ bú bình hãy giữ trẻ ngồi thẳng và tránh cho bú khi đang nằm.
- Để trẻ tránh xa nơi có khói thuốc lá.
Vệ sinh tai đúng cách để phòng ngừa viêm tai giữa