Các loại bệnh về da do nấm thường gặp trên mặt
Bệnh nấm da mặt là một trong nhiều thể nhiễm nấm ở vùng thượng bì da, đặc trưng bởi ngứa, tổn thương thương là ban đỏ hình tròn, thường lành ở chính giữa và lan ra xung quanh. Mặc dù bệnh không nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến thẩm mỹ, gây mất tự tin trong giao tiếp và giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về tình trạng này.
Nguyên nhân mắc bệnh về da do nấm
Nấm trên da mặt là kết quả từ sự phát triển quá mức của các loại nấm men hoặc vi khuẩn trên da do:
- Môi trường ẩm ướt: Da mặt là một trong những khu vực dễ bị tổn thương trên cơ thể, đặc biệt là thời điểm mùa hè nóng bức hoặc sau khi tập thể dục, mồ hôi ra nhiều. Sự ẩm ướt này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm men phát triển gây nấm trên da mặt.
- Tiếp xúc với nấm từ môi trường bên ngoài: Tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật dụng, bề mặt hoặc người bị nhiễm nấm cũng có thể là nguyên nhân bị nấm trên da mặt. Điều này thường xảy ra khi dùng chung khăn tắm, quần áo, đồ dùng cá nhân với người khác hoặc tiếp xúc với các bề mặt công cộng như phòng tập gym, bể bơi,…
- Hệ miễn dịch: Hệ miễn dịch yếu cũng khiến cho cơ thể dễ bị nhiễm nấm trên da mặt vì khả năng chống lại các loại vi khuẩn và nấm men giảm sút.
- Sử dụng thuốc steroid: Dùng các loại kem steroid có thể khiến hệ miễn dịch của da bị suy giảm, tạo điều kiện cho sự phát triển của vi nấm trên da mặt. Đặc biệt, khi dùng kem chứa steroid trong một thời gian dài hoặc trên diện rộng, nguy cơ bị nấm da tương đối cao.
Các loại bệnh da do nấm thường gặp trên mặt
Các vị trí phổ biến nhất của bệnh nấm da mặt thường gặp phải bao gồm: Má, Mũi, Cằm, Trán.
Bệnh nhiễm trùng nấm da mặt thường xuất hiện dưới dạng một hoặc nhiều mảng vảy có màu hồng đến đỏ, kích thước từ 1 đến 5 cm. Bờ của vùng da bị ảnh hưởng có thể nổi lên và có các mụn nước hoặc vảy, vùng da ở giữa thường lành Đặc trưng của bệnh bệnh nấm da mặt là thường xuất hiện ngứa, tổn thương ban đỏ hình tròn với vùng da lành ở chính giữa. Nấm da mặt có thể gây ngứa, và có thể bị nặng hơn sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Các bệnh nấm da mặt thường gặp đó là:
Lang ben
Lang ben do nấm Pityrosporum gây nên, thường có hai dạng: dạng màu trắng và dạng màu đen. Bệnh gây ngứa, nhất là khi ra nắng hay da tiết nhiều mồ hôi. Lúc này, bệnh nhân có cảm giác bị kim chích nhẹ gây ngứa ngáy khó chịu. Bệnh lang ben tùy thuộc khá nhiều vào việc vệ sinh da, sức đề kháng, độ pH của da và cả độ ẩm của da. Một số trường hợp trong cùng một gia đình có người mắc bệnh lang ben nhưng người thân khác lại không mắc.
Điển hình là nấm gây bệnh hắc lào với dấu hiệu đầu tiên là ngứa vùng bị bệnh, sau đó sẽ thấy một vệt màu hơi đỏ, có viền và bờ rõ rệt, trên viền có các mụn nước lấm tấm. Viền nấm có xu hướng ngày càng lan rộng tạo thành nhiều hình vòng cung nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Khi người bệnh ngứa, gãi sẽ làm lây lan ra nhiều vùng hắc lào trên cơ thể mình. Bệnh hắc lào là một trong những bệnh da liễu có khả năng lây truyền từ người này sang người khác, thường do sử dụng chung các đồ dùng sinh hoạt như dùng chung quần áo, khăn mặt – khăn tắm, ngủ cùng giường, đắp cùng chăn…
Phương pháp điều trị bệnh da do nấm
Dùng kem chống nấm
Kem chống nấm là phương pháp điều trị nấm da mặt phổ biến. Các loại kem này thường chứa thành phần kháng nấm như: clotrimazole, miconazole, ketoconazole,… giúp ngăn chặn sự phát triển của nấm và làm giảm triệu chứng nấm da như đỏ, ngứa, nứt nẻ,…
Kem chống nấm thường được điều trị kết hợp với các biện pháp khác như dùng thuốc uống kháng nấm để đạt được hiệu quả tối ưu. Trong quá trình dùng thuốc cần theo dõi tiến triển của bệnh để đánh giá hiệu quả điều trị và có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Thuốc uống kháng nấm
Trong những trường hợp nặng hoặc phạm vi nấm da mặt lan rộng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc uống kháng nấm chứa thành như fluconazole hoặc itraconazole,… Việc dùng các loại thuốc uống này cần có sự chỉ định từ bác sĩ và thực hiện đúng chỉ định để tránh nguy cơ gặp phải tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, chóng mặt,…
Chăm sóc da và phòng ngừa lây nhiễm
- Vệ sinh da hàng ngày: Việc duy trì vệ sinh da hàng ngày là rất quan trọng trong quá trình điều trị nấm trên da mặt. Quy trình này kết hợp với các phương pháp điều trị ở trên giúp việc loại bỏ nấm trở nên tối ưu.
Vệ sinh da mặt nên được thực hiện 2 lần/ngày bằng sữa rửa mặt phù hợp với da sau đó dùng khăn bông mềm thấm khô. Không nên dùng các loại kem dưỡng da chứa thành phần tẩy rửa mạnh dễ gây kích ứng da, tạo điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của vi nấm.
- Tránh tiếp xúc với người bị nhiễm nấm: Để ngăn chặn sự lây lan của nấm trên da mặt, hãy hạn chế tiếp xúc với người bị nấm và không dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn tắm, quần áo,… với bất kỳ ai.
Ngoài ra, trong quá trình điều trị, người bệnh cần dùng đúng thuốc theo đơn của bác sĩ, không lạm dụng các loại kem bôi có chứa corticoid có thể làm tăng nguy cơ bị nấm trên da mặt.
Phòng ngừa bệnh da do nấm
Để tránh bị nấm trên da mặt và ngăn ngừa lây nhiễm bệnh cho người khác, việc duy trì các biện pháp phòng ngừa sau có vai trò rất quan trọng:
- Duy trì vệ sinh da hàng ngày: Đảm bảo vệ sinh da mặt sạch và lau khô kỹ để loại bỏ mồ hôi trên da. Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển nấm.
- Tránh dùng chung đồ dùng cá nhân: Hạn chế việc dùng chung các vật dụng cá nhân như khăn tắm, quần áo, khăn mặt,… để không bị lây nhiễm và ngăn ngừa lây nhiễm nấm từ người này sang người khác.
- Dùng các sản phẩm kháng nấm: Sử dụng các sản phẩm chăm sóc da chứa thành phần kháng nấm có thể giúp ngăn chặn sự phát triển của nấm trên da mặt. Tránh sử dụng các sản phẩm chăm sóc da gây kích ứng để tránh khiến tình trạng trở nên trầm trọng hơn.
- Tránh những thực phẩm cay và gây kích ứng như ớt, tỏi.
- Thay vỏ gối, chăn ga ít nhất 1 tuần/lần và phơi khô đúng cách dưới ánh nắng mặt trời.
- Vì nhiễm nấm chủ yếu là do khả năng miễn dịch và sức đề kháng của cơ thể người bệnh kém nên bạn có thể tăng cường tập luyện ngoài trời một cách hợp lý tùy theo thể trạng của bản thân như chạy bộ, đạp xe,… và ăn nhiều trái cây và rau quả tươi hơn, chẳng hạn như cam, chanh, táo, cà chua,… để giúp tăng cường sức đề kháng.
Tóm lại, nấm trên da mặt không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin khi giao tiếp. Hãy đến các chuyên khoa da liễu để được khám và điều trị kịp thời, giúp da sớm hồi phục.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.