Các loại viêm gân thường gặp và cách xử trí
Viêm gân là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến giảm vận động cho các chi. Viêm gân thường gặp ở những vận động viên hoặc những người thường xuyên vận động, luyện tập thể thao. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu triệu chứng viêm gân, các loại viêm gân như viêm gân Achilles, viêm gân khuỷu tay, viêm gân vai nhé!
Viêm gân có những triệu chứng gì?
- Đau tại các vị trí gân bị viêm: đau liên tục cả ngày, đêm khu trú tại một vị trí, ít khi lan ra xa, đau tăng lên khi ấn vào hoặc khi vận động. Dùng tay, sờ dọc vào gân bị viêm sẽ cảm nhận được các mức độ đau khác nhau
- Hạn chế vận động vùng tổn thương.
- Có cảm giác nứt hoặc ma sát khi cử động khớp.
- Bị căng cứng khớp hay gân do sưng vùng bị viêm.
- Vùng gân bị viêm thì các mô mềm xung quanh có dấu hiệu sưng, đau, nóng, đỏ và có thể tụ dịch (thay đổi màu sắc da vùng bị tổn thương).
- Có khối u và nốt sần trên gân.
Những triệu chứng này có thể kéo dài nhiều ngày, nhiều tuần và thậm chí nhiều tháng. Nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng , gây trở ngại khi cử động.
Các loại viêm gân thường gặp (viêm gân Achilles, viêm gân khuỷu tay, viêm gân vai)
Viêm gân thường xảy ra ở những vùng như khớp vai, khớp khuỷu, cổ tay và vùng gót chân với những triệu chứng khác nhau tại mỗi vùng, có ba loại thường gặp:
- Viêm gân Achilles:
- Nguyên nhân gây viêm Achilles: do sự quá tải về lực, trọng lực trực tiếp lên gân – có thể thấy ở những người chơi thể thao có di chuyển với tốc độ cao dẫn đến các vi chấn thương tại vùng gót chân làm giảm lượng máu nuôi dưỡng vùng gót chân dẫn đến tình trạng viêm
- Tổn thương gân này thường do bắt đầu di chuyển một cách đột ngột với động tác đẩy mũi bàn chân và nhấc chân di chuyển nhanh để tăng tốc hay chạy nước rút khi về đích hoặc do đổi hướng di chuyển đột ngột.
- Triệu chứng:
- Biểu hiện đầu tiên là đau rát bỏng hay đau cứng phần thấp bắp chân sau vào buổi sáng
- Đau nhói vùng gót chân khi đứng và giảm dần khi đi lại. Khi tình trạng nặng hơn thì thì mức độ đau tăng lên và đau cả khi đi lại.
- Viêm gân khuỷu tay:
- Nguyên nhân chủ yếu thường do chuyển động lặp đi lặp lại của cổ tay và cánh tay. Điều này làm cho các gân của cơ cẳng tay cọ sát vào mỏm xương bên ngoài khuỷu, phổ biến ở người chơi tennis.
- Triệu chứng:
- Triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng này là đau nhức bên ngoài khuỷu tay
- Theo thời gian, cơn đau trở nên liên tục hơn, lan dần đến cẳng và cổ tay người bệnh
- Triệu chứng đau sẽ xuất hiện khi bị chạm vào hoặc cử động quá mạnh dẫn đến kéo gân cổ tay, có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên
- Triệu chứng đau sẽ tay khi thực hiện các hoạt động như bắt tay hoặc nắm chặt vật thể, xoay nắm cửa, cầm tách cà phê hoặc nâng bê vật nặng lên….
- Viêm gân vai:
- Nguyên nhân:
- Gân vai bị chèn ép nên dẫn đến tổn thương thường xảy ra nhiều ở những vận động viên, thường xuyên luyện tập thể thao với cường độ nặng. Đặc biệt là ở những vận động viên sử dụng sức mạnh tay và vai liên tục. Ví dụ như vận động viên cầu lông, tennis, bơi lội, bắn cung, chèo thuyền…
- Những người hoạt động sai tư thế gây áp lực lớn lên khớp vai cũng dễ dẫn đến viêm gân vai
- Sự thoái hóa, lão hóa hoặc vôi hóa xương ở những người từ 40 tuổi trở lên
- Triệu chứng:
- Căng cứng ở vai dẫn đến thực hiện các động tác xoay, dạng khớp vai một cách hạn chế.
- Đau nhức ở vị trí vai trước và cánh tay
- Đau nhức khi vận động cánh tay
- Xuất hiện những cơn đau đột ngột và dữ dội khiến người bệnh không ngủ được
- Vị trí viêm gân mềm và có sưng nhẹ, nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ
- Có tiếng lách cách ở vai khi hoạt động
- Sức mạnh ở vai bị suy yếu rõ rệt, một số trường hợp nghiêm trọng còn bị mất khả năng vận động vai
- Thường xuyên xuất hiện những cơn đau kéo dài.
- Nguyên nhân:
Cách điều trị viêm gân
Các cách điều trị viêm gân phổ biến:
- Cách xử trí tại nhà: khi gặp những chấn thương gây ra tổn thương vùng gân thì người bệnh nên xử trí:
- Chườm lạnh để giảm đau và sưng viêm cấp tính: dùng túi đựng đá hoặc nếu không có túi thì dùng khăn chườm vào vị trí gân bị viêm 3-4 lần/ngày. Thời gian mỗi lần chườm tối đa 2 phút, không nên chườm quá lâu làm nặng thêm tình trạng viêm gân. Lưu ý không được chườm đá trực tiếp vì có thể gây bỏng lạnh.
- Chườm ấm dùng trong trường hợp viêm gân mãn tính
- Nghỉ ngơi tại chỗ, tránh vận động mạnh và đột ngột: giúp gân bị viêm có thời gian hồi phục tổn thương
- Có thể kê cao chân để làm giảm tình trạng viêm
- Điều trị nội khoa
- Sử dụng các thuốc để giảm triệu chứng như:
- Giảm đau, kháng viêm : sử dụng thuốc giảm đau như paracetamol. Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) giúp giảm đau, giảm viêm và sưng.Thuốc kháng viêm dạng gel thoa ngoài da
- Corticoid: tiêm trực tiếp vào vùng gân tổn thương có thể giúp giảm đau nhanh. Lưu ý không được tiêm vào gân có thể gây yếu hoặc đứt gân. Khớp tiêm nên được nghỉ ngơi trong 24 – 48 giờ để giảm nguy cơ đứt gân.
- Huyết tương giàu tiểu cầu: giảm đau mạn tính
- Vật lý trị liệu:
- Các phương pháp vật lý trị liệu như chườm nóng, tia hồng ngoại, điện xung, kỹ thuật massage tay, luyện tập các bài tập phù hợp, nâng cao sức mạnh của hệ xương khớp… sử dụng cho các trường hợp viêm gân mãn tính mức độ nhẹ đến trung bình.
- Phương pháp chữa trị này được xem là an toàn và hiệu quả với tình trạng viêm gân mạn tính không đáp ứng những biện pháp điều trị khác.
- Điều trị ngoại khoa:
- Phẫu thuật: là phương pháp cuối cùng điều trị viêm gân nếu bệnh nhân không đáp ứng với điều trị bảo tồn và vật lý trị liệu, thường chỉ định trong trường hợp gân bị dính làm cản trở hoạt động
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.