Các triệu chứng nặng của rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu là một cụm từ dùng để biểu đạt chứng rối loạn cảm xúc với các triệu chứng khó chịu và lo sợ mơ hồ, vã mồ hôi, đau đầu, khô miệng, bứt rứt, siết chặt ở ngực, khó chịu vùng thượng vị, bồn chồn không thể đứng yên hay ngồi yên một chỗ. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh lý này.
Nguyên nhân rối loạn lo âu
Rối loạn lo âu thường khó để xác định rõ nguyên nhân nhưng những yếu tố sau cũng làm gia tăng nguy cơ bị bệnh:
- Do tâm lý: tính cách dễ bị lo âu hoặc sang chấn tâm lý từ nhỏ;
- Do di truyền: nếu trong gia đình có người bị mắc các bệnh tâm lý thì thế hệ sau cũng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng;
- Do môi trường, xã hội: căng thẳng, stress kéo dài từ công việc, môi trường sống, gia đình,…
- Do yếu tố về thần kinh.
Stress kéo dài là 1 trong những nguyên nhân gây rối loạn lo âu
Các triệu chứng nặng của bệnh rối loạn lo âu
Triệu chứng rối loạn lo âu thường gặp là sợ hãi hoặc lo lắng quá mức. Rối loạn lo âu cũng có thể gây khó thở, ngủ, khó có thể đứng yên và tập trung. Mỗi dạng rối loạn lo âu sẽ có những triệu chứng riêng. Thông thường, các dấu hiệu của rối loạn lo âu giai đoạn nặng bao gồm:
- Có thể xuất hiện các cơn hoảng loạn kèm theo những biểu hiện như tim nhanh, đánh trống ngực, cảm giác khó thở, đau ngực,…
- Cảm thấy chán nản, lo lắng quá mức, không muốn làm bất cứ điều gì
- Một số bệnh nhân có xu hướng sử dụng rượu bia hoặc chất kích thích
- Người mắc lo âu giai đoạn nặng thường khó đi vào giấc ngủ hoặc không duy trì được giấc ngủ, kèm theo cảm giác không yên hoặc ngủ không thoải mái
- Bồn chồn, khó đứng yên hoặc ngồi yên một chỗ
- Giảm khả năng tập trung, cuộc sống và công việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng
- Khó giữ bình tĩnh
- Những bệnh nhân rối loạn lo âu thường có cảm giác khó chịu vùng dạ dày, đau dạ dày, táo bón, tiêu chảy hoặc các khó chịu khác của hệ tiêu hóa.
- Đau cơ, căng cơ: Đây cũng là một phản ứng của cơ thể để đối phó với stress. Có nhiều bệnh nhân rối loạn lo âu than phiền rằng có cảm giác đau căng vùng cổ, vai, gáy, cảm giác hơi cứng hàm, đau đầu.
- Đôi khi một số bệnh nhân có thể xuất hiện suy nghĩ hoặc hành vi tự tử
Bệnh nhân rối loạn lo âu có triệu chứng gì?
Thuốc điều trị bệnh rối loạn lo âu
Hiện nay có nhiều lựa chọn điều trị khác nhau cho chứng rối loạn lo âu, hai phương pháp điều trị phổ biến nhất là:
- Tâm lý trị liệu
- Sử dụng thuốc điều trị: lưu ý dùng theo chỉ định của bác sĩ.
Một vài loại thuốc mà người rối loạn lo âu có thể tham khảo như:
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI) là loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng khá thường xuyên để điều trị các triệu chứng lo lắng. Thuốc hoạt động bằng cách tăng serotonin trong não, giúp điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ và mức năng lượng cơ thể.
Các thuốc SSRI phổ biến là escitalopram, sertraline, fluoxetine… Quá trình sử dụng thuốc có thể mất từ 4 đến 6 tuần để đạt được hiệu quả. Bên cạnh đó trong quá trình dùng thuốc, người bệnh cũng có thể gặp phải một vài tác dụng phụ như: buồn ngủ, buồn nôn, mất ngủ, rối loạn cương dương và chóng mặt. Do đó, trước khi sử dụng thuốc nên có sự chỉ định của bác sĩ chuyên môn.
Thuốc chống trầm cảm ba vòng
Thuốc chống trầm cảm ba vòng là một nhóm thuốc chống trầm cảm khác mà thường được chỉ định trong điều trị các triệu chứng của rối loạn lo âu. Cũng như thuốc ức chế tái hấp thu serotonin, thuốc trầm cảm ba vòng thường có tác dụng chậm, trung bình sẽ mất từ 4 đến 12 tuần để có hiệu lực. Trong quá trình người bệnh sử dụng có thể đối diện với một vài tác dụng phụ như: chóng mặt, khô miệng, táo bón, mất ngủ và tăng cân nhanh chóng. Vì thế người bệnh cần cẩn trọng khi sử dụng thuốc.
Thuốc Benzodiazepines
Benzodiazepines là một nhóm thuốc thường được kê đơn với tác dụng chống lo âu và an thần. Thuốc hoạt động theo cơ chế gây ra trạng thái thư giãn bằng cách ảnh hưởng đến các thụ thể gamma-aminobutyric acid (GABA) của não, dẫn đến hệ thống thần kinh trung ương hoạt động chậm lại.
Ngoài dùng trong điều trị chứng rối loạn lo âu, thuốc cũng được kê đơn để điều trị chứng mất ngủ, co thắt cơ, cũng như các cơn hoảng sợ và lo lắng. Khi dùng thuốc sẽ giúp mang đến hiệu quả từ từ nhưng khá an toàn cho người bệnh. Dù vậy bệnh nhân cũng chỉ nên dùng khi đã được thăm khám và có chỉ định của bác sĩ.
Thuốc chẹn Beta
Thường được sử dụng để điều trị huyết áp cao hay các triệu chứng thể chất của lo âu cấp tính, như nhịp tim nhanh và tức ngực. Tuy nhiên, việc dùng thuốc không giúp bệnh nhân cải thiện được tình trạng lo lắng, hoảng sợ ở bệnh nhân.
Chất ức chế monoamine oxidase
Giống như hầu hết các loại thuốc chống trầm cảm, monoamine oxidase hoạt động bằng cách cân bằng chất dẫn truyền thần kinh não để giúp cải thiện mức độ tâm trạng. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng thuốc người bệnh có thể gặp vấn đề về huyết áp. Điều này cần thật sự cân nhắc trong vấn đề dùng thuốc.
Tất cả những loại thuốc dùng trong điều trị rối loạn lo âu đều mang đến hiệu quả nhất định trong quá trình điều trị. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc người bệnh cần chắc chắn rằng bản thân đã được bác sĩ kiểm tra sức khỏe và chỉ định liều dùng.
Kết luận
Rối loạn lo âu không chỉ gây ra những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tổng thể của bạn. Tuy nhiên, với sự hiểu biết đúng đắn và phương pháp điều trị thích hợp, bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và vượt qua những triệu chứng này. Hãy nhớ rằng, việc chia sẻ những lo lắng và cảm giác của bạn với người thân, bạn bè, và đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa là rất quan trọng. Điều này không chỉ giúp bạn giảm bớt áp lực mà còn tạo ra một môi trường hỗ trợ vững chắc cho quá trình điều trị.