Cách chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh ung thư phổ biến hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Bệnh có thể được chữa khỏi nếu phát hiện bệnh sớm. Tuy nhiên phần lớn những người mắc bệnh không biết mình mắc bệnh do bệnh thường không có những dấu hiệu nổi bật. Hãy cùng tìm hiểu về dấu hiệu, nguyên nhân các chẩn đoán của ung thư cổ tử cung qua bài viết sau đây.
Dấu hiệu của bệnh ung thư cổ tử cung
Ở giai đoạn sớm, người bệnh ung thư cổ tư cung thường không có biểu hiện hay triệu chứng cụ thể. Khi bệnh ở giai đoạn tiến xa, các triệu chứng bắt đầu xuất hiện rõ hơn do khối u phát triển tại chỗ gây ảnh hưởng tới các cơ quan xung quanh, cũng như di căn xa tới các cơ quan khác trong cơ thể.
Chảy máu âm đạo bất thường
Ra máu âm đạo bất thường là một dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung.
Các triệu chứng chảy máu âm đạo thường gặp như:
- Chảy máu âm đạo sau khi quan hệ tình dục
- Chảy máu sau khi mãn kinh
- Chảy máu giữa các kỳ kinh
- Kinh nguyệt kéo dài
- Kinh nguyệt nhiều hơn bình thường
Chảy máu âm đạo bất thường có thể là dấu hiệu sớm của ung thư cổ tử cung
Tiết dịch âm đạo bất thường
Đây cũng là một trong các dấu hiệu cảnh báo sớm ung thư cổ tử cung. Các triệu chứng thường gặp như:
- Dịch tiết ra có thể chứa một ít máu, giữa chu kỳ kinh hoặc sau khi mãn kinh.
- Dịch tiết có mùi hôi.
- Dịch có màu khác thường (trắng, trong, dạng nước hoặc màu nâu).
Đau khi quan hệ tình dục
Đây cũng là một trong những dấu hiệu gợi ý ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm.
Đau vùng chậu
Đau vùng chậu không phải do ngồi sai tư thế, nằm hay đau không giải thích được có thể là triệu chứng của ung thư cổ tử cung. Cơn đau thường gặp ở vị trí gần ruột thừa hoặc ở vùng giữa của xương chậu. Đây có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung ở giai đoạn tiến xa (khi u chèn ép các cơ quan trong vùng chậu, di căn xương,…).
Phù chân
Phù chân không giải thích được có thể là một dấu hiệu ung thư cổ tử cung. Các tế bào ung thư di căn đến các hạch bạch huyết vùng chậu gây chèn ép đường dẫn lưu bạch huyết (còn được gọi là phù bạch huyết).
Chân sưng phù bất thường có thể do ung thư cổ tử cung
Các dấu hiệu khác như: Sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, chán ăn kéo dài, gãy xương do di căn xương, rối loạn đại-tiểu tiện do u phát triển gây chèn ép trực tràng-bàng quang,…
Nguyên nhân gây ra bệnh ung thư cổ tử cung
Nguyên nhân ung thư cổ tử cung đã được xác định rõ, đó là do âm đạo và cổ tử cung bị nhiễm trùng dai dẳng bởi virus thuộc họ virus gây u nhú ở người (HPV), lây truyền trong quá trình quan hệ tình dục. Có hơn một trăm loại (chủng) HPV (bao gồm cả những loại gây ra mụn cóc lành tính trên da). Các chủng HPV 16 và 18 là nguyên nhân của hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung, ngoài ra còn có các chủng HPV nguy cơ ung thư cổ tử cung khác như : 51, 58, 56, 39,…
HPV là loại virus gây ra ung thư cổ tử cung
Nhiễm trùng HPV rất phổ biến, quá trình nhiễm trùng này thay đổi từ người này sang người khác. Sau khi bị nhiễm, virus HPV thường bị hệ thống miễn dịch loại bỏ trong vòng vài tháng. Đôi khi hệ thống miễn dịch bị lỗi và nhiễm trùng tồn tại trong nhiều năm hoặc thậm chí suốt đời, gây ra các tổn thương tại cổ tử cung.
Hoạt động của HPV để biến đổi các tế bào của cổ tử cung có thể mất từ 5-10 năm, do đó, ung thư cổ tử cung là ung thư xuất hiện chậm, người bệnh có thể phát hiện sớm nếu thực hiện thăm khám, tầm soát định kỳ.
Một số nguyên nhân ung thư cổ tử cung làm tăng nguy cơ mắc bệnh bao gồm:
- Bắt đầu đời sống tình dục khi còn trẻ và có nhiều bạn tình (điều này làm tăng nguy cơ nhiễm nhiều chủng virus u nhú).
- Sự hiện diện của các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (nhiễm chlamydia, lậu, giang mai,...).
- Bỏ qua việc thực hiện tầm soát bệnh.
- Hút thuốc.
- Tuổi tác.
- Giảm khả năng phòng vệ miễn dịch do bệnh (ví dụ: HIV/AIDS) hoặc do điều trị (hóa trị ung thư, liệu pháp sinh học cho các bệnh tự miễn, điều trị chống thải ghép).
Có nhiều bạn tình làm tăng nguy cơ bệnh ung thư cổ tử cung
Phương pháp chẩn đoán bệnh ung thư cổ tử cung và điều trị ung thư cổ tử cung
- Chẩn đoán ung thư cổ tử cung
Các bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm Pap để phát hiện các tế bào bất thường ở cổ tử cung, từ đó có thể ngăn chặn các tế bào này phát triển thành ung thư. Ngoài ra cũng có thể kết hợp xét nghiệm HPV cùng lúc với xét nghiệm Pap để sàng lọc ung thư cổ tử cung và giúp bác sĩ theo dõi nếu phụ nữ có kết quả xét nghiệm Pap bất thường. Bên cạnh đó, các bác sĩ có thể tiến hành một số xét nghiệm chuyên sâu hơn để chẩn đoán ví dụ như sinh thiết.
Khi đã chẩn đoán được người bệnh bị mắc ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ đánh giá kích thước của ung thư và mức độ lan rộng của bệnh. Quá trình này có thể bao gồm các xét nghiệm sau:
- Khám phụ khoa (có thể bao gồm khám trực tràng): kiểm tra tử cung, buồng trứng và các cơ quan khác gần cổ tử cung.
- Nội soi bàng quang: Sử dụng ống soi bàng quang để nhìn vào bên trong bàng quang và niệu đạo.
- Nội soi đại tràng: toàn bộ đại tràng được kiểm tra bằng dụng cụ nội soi.
Khám phụ khoa để biết được bản thân có mắc ung thư cổ tử cung hay không
Hầu hết các loại ung thư đều có giai đoạn từ I đến IV. Con số càng thấp, ung thư càng lan rộng. Ung thư cổ tử cung ở giai đoạn 0 còn được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ (CIS). Trong giai đoạn 0, các tế bào ung thư chỉ hiện diện ở lớp trên cùng của cổ tử cung. Chúng không đi sâu vào các lớp của mô cổ tử cung hoặc các cơ quan khác. Các giai đoạn còn lại được gọi là ung thư xâm lấn. Trong các giai đoạn này, ung thư đã xâm lấn vào các lớp sâu hơn của cổ tử cung.
- Điều trị ung thư cổ tử cung
Để điều trị ung thư cổ tử cung có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật (cắt tử cung), xạ trị, hóa trị liệu (sử dụng thuốc diệt ung thư).
Tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp đối với người bệnh. Sau khi điều trị, bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung thường xuyên trong vài năm đầu để đảm bảo rằng tất cả các tế bào ung thư đã được loại bỏ.
Kết Luận
Ung thư cổ tử cung là một bệnh lý nghiêm trọng nhưng có thể phòng ngừa và chữa trị nếu phát hiện sớm. Việc hiểu rõ về các dấu hiệu và nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp chúng ta có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Hãy chủ động thăm khám và tầm soát định kỳ để bảo vệ sức khỏe của bản thân và người thân. Đừng ngại chia sẻ thông tin này với bạn bè và người thân để cùng nhau nâng cao nhận thức và đẩy lùi căn bệnh nguy hiểm này.