Cách điều trị hắc lào ở mặt không để lại sẹo
Hắc lào ở mặt là gì?
Hắc lào là một bệnh nấm da thường do nhiễm vi nấm thuộc nhóm nấm Dermatophytes. Thường gặp nhất là ba loại nấm Trichophyton, Microsporum, Epidermophyton.
Hắc lào ở mặt là vị trí dễ phát bệnh, dễ nhận biết và chịu nhiều ảnh hưởng nhất. Ban đầu, hắc lào sẽ xuất hiện dưới dạng các đốm đỏ tròn như đồng tiền. Các đốm lác đồng tiền có kích thước đa dạng, có viền ngoài ngăn cách với vùng da lành. Da tại vị trí tổn thương thường khô, đóng vảy, có cảm giác ngứa ngáy khó chịu.
Bệnh hắc lào không quá nguy hiểm, nhưng có khả năng lây lan rất nhanh nếu như không có biện pháp xử trí ngăn chặn sự phát triển của vi nấm. Ở trẻ em và phụ nữ, bệnh hắc lào trên mặt có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên khuôn mặt, vùng da dễ bị tổn thương nhất: trán, mũi, má, quanh mắt và cằm. Ở nam giới hắc lào ở mặt thường tập trung ở cổ và vùng râu mọc.
Bị hắc lào có để lại sẹo không?
Nếu người bệnh nghi ngờ mình bị hắc lào ở mặt với các triệu chứng điển hình như:
- Xuất hiện một hoặc nhiều mảng vảy có màu hồng đến đỏ, thường như hình đồng tiền, kích thước từ 1 – 5 cm.
- Vùng da này trông đỏ, bạc hoặc sẫm hơn vùng da xung quanh.
- Đường viền có thể nổi lên và chứa các nốt sần, mụn nước hoặc vảy.
- Giữa vùng tổn thương có lớp da bình thường với mép hình nhẫn.
- Cảm giác ngứa cả khi bình thường, tăng lên đặc biệt khi đổ mồ hôi.
Khi bệnh ở giai đoạn nhẹ – các triệu chứng nhẹ và diện tích tổn thương nhỏ, nếu người bệnh tuân thủ điều trị sẽ tránh được tình trạng nặng hơn và có thể không để lại sẹo.
Tuy nhiên, người bệnh thường khá chủ quan về bệnh hắc lào ban đầu vì nghĩ rằng chúng chỉ là bệnh ngoài da. Khi bệnh hắc lào ăn sâu và lan rộng thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn rất nhiều, da khó phục hồi và để lại sẹo xấu.
Các vết sẹo do bệnh hắc lào có màu sẫm hơn màu da bình thường hoặc chuyển sang màu nâu đỏ. Thông thường, sẹo phẳng nhưng tùy theo cơ địa hoặc quá trình ăn uống mà sẹo lồi có thể hình thành.
Cách chữa hắc lào ở mặt hiệu quả
Da mặt vốn dĩ là vùng da khá mỏng và nhạy cảm, dễ chịu tác động của các tác nhân bên ngoài. Do vậy việc điều trị hắc lào ở mặt cần được chú ý hơn. Khi phát hiện các triệu chứng trên, người bệnh cần:
Nhanh chóng kiểm tra và điều trị bệnh:
- Người bệnh có thể sử dụng các thuốc bôi tại chỗ không kê đơn như:
- Ketoconazol 2%
- Clotrimazol
- Terbinafine !%
- Miconazole 1%
- Bôi ngày 1-2 lần, thời gian bôi thuốc ít nhất từ 3-4 tuần.
- Sử dụng thuốc bôi liên tục, đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ. Vẫn nên thoa thuốc thêm 2 tuần sau khi các triệu chứng đã lành hẳn để phòng ngừa tái phát.
- Tránh gãi và chà xát mạnh vùng da bị thương: khi ma sát mạnh sẽ vô tình làm tổn thương nặng hơn vùng da bị hắc lào, khiến bệnh lan rộng ra và có nguy cơ bội nhiễm.
Giữ vệ sinh sạch sẽ: bệnh nên giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ khi bị hắc lào, đặc biệt là khu vực bị bệnh khô ráo, thoáng mát vì da ẩm ướt là điều kiện lý tưởng để các loại nấm gây bệnh hắc lào ở mặt phát triển.
Vệ sinh đồ dùng cá nhân: Khi da bị hắc lào, nấm có thể tồn tại trong quần áo, đồ dùng cá nhân của người bệnh. Do đó, nếu chỉ dùng thuốc, người bệnh có thể bị nhiễm hắc lào trở lại. Để hạn chế hắc lào tái phát, người bệnh nên giặt sạch sẽ, thường xuyên những vật dụng cá nhân như khăn mặt, lược chải đầu, mũ, quần áo, chăn gối để loại bỏ nấm gây bệnh.
Hi vọng những thông tin chia sẻ trên sẽ giúp ích được cho bạn và gia đình tránh được nguy cơ để lại sẹo trên mặt khi mắc bệnh hắc lào.