Cách trị ngứa cổ họng an toàn, hiệu quả ngay tại nhà
Ngứa cổ họng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe, từ những nguyên nhân đơn giản như dị ứng, cảm lạnh cho đến các bệnh lý nghiêm trọng hơn. Cảm giác ngứa rát này không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến giọng nói hay việc ăn uống. Vậy, làm thế nào để xác định nguyên nhân và tìm ra cách điều trị phù hợp? Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu chi tiết tại đây!
Các nguyên nhân gây ngứa cổ họng
Cảm giác ngứa rát khó chịu ở cổ họng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, một số nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
- Dị ứng: Phấn hoa, bụi nhà, thức ăn, thuốc men,… đều có thể gây ra phản ứng dị ứng, khiến cổ họng trở nên ngứa ngáy.
- Dị ứng thực phẩm: Phản ứng quá mẫn với một số loại thực phẩm như hải sản, trứng, đậu phộng,… với các triệu chứng như sưng môi, lưỡi, mặt, khó thở,…
- Nhiễm trùng: Vi khuẩn hoặc virus gây cảm lạnh, cúm có thể tấn công cổ họng, gây viêm và ngứa.
- Mất nước: Khi cơ thể thiếu nước, niêm mạc họng bị khô, dễ gây ra cảm giác ngứa rát.
- Trào ngược axit: Axit dạ dày trào ngược lên thực quản có thể gây kích ứng cổ họng.
- Các nguyên nhân khác: Khói thuốc lá, không khí ô nhiễm hoặc một số loại thuốc cũng có thể gây ra tình trạng ngứa cổ họng.
Cách trị ngứa cổ họng an toàn, hiệu quả ngay tại nhà
Nhìn chung, nếu tình trạng ngứa rát cổ họng nhẹ, bạn có thể áp dụng một số cách điều trị ngay tại nhà như sau:
Súc miệng bằng nước muối
Để giảm nhanh triệu chứng ngứa cổ họng ho, bạn có thể áp dụng cách súc miệng bằng nước muối, cần hòa tan nửa đến ba phần tư thìa cà phê muối vào 240ml nước ấm. Sau đó, ngậm một ngụm dung dịch này, ngửa cổ và khò họng sâu trong cổ họng trong khoảng 10 giây rồi nhổ ra, lưu ý không nên nuốt nước muối. Nên thực hiện động tác này 2 – 3 lần mỗi ngày để giảm viêm họng hiệu quả.
Trị ngứa cổ họng bằng mật ong
Mật ong, đặc biệt là mật ong nguyên chất, từ lâu đã được biết đến với công dụng làm dịu và kháng khuẩn hiệu quả. Trong điều trị ho và ngứa cổ họng, mật ong đóng vai trò như một lớp màng bảo vệ, giảm thiểu kích ứng và tạo điều kiện thuận lợi cho niêm mạc họng phục hồi.
Các hợp chất chống oxy hóa và kháng khuẩn tự nhiên trong mật ong giúp ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, đồng thời làm giảm viêm nhiễm. Để đạt hiệu quả tốt nhất, bạn có thể sử dụng theo những cách sau đây:
- Uống trực tiếp: Nhấp và nuốt chậm một thìa cà phê mật ong nguyên chất vài lần trong ngày.
- Pha với nước ấm: Hòa tan một thìa cà phê mật ong vào một cốc nước ấm, khuấy đều và uống từ từ. Việc uống nước ấm giúp làm loãng dịch nhầy trong họng, hỗ trợ mật ong phát huy tác dụng tốt hơn.
- Kết hợp với chanh và gừng: Thêm nước cốt chanh và một lát gừng tươi vào hỗn hợp mật ong và nước ấm để tăng cường tác dụng kháng viêm và giảm ho.
Trị ngứa cổ họng bằng uống trà gừng nóng với mật ong và chanh
Kết hợp giữa gừng, chanh và mật ong cùng trà nóng, mang đến những lợi ích sức khỏe rất tốt cho cơ thể. Gừng, với các hợp chất như gingerol, có tác dụng kháng viêm, giảm đau và làm ấm cơ thể. Mật ong, ngoài việc cung cấp năng lượng, còn chứa các chất kháng khuẩn tự nhiên, giúp bảo vệ đường hô hấp. Chanh, giàu vitamin C, là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch.
Khi kết hợp, bộ ba này tạo ra một thức uống không chỉ thơm ngon mà còn có khả năng làm dịu cổ họng, giảm ho,… cũng như hỗ trợ điều trị các triệu chứng cảm cúm thông thường. Cách trị ho ngứa cổ họng bằng bộ ba chanh, gừng và mật ong có thể thực hiện theo các bước sau:
- Chuẩn bị: Chuẩn bị một cốc nước ấm, một thìa súp mật ong, một quả chanh tươi và một lát gừng nhỏ.
- Pha chế: Vắt lấy nước cốt chanh, bào nhỏ lát gừng rồi cho cả hai vào cốc nước ấm cùng với mật ong, khuấy đều hỗn hợp để các nguyên liệu hòa tan.
- Sử dụng: Uống hỗn hợp này 2 – 3 lần mỗi ngày, đặc biệt là khi cảm thấy cổ họng khô rát hoặc ngứa.
Sử dụng giấm táo
Giấm táo, với thành phần axit axetic, được biết đến với khả năng kháng khuẩn tự nhiên. Khi pha loãng với nước ấm và uống, hỗn hợp này có thể giúp làm giảm các triệu chứng viêm họng như ngứa rát. Cơ chế tác động có thể liên quan đến việc ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh và tạo môi trường không thuận lợi cho chúng sinh sôi.
Dùng sữa nghệ
Thành phần chính trong nghệ là curcumin, một chất chống viêm tự nhiên rất hiệu quả. Khi uống sữa nghệ, curcumin sẽ giúp làm dịu niêm mạc họng, giảm sưng và giảm các cơn ho. Ngoài ra, nghệ còn hỗ trợ tăng cường hệ miễn dịch, giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
Để pha sữa, bạn cần chuẩn bị 1 thìa cà phê bột nghệ và 200ml sữa, rồi cho hai nguyên liệu vào nồi nhỏ, đun sôi trong khoảng 2 – 3 phút, sau đó đổ ra cốc. Để nguội đến nhiệt độ vừa phải và thưởng thức, có thể điều chỉnh lượng bột nghệ tùy theo khẩu vị. Để đạt hiệu quả tốt nhất, nên uống sữa nghệ 2 – 3 lần/ngày, đặc biệt trước khi đi ngủ.
Trị ngứa cổ họng bằng cách uống trà cải ngựa
Một trong những phương pháp dân gian được nhiều người tin dùng để làm dịu cơn ngứa rát họng là sử dụng trà cải ngựa. Thành phần của trà bao gồm bột rễ cải ngựa, bột đinh hương và mật ong, tạo nên một hỗn hợp có tác dụng kháng viêm, giảm đau hiệu quả.
Cách pha chế:
- Cho 1 thìa súp bột rễ cải ngựa, 1 thìa cà phê bột đinh hương và 1 thìa cà phê mật ong vào một chiếc cốc.
- Rót nước nóng vào và khuấy đều, rồi để nguội đến nhiệt độ ấm vừa phải rồi thưởng thức.
Sử dụng trà thảo mộc
Các loại trà thảo mộc có thể đóng vai trò quan trọng trong việc làm dịu các triệu chứng ngứa cổ họng. Các hợp chất sinh học có trong thảo dược như tinh dầu, flavonoid và polyphenol có tác dụng kháng viêm, giảm sưng và làm dịu niêm mạc họng, từ đó giảm ngứa và kích ứng.
Bạn có thể pha trà với các thành phần nguyên liệu chính sau:
- Cây tầm ma.
- Bạch quả.
- Cam thảo.
- Đương quy.
- Cỏ ba lá đỏ.
- Hoa cúc.
- Cây du trơn.
- Cây kế sữa.
Bị ho ngứa cổ họng thì khi nào cần đi khám?
Ngứa rát cổ họng và ho kéo dài có thể là dấu hiệu của nhiều loại bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu bạn đã thử các biện pháp tự chăm sóc tại nhà mà tình trạng không cải thiện, đặc biệt còn kèm theo các triệu chứng như đau họng, sốt, khó nuốt, khó thở, thở khò khè,… thì đừng chủ quan. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp, việc trì hoãn có thể làm tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.
Cách phòng ngừa tình trạng ngứa cổ họng
Để hạn chế và cải thiện tình trạng ngứa rát cổ họng hay ho khó chịu, bạn có thể áp dụng một số cách phòng ngừa như sau:
- Tránh xa khói thuốc: Khói thuốc lá là một trong những tác nhân chính gây kích ứng và tổn thương niêm mạc họng.
- Uống đủ nước: Nước giúp làm ẩm cổ họng, loại bỏ các chất kích thích và vi khuẩn gây bệnh.
- Hạn chế đồ uống có ga, cà phê và rượu: Những thức uống này có thể làm tăng tiết axit dạ dày, gây trào ngược lên thực quản và làm tổn thương niêm mạc họng.
- Bảo vệ bản thân trong mùa dị ứng: Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi nhà,…
- Vệ sinh tay thường xuyên: Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn giúp ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng.
Mặc dù, các biện pháp tự chăm sóc tại nhà có thể làm dịu triệu chứng ngứa cổ họng tạm thời, nhưng vẫn không nên chủ quan. Ngứa họng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, nếu đã thử nhiều cách nhưng các tình trạng trên vẫn không cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, thì cần đến ngay bác sĩ để được thăm khám và điều trị.