Những biến chứng thường gặp của bệnh viêm da cơ địa
Viêm da cơ địa (hay chàm cơ địa) là một trong những dạng phổ biến của bệnh chàm, gây ra tình trạng da khô, ngứa và viêm. Bệnh này thường xuất hiện ở trẻ em nhưng cũng có thể phát triển ở người lớn. Đây là tình trạng viêm da mạn tính, mặc dù không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng bệnh có thể được kiểm soát. Trong một số trường hợp, tình trạng da có thể cải thiện hoặc thậm chí khỏi hẳn khi trẻ lớn lên.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm da cơ địa
Yếu tố nguy cơ của viêm da cơ địa đã được xác định làm tăng khả năng mắc bệnh và tăng tỷ lệ tái phát, bao gồm:
- Thời điểm giao mùa: cao điểm vào mùa thu đông.
- Tiếp xúc với bụi nhà, mạt và một số loại côn trùng.
- Căng thẳng tâm lý từ cuộc sống hàng ngày, công việc và học tập.
- Bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính làm suy giảm miễn dịch.
- Dị ứng thức ăn như trứng, sữa, đậu, cá.
Ngoài ra, bệnh có thể xuất hiện do ảnh hưởng bởi những nguyên nhân gây viêm da cơ địa sau:
- Những người hay bị dị ứng.
- Một số tác nhân liên quan đến bệnh viêm da cơ địa như: Xà phòng, chất tẩy rửa, dị ứng thời tiết,…
- Dị ứng thực phẩm được coi là nguyên nhân chính gây ra bệnh chàm ở trẻ nhỏ.
- Nhiễm trùng cấp tính gây suy giảm miễn dịch.
- Rối loạn nội tiết.
Yếu tố nguy cơ không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra bệnh, mà chúng chỉ có thể làm tăng khả năng mắc bệnh hoặc thúc đẩy tốc độ phát triển bệnh nhanh hơn.
Các biến chứng thường gặp của bệnh viêm da cơ địa
Ở giai đoạn đầu, viêm da cơ địa xuất hiện đợt cấp, sau đó thuyên giảm rồi lại xuất hiện một đợt cấp tiếp theo. Về sau, phần lớn các trường hợp sẽ tiến triển thành mạn tính. Ở trẻ em, tình trạng này có thể cải thiện hoặc thậm chí khỏi hoàn toàn khi lớn lên. Tuy nhiên, viêm da cơ địa có thể nặng hơn hoặc xuất hiện trở lại ở tuổi trưởng thành do tiếp xúc với chất kích thích hoặc chất gây dị ứng.
Những biến chứng thường gặp của viêm da cơ địa:
- Gây suy giảm chất lượng cuộc sống: Viêm da cơ địa khiến người bệnh khó chịu, ngứa ngáy, mất ngủ.
- Ảnh hưởng đến thẩm mỹ và tâm lý: Tình trạng ngứa ngáy liên tục kèm theo ảnh hưởng giấc ngủ có thể làm tăng nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm và rối loạn lo âu; ở trẻ em có thể gây rối loạn hành vi.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh lý cơ thể: Nhiều người bị viêm da cơ địa sau đó phát triển bệnh hen suyễn và viêm mũi dị ứng.
- Biến chứng viêm da cơ địa bội nhiễm
- Nhiễm trùng da do vi khuẩn: gây ra các phản ứng viêm rầm rộ, tấy đỏ, đau, mụn nước có dịch mủ, sốt.
- Nhiễm trùng da do virus: gây tổn thương bọng nước, đau, rát, thậm chí là gây hoại tử.
Viêm da cơ địa có thể nhẹ hoặc nặng, thường bệnh nặng và có tiên lượng xấu hơn ở các đối tượng:
- Mắc bệnh sớm trước 1 tuổi.
- Tổn thương da sau khi sinh.
- Tiền sử dị ứng của bản thân hoặc gia đình.
- Mắc các bệnh dị ứng khác như hen phế quản, viêm mũi dị ứng.
- Bội nhiễm da và chăm sóc da kém.
Cách phòng ngừa viêm da cơ địa
Tuy không có cách phòng bệnh triệt để vì da của những người mắc bệnh viêm da cơ địa thường rất nhạy cảm, nhưng có một số biện pháp có thể giúp ngăn chặn hoặc giảm thiểu việc bệnh tái phát và kéo dài:
- Vệ sinh cơ thể thường xuyên: Loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi để giảm nguy cơ gây ngứa và viêm da.
- Bôi kem dưỡng ẩm: dùng sau khi tắm để cấp ẩm cho da.
- Hạn chế tắm nước nóng: để tránh kích thích da gây ngứa và viêm nhiễm.
- Cẩn trọng trong việc chọn và sử dụng mỹ phẩm, nước hoa: nên đọc thành phần và hướng dẫn sử dụng để chọn được sản phẩm phù hợp.
- Hạn chế ăn hải sản, không uống rượu bia và hút thuốc lá.
- Không tự ý dùng thuốc: Chỉ dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.