Chế độ ăn ngăn ngừa biến chứng do viêm khớp gối
Viêm khớp gối là một trong những bệnh lý phổ biến, đặc biệt ở người cao tuổi. Tình trạng viêm khớp gối không chỉ gây ra đau đớn, hạn chế khả năng vận động mà còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Bên cạnh việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, một chế độ ăn uống hợp lý có thể đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa và giảm thiểu các biến chứng do viêm khớp gối gây ra. Hãy cùng tìm hiểu về chế độ ăn uống này trong bài viết dưới đây.
Diễn tiến của bệnh viêm khớp gối
Viêm khớp gối là bệnh lý cơ xương khớp xảy ra khi các thành phần trong khớp gối bị sưng, viêm, tổn thương do nhiều nguyên nhân. Tình trạng viêm kéo dài có thể khiến các sụn khớp bị bào mòn. Điều này khiến khả năng giảm chấn động của sụn khớp giảm đi, các đầu xương chà xát vào nhau gây đau nhức và khiến người bệnh khó khăn khi vận động.
Dấu hiệu viêm khớp ở đầu gối có thể bao gồm:
- Đau ở đầu gối: có thể thấy đau gối vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Đau có thể trở nên nặng hơn do một số cử động và bài tập nhất định, bao gồm đi bộ hoặc đứng lâu.
- Cứng khớp gối: nhất là vào buổi sáng, gây khó khăn khi gập và duỗi thẳng đầu gối.
- Tình trạng sưng, viêm khớp: vùng da ở đầu gối có thể đỏ tấy, sờ vào thấy ấm nóng.
- Nghe tiếng lạo xạo hoặc tiếng lục khục phát ra khi di chuyển: những triệu chứng này có thể xảy ra khi bị mất dịch khớp và sụn khớp bị bào mòn.
- Đầu gối yếu: thường là kết quả của việc giảm hoạt động và dẫn đến teo cơ tứ đầu hoặc cơ gân kheo. Viêm khớp gối có thể làm giảm mức độ di chuyển của người bệnh, khiến khớp thậm chí yếu hơn và làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Khớp gối bị viêm thường diễn biến âm thầm, phát triển qua 4 giai đoạn:
- Giai đoạn sớm: Kết quả X-quang cho thấy những đốt gai nhỏ xuất hiện ở vùng gối, sụn có tổn thương nhẹ.
- Giai đoạn nhẹ: Khớp gối phát triển nhiều gai hơn, lớp sụn chen giữa xương mỏng dần. Triệu chứng bắt đầu được nhận thấy rõ nhưng chỉ thoáng qua khiến người bệnh thường chủ quan.
- Giai đoạn giữa: Khoảng cách đầu xương hẹp lại, sụn tổn hại nặng có thể nhìn rõ qua X-quang. Ở giai đoạn này người bệnh cảm thấy đau và khó khăn trong vận động hàng ngày.
- Giai đoạn nặng: Khoảng cách khớp giữa các xương rất hẹp, xương chồng lên xương, sụn bị vỡ nhiều hoặc mất đi hoàn toàn, dịch còn rất ít. Một số trường hợp nặng, xương còn bị biến dạng.
Những biến chứng nguy hiểm do viêm khớp gối
Khớp gối sưng viêm ở giai đoạn đầu nhưng không được phát hiện sớm và điều trị không phù hợp, sẽ nhanh chuyển nặng và gây các biến chứng sau:
- Teo cơ
- Biến dạng hoặc dính khớp
- Giảm chức năng vận động
- Thấp khớp cấp, bệnh van tim và các bệnh tim mạch khác
- Nguy cơ tàn phế, bại liệt
Người bị viêm khớp gối nên ăn những gì?
Acid béo omega-3
Nhóm thực phẩm này có tác dụng giảm viêm khớp. Hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng đồng thời tăng cường chăm sóc sức khỏe
Bổ sung acid béo omega 3 bằng cách ăn những thực phẩm như cá ngừ, cá hồi, cá mòi, cá thu,… Ngoài ra những loại dầu như dầu quả óc chó, dầu hạt cải, hạt lanh cũng chứa acid béo omega 3. Trong đó dầu hạt lanh chứa các chất chuyển đổi thành acid béo omega-3.
Sữa và chế phẩm từ sữa
Sữa tươi, sữa chua, phô mai chứa 22 chất dinh dưỡng thiết yếu như: Canxi, magie, vitamin D… giúp tái tạo và sản xuất mô xương, cải thiện sức khỏe xương khớp. Đồng thời, giảm đau nhức và khả năng vận động ở người bệnh. Chưa kể, việc bổ sung sữa vào thực đơn ăn uống hàng ngày tăng cường năng lượng cho cơ thể, cải thiện tình trạng biếng ăn, từ đó phòng ngừa các bệnh lý về xương khớp, điển hình là tình trạng loãng xương.
Nước hầm từ xương ống hoặc các món từ sụn sườn bò
Đây là nguồn thức ăn cung cấp rất nhiều chondroitin và glucosamin đều là thành phần tự nhiên cấu thành nên sụn. Ngoài ra, nước hầm xương ống, sụn sườn bò còn bổ sung cho cơ thể một lượng canxi dồi dào giúp tốt cho hệ xương khớp.
Rau xanh và trái cây tươi
Rau xanh và trái cây tươi là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin dồi dào giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống oxy hóa cho cơ thể. Các loại rau xanh được lựa chọn như bông cải xanh, cà chua, cà rốt, bí xanh, nấm hương, các loại rau có màu xanh đậm như cải xoăn, cần tây,… Các loại hoa quả được yêu thích như cam, quýt, bưởi, táo, dâu tây, chuối, kiwi,…Nên tiêu thụ rau xanh và trái cây một cách cân đối và đa dạng, tránh lạm dụng một loại thực phẩm nhất định.
Ngũ cốc nguyên hạt
Các loại ngũ cốc nguyên hạt như: Hạt điều, đậu nành, hạt óc chó, macca, gạo lứt…giàu vitamin và khoáng chất giúp tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể và xương khớp. Bên cạnh đó, nhóm thực phẩm này còn có tác dụng làm chậm quá trình lão hóa, ngăn ngừa thoái hóa xương khớp.
Các loại nấm
Nấm rất tốt cho cơ thể, không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà còn làm chậm quá trình lão hóa, hạn chế nguy cơ mắc bệnh béo phì, viêm khớp gối. Chính vì thế, bạn nên ăn những thực phẩm này hàng ngày để tăng cường sự dẻo dai và khỏe mạnh cho xương khớp, tốt cho khớp gối.
Các loại hải sản
Tôm, cua, sò, cá… là những loại hải sản có lượng canxi dồi dào. Việc bổ sung những thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày sẽ cải thiện canxi trong cơ thể, ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt canxi, tốt cho các khớp xương. Tuy nhiên, chúng ta không nên ăn quá nhiều hải sản bởi chúng rất giàu chất đạm. Nếu thừa đạm sẽ dễ mắc bệnh gout.
Dùng dầu oliu thay cho các loại chất béo khác
Dầu oliu nguyên chất có chứa nhiều axit béo omega-3, oleocanthal, axit oleic giúp kháng viêm mạnh. Nhờ đó làm giảm các triệu chứng bệnh cơ xương khớp. Đặc biệt, dầu oliu còn cải thiện khả năng hấp thu canxi, magie và kẽm. Điều này cần thiết để duy trì mật độ xương và thúc đẩy sự hấp thu các vi chất có trong dầu như vitamin A và D.
Trà xanh, trà thảo dược
Các loại trà này có tác dụng thanh lọc cơ thể, kháng viêm. Tái tạo lớp sụn giữa các khớp xương nên rất tốt cho người bị bệnh về xương khớp.
Bạn có thể uống nước trà xanh hoặc trà thảo dược kết hợp với nước thanh thủy hàng ngày. Khuyến cáo, người mắc bệnh về xương khớp nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Các loại gia vị
Ít ai biết rằng, một số loại gia vị quen thuộc lại có khả năng xoa dịu cơn đau, giảm sưng viêm khớp gối.
- Tỏi: Cung cấp vitamin B6, kali, folate, vitamin C, canxi, photpho cùng các chất chống oxy và enzyme có tác dụng ngăn chặn sự hình thành các mô liên kết và chuyển hóa xương khớp. Từ đó, nâng cao khả năng hấp thụ canxi, ngăn ngừa loãng xương, giảm đau nhức xương khớp.
- Gừng: Không chỉ có tác dụng giảm đau nhức mà còn giúp máu lưu thông tốt, cải thiện thoái hóa xương khớp.
- Nghệ: Có tính ấm nóng, chứa hoạt chất curcumin có tác dụng kháng viêm, giảm đau nhức, giúp lưu thông máu hiệu quả.
Người bị viêm khớp gối nên kiêng gì?
Thịt đỏ
Các loại thịt đỏ như: Thịt bò, thịt bê, thịt cừu… khi vào cơ thể sẽ sản xuất ra axit. Axit này cần lượng lớn canxi để trung hòa. Nếu cơ thể không cung cấp đủ canxi, cơ thể sẽ rút canxi từ hệ xương. Từ đó khiến cho quá trình thoái hóa khớp gối diễn ra nhanh hơn, nặng hơn.
Ngoài ra, thịt đỏ còn chứa nhiều cholesterol không tốt cho người bị thoái hóa khớp gối. Sử dụng thực phẩm này thường xuyên khiến cơ thể dễ bị thừa cân, béo phì từ đó làm tăng áp lực lên xương, sụn khớp.
Thực phẩm chế biến sẵn
Đồ chiên rán, xúc xích, đồ nướng, khoai tây chiên,… là các loại thực phẩm chế biến sẵn có chứa lượng lớn chất béo công nghiệp. Các thực phẩm này không chỉ làm gia tăng tình trạng viêm khớp mà còn khiến bạn bị tăng cân. Khi trọng lượng cơ thể tăng lên sẽ gây áp lực cho sụn khớp và khiến bề mặt sụn khớp dễ bị hư tổn nhanh hơn.
Thức ăn chứa nhiều đường hoặc muối
Người bệnh cũng không nên ăn quá ngọt hoặc quá mặn. Thực phẩm chứa nhiều đường sẽ cản trở việc hấp thụ canxi, làm tổn thương protein trong cơ thể, gây viêm. Một thực đơn chứa nhiều muối sẽ khiến xương giòn và dễ gãy, tăng viêm.
Rượu, bia, cà phê cùng các loại nước ngọt có ga
Nhóm đồ uống này gây hại cho những người bị viêm khớp, viêm thoái hóa khớp và bệnh gout. Nếu tiêu thụ chúng quá nhiều và trong một thời gian dài sẽ càng khiến triệu chứng viêm, đau thêm trầm trọng. Từ đó, việc điều trị cũng trở nên phức tạp và khó khăn hơn.
Kết luận
Chế độ ăn uống hợp lý đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa biến chứng của viêm khớp gối. Việc bổ sung các thực phẩm giàu Omega-3, canxi, vitamin D và chất chống oxy hóa sẽ giúp cải thiện sức khỏe xương khớp và giảm thiểu triệu chứng của bệnh. Ngoài ra, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn, đường, muối và đồ uống có cồn sẽ giúp giảm áp lực lên khớp gối, ngăn ngừa sự phát triển của bệnh. Để có được một chế độ ăn uống tốt nhất, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh thực đơn phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. Bằng cách duy trì một lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống khoa học, bạn có thể quản lý tốt bệnh viêm khớp gối và cải thiện chất lượng cuộc sống.