Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota
Rota là một loại virus gây tiêu chảy và các triệu chứng đường ruột khác, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Người lớn cũng có thể mắc bệnh nhưng các triệu chứng thường nhẹ hơn. Qua bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc cho người bị Rota đúng cách.
Chế độ dinh dưỡng cho người mắc bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota
Theo UNICEF và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): “Virus Rota được đánh giá là đã gây ra 40% trong tổng số vụ nhập viện do tiêu chảy ở trẻ em dưới 5 tuổi trên toàn cầu, mỗi năm có 100 triệu ca tiêu chảy cấp do nhiễm Rotavirus và 350.000 đến 600.000 ca tử vong”.
Mặc dầu trong thời gian bị tiêu chảy cấp, quá trình hấp thu thức ăn có giảm hơn bình thường, nhưng lượng hấp thu qua ruột vẫn được khoảng 60%, do vậy trong suốt quá trình tiêu chảy cần cho trẻ ăn đủ khẩu phần, không được bắt trẻ nhịn, kiêng khem, thì trọng lượng cơ thể sẽ tiếp tục tăng với tốc độ gần như bình thường. Nếu không ăn đủ khẩu phần trẻ sẽ bị sụt cân dẫn đến suy dinh dưỡng.
Các thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy bao gồm:
- Gạo (bột gạo), khoai tây
- Thịt gà nạc, thịt lợn nạc, cá nạc
- Sữa đậu tương (đậu nành), sữa chua, sữa có ít hoặc không có lactose
- Dầu thực vật
- Cà rốt, hồng xiêm, chuối, táo
Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi bị tiêu chảy để sử dụng chế độ ăn thích hợp:
- Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đang bú mẹ: Tiếp tục cho bú bình thường và tăng số lần bú. Nếu trẻ không có sữa mẹ thì cho trẻ ăn sữa bò hoặc sữa bột công thức mà trước đó trẻ vẫn ăn nhưng phải pha loãng 1/2 trong vòng 2 ngày.
- Trẻ từ 6 tháng tuổi: Ngoài sữa mẹ và sữa thay thế như trên cần cho trẻ ăn thêm nhiều lần và từng ít một các thức ăn giàu chất dinh dưỡng như thịt nạc, cá nạc, trứng, sữa… và cho thêm một ít dầu, mỡ để tăng thêm năng lượng của khẩu phần. Thức ăn cần mềm, nấu kĩ, nấu loãng hơn bình thường và cho ăn ngay sau khi nấu để đảm bảo vệ sinh, giảm nguy cơ bội nhiễm, nếu phải cho trẻ ăn những thức ăn đã nấu sẵn thì cần phải đun lại trước khi cho ăn. Cho trẻ ăn thêm quả chín hoặc nước quả như: chuối, cam, xoài, đu đủ, hồng xiêm… để tăng thêm lượng kali, beta carotene, vitamin C…
Các thực phẩm không nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy:
- Tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp, các loại thức ăn có chứa nhiều đường vì những thức uống, ăn này có thể làm tăng tiêu chảy do tăng áp lực thẩm thấu trong lòng ruột kéo nước trong tế bào vào lòng ruột.
- Tránh dùng các loại thực phẩm có nhiều xơ hoặc ít chất dinh dưỡng như: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.
Số lượng thức ăn:
- Cần khuyến khích trẻ ăn càng nhiều càng tốt, trẻ nhỏ cho ăn 6 lần/ngày hoặc nhiều hơn.
- Sau khi khỏi tiêu chảy, để giúp cho trẻ hồi phục nhanh và tránh suy dinh dưỡng cần cho trẻ ăn thêm mỗi ngày 1 bữa trong 2 tuần liền.
Chăm sóc người bệnh đúng cách
Phụ huynh cần nắm được những lưu ý dưới đây khi chăm sóc trẻ bị nhiễm virus Rota:
- Bù nước: Điều quan trọng nhất khi trẻ bị tiêu chảy chính là bù nước, bù điện giải tốt là sử dụng nước oresol. Trên thị trường hiện có nhiều loại oresol dành cho trẻ nhỏ với hương vị dễ uống. Cha mẹ chỉ cần chú ý pha oresol với nước cho trẻ theo đúng quy định, không pha quá loãng hay quá đặc để tránh gây rối loạn nước và điện giải, khiến trẻ càng tiêu chảy nghiêm trọng hơn.
Cha mẹ có thể pha cả gói oresol cho bé với thể tích nước được đong chính xác tới từng ml. Khi cho trẻ uống, bạn nên đút từng thìa oresol cho bé, mỗi 2 phút/lần. Không nên cho trẻ uống oresol liên tục vì nếu uống nhiều và liên tục, oresol sẽ không hấp thu vào đường ruột mà trẻ còn dễ bị mất nước nhiều hơn do bị nôn ói. Nếu sau khi uống oresol, trẻ bị nôn thì dừng lại 10 phút rồi cho trẻ uống lại với tốc độ chậm hơn. Bên cạnh đó, các phụ huynh cũng cần lưu ý: Không cho trẻ uống cháo gạo quá mặn, nước hoa quả pha đường, nước có ga,… vì có thể khiến bệnh của trẻ càng nặng hơn.
- Chế độ dinh dưỡng: Ngoài việc chú ý bù nước cho bị nhiễm virus Rota thì cha mẹ cần xây dựng một chế độ dinh dưỡng phù hợp. Nhiều bà mẹ có quan điểm sai lầm rằng: người bị tiêu chảy nên kiêng các loại thực phẩm như thịt, cá, đường, sữa, chất tanh,… Điều này khiến trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết, giảm khả năng chống đỡ trước bệnh tật, dẫn tới tiêu chảy ngày càng kéo dài và tăng nguy cơ bị suy dinh dưỡng.
Do đó, cha mẹ cần chú ý cung cấp đủ chất dinh dưỡng cần thiết cho bé. Cụ thể, bạn nên cho trẻ bú bình thường, ăn thêm những thức ăn dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, sữa, chuối tiêu,… và ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nếu trẻ dùng sữa bị tiêu chảy nhiều thì cha mẹ có thể đổi sang loại sữa không có lactose.
Tuy nhiên, do tiêu chảy đi kèm chướng bụng nên các bé thường không chịu ăn nhiều. Trong trường hợp này, cha mẹ cũng không nên quá lo lắng và ép trẻ ăn bằng mọi cách. Hiện tượng đầy bụng thường chỉ kéo dài khoảng 1 – 2 ngày nên phụ huynh có thể cho bé ăn từng chút một, chia thành nhiều bữa trong ngày là được.
Đặc biệt, với trẻ bị nhiễm virus Rota, cha mẹ không nên cho trẻ ăn các loại lá hay quả chát có nhiều chất tanin như lá ổi xanh, quả ổi xanh, quả hồng xiêm xanh,… Chất tanin tuy có công dụng làm săn màng ruột, giúp trẻ cầm tiêu chảy ngay lập tức nhưng cách điều trị này lại có thể gây hại cho bé. Cụ thể, bệnh chỉ đỡ trên biểu hiện bên ngoài, còn tác nhân gây bệnh là virus Rota thì bị thải hồi rất chậm do màng ruột bị săn. Vì thế, bệnh càng kéo dài hay thậm chí tiến triển nặng hơn.
Ngoài ra, không nên tự ý sử dụng thuốc chống tiêu chảy, nhất là đối với trẻ em dưới 18 tuổi không nên sử dụng loại thuốc này. Thuốc chống tiêu chảy có thể khiến tình trạng bệnh nhân xấu đi. Do đó không nên cho bất kỳ bệnh nhân nào chưa xác định được nguyên nhân gây tiêu chảy và có các dấu hiệu như sử dụng kháng sinh gần đây, tiêu chảy phân có máu, phân dương tính với heme hoặc tiêu chảy kèm theo sốt.
Trẻ khi bị Rota có thể sẽ đưa đến những biến chứng nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Bài viết trên đã cho bạn những thông tin bổ ích về chế độ ăn uống cho người bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota, chăm sóc người bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota như thế nào . Hi vọng, sẽ có ích cho việc chăm sóc sức khỏe gia đình bạn.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.