Tiêu chảy có nguy hiểm không?
Tiêu chảy là nguyên nhân phổ biến gây tử vong ở các nước đang phát triển và đứng thứ hai trong số những bệnh gây tử vong ở trẻ em trên thế giới. Nếu không khắc phục kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm như: mất nước, suy dinh dưỡng, suy thận… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ những kiến thức cơ bản về tình trạng này.
Tiêu chảy là gì?
Thông thường, thức ăn khi đưa vào cơ thể sau 2-3 ngày sẽ được hấp thu triệt để nước và các chất dinh dưỡng; các chất cặn bã sẽ được thải ra ngoài. Do đó, một người khỏe mạnh có thể đi đại tiện 1-2 lần/ngày, phân thành khuôn, không lỏng hoặc nát.
Tiêu chảy là tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều hơn 3 lần một ngày. Bệnh được chia thành 2 dạng tùy theo mức độ nghiêm trọng và thời gian kéo dài như sau:
- Tiêu chảy cấp: Xảy ra khi cơ thể bị dị ứng thức ăn, nhiễm khuẩn (E.coli, tả, lỵ, thương hàn…) hoặc do virus Rota (tiêu chảy Rota)… Tình trạng này có thể kéo dài từ 1-2 tuần.
- Tiêu chảy mạn: Bệnh kéo dài 4 tuần trở lên. Lúc này, người bệnh dễ bị suy dinh dưỡng, suy nhược cơ thể và việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
Có nhiều nguyên nhân tiêu chảy: có thể do ăn uống, bệnh lý… Trong đó phổ biến phải kể đến như:
- Nhiễm khuẩn đường ruột
- Vệ sinh kém
- Rối loạn vi sinh đường ruột
- Không hấp thu đường
- Do ngộ độc thực phẩm
- Hội chứng ruột kích thích
- Mắc bệnh viêm đại tràng
Tiêu chảy có nguy hiểm không?
Bệnh tiêu chảy nếu không được chữa trị kịp thời có thể để lại hậu quả nguy hiểm như:
Mất nước
Biểu hiện của tiêu chảy là đi ngoài phân lỏng nhiều lần, vì thế khiến lượng nước và khoáng chất trong cơ thể bị hao hụt nhiều. Như chúng ta đã biết, nước chiếm đến 75% khối lượng cơ thể, vì thế khi cơ thể thiếu nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể.
Có thể nhận biết cơ thể mất nước qua các biểu hiện như: khát nước, khô da, da nhăn nheo, miệng khô khốc, huyết áp giảm, đứng không vững,… Để có thể cải thiện tình trạng này, bạn cần phải uống nước nhiều hơn bình thường hoặc bổ sung nước từ các loại hoa quả.
Mất cân bằng điện giải
Chất điện giải có vai trò quan trọng đối với các hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng tiêu chảy khiến cơ thể bị thiếu hụt một lượng lớn các chất điện giải như: magie, natri, kali, canxi, cacbonat, clorua,… Khi đó, các cơ quan trong cơ thể bắt đầu gặp vấn đề và hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người bệnh.
Chức năng não bộ bị ảnh hưởng
Đối tượng bị tác động tiêu cực này nhiều nhất là trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh. Vì thế, có lời khuyên phụ nữ mang thai nên chăm sóc và luôn duy trì sức khỏe đường ruột mọi lúc. Bởi tiêu chảy cấp và mạn tính có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi trong bụng mẹ.
Suy dinh dưỡng
Tiêu chảy kéo dài có thể gây ra tình trạng suy dinh dưỡng. Nguyên nhân là do tiêu chảy gây ức chế và làm giảm khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng trong thức ăn. Vì thế, khi bị tiêu chảy, người bệnh cần chú trọng hơn vào việc bổ sung dinh dưỡng trong các bữa ăn. Những thực phẩm người bệnh nên ăn như: thịt gà, thịt lợn, khoai tây, cà rốt, cá, sữa chua, dầu thực vật.
Suy giảm chức năng của các cơ quan bên trong
Tiêu chảy cấp có thể làm suy giảm các hoạt động chức năng của các cơ quan trong cơ thể. Chẳng hạn, tiêu chảy có thể dẫn tới suy thận từ đó giảm khả năng bài tiết nước tiểu. Ngoài ra, tiêu chảy còn khiến nồng độ axit trong máu tăng lên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh nhân có thể bị hôn mê.
Ảnh hưởng tiêu cực khác của tiêu chảy
Khi tiêu chảy nghiêm trọng và kéo dài, cơ thể có thể gặp các triệu chứng sau: đau bụng (vừa đến nặng); bị chuột rút; đau dạ dày; đau và kích thích hậu môn; cảm giác yếu đuối, mệt mỏi và thiếu năng lượng; nôn và buồn nôn; mức độ bất thường của bicarbonate và clorua; sốt…
Cách điều trị tiêu chảy
Để ngăn chặn những biến chứng khó lường do tiêu chảy gây ra, người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt theo các phương pháp sau:
- Bù nước và chất điện giải: Khi bị tiêu chảy cấp, cơ thể mất khá nhiều nước và rối loạn điện giải. Do đó, việc quan trọng nhất và cần thực hiện đầu tiên là phải bù nước, chất điện giải kịp thời. Bạn hãy uống nước đun sôi để nguội hoặc sử dụng dung dịch Oresol theo đúng hướng dẫn. Bên cạnh đó, có thể uống các loại nước khác như: nước cháo loãng, nước gạo rang, nước cơm… Trong trường hợp bị tiêu chảy kéo dài, lượng nước mất hơn 5% trọng lượng cơ thể, việc bù nước bằng đường uống không đáp ứng đủ thì phải truyền tĩnh mạch.
- Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Một số loại thuốc như cầm tiêu chảy loperamid, hidrasec,…; kháng sinh; men vi sinh….
- Một số mẹo chữa dân gian tại nhà như bằng cách sử dụng lá ổi, lá vối,…
Cách phòng ngừa tiêu chảy
Một số biện pháp phòng ngừa tiêu chảy như:
- Thực hiện ăn chín uống sôi, tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống.
- Rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn uống.
- Dụng cụ, bát đũa trước khi ăn cần rửa sạch và nhúng nước sôi.
- Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, chống ruồi, muỗi, gió, bụi bặm
- Xử lý phân, chất thải đảm bảo yêu cầu vệ sinh, không dùng phân tươi để bón và tưới rau.
- Thực hiện 6 không: Không ăn rau sống; Không ăn tiết canh; Không ăn mắm tôm, mắm tép sống; Không ăn gỏi cá, hải sản sống; Không ăn nem chạo, nem chua; Không uống nước lã, nước đá mất vệ sinh.
Thông qua việc hiểu rõ về tình trạng tiêu chảy và nhận thức về những hậu quả tiềm ẩn, chúng ta có thể đối phó và ngăn chặn hiệu quả các vấn đề sức khỏe này. Đề xuất tìm kiếm sự tư vấn của các chuyên gia y tế để được hỗ trợ và điều trị kịp thời khi cần thiết.