Chuẩn bị những gì khi lên kế hoạch mang thai?
Lí do cần lên kế hoạch mang thai
Nếu bạn và đối tác đang dự định có con hoặc chỉ mới nghĩ đến chuyện đó, thì không bao giờ là quá sớm để bắt đầu lập kế hoạch mang thai. Chăm sóc sức khỏe trước khi thụ thai và trong suốt thai kỳ giúp tăng cơ hội sinh con khỏe mạnh. Dưới đây là những bước quan trọng để chuẩn bị cho một thai kỳ khỏe mạnh nhất.
Các bước chuẩn bị cho kế hoạch mang thai
Chuẩn bị tâm lý trước khi mang thai
Sau khi có con cuộc sống của bạn sẽ bận rộn và xáo trộn hơn. Bạn phải chuẩn bị sẵn tâm lý là mình sẽ không còn thời gian rảnh rỗi thư giãn, vui chơi mà thay vào đó là thời gian riêng cho con nhỏ. Những khi con quấy khóc, ốm đau, thức đêm… làm cho cả bố và mẹ đều cảm thấy rất mệt mỏi, áp lực. Những điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và sinh hoạt hàng ngày của vợ chồng. Nếu như bố mẹ chưa có sự chuẩn bị trước về mặt tâm lý thì dễ rơi vào trạng thái trầm cảm sau khi có con.
Vì vậy, trước hết bạn hãy chuẩn bị kiến thức nền tảng về việc chăm sóc con. Có thể tham gia vào các lớp học, tham khảo một vài cuốn sách về cách nuôi dạy con hoặc hỏi thăm bạn bè và người thân đang nuôi con nhỏ. Đồng thời hãy giữ mối liên hệ thân thiết với bạn bè, đồng nghiệp vì đó là những người có thể chia sẻ buồn vui, giải tỏa căng thẳng và mệt mỏi cùng bạn.
Việc lên kế hoạch mang thai sẽ giúp bạn có sự chuẩn bị tốt nhất để chào đón sự xuất hiện của con yêu đến với gia đình.
Chuẩn bị về mặt sức khỏe
Kiểm tra trước khi mang thai
Để chuẩn bị trước khi mang thai, bạn cần đi khám sàng lọc, làm xét nghiệm tổng quát để nắm được tình hình sức khỏe chung. Từ đó, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về cách điều trị, khoảng thời gian dự kiến có thể mang thai trở lại. Việc kiểm tra trước khi mang thai có thể bao gồm:
Đối với người chồng
- Khám tổng quát – lâm sàng: Bác sĩ sẽ khai thác về tiền sử bệnh gia đình và cá nhân của người chồng. Tiếp đó, đo cân nặng và chiều cao, đo huyết áp, khám tổng quát vùng kín.
- Chụp X-quang tim, phổi.
- Nam giới có thể được chỉ định siêu âm vùng bẹn bìu và ổ bụng.
- Thực hiện một số xét nghiệm như sau:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nghiệm nước tiểu.
- Xét nghiệm nội tiết.
- Xét nghiệm tinh dịch đồ.
- Xét nghiệm kháng thể kháng tinh trùng.
- Sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Sàng lọc những bất thường về nhiễm sắc thể.
Đối với người vợ:
- Khám tổng quát – lâm sàng: Đo huyết áp, cân nặng, chiều cao, nghe tim phổi, tìm hiểu các thông tin về tiền sử bệnh của bản thân bệnh nhân và của gia đình người bệnh.
- Khám và siêu âm tuyến vú, tuyến giáp và ổ bụng.
- Khám phụ khoa: Kiểm tra các bất thường về cơ quan sinh dục bên ngoài, tình trạng viêm nhiễm, cũng như cần tầm soát sớm ung thư cổ tử cung.
- Siêu âm tử cung – buồng trứng.
- Chụp X-quang tim phổi.
- Những trường hợp có bệnh lý về tim mạch cần được làm điện tim, siêu âm tim cũng như khám chuyên khoa tim mạch.
- Thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm nội tiết tố nữ.
- Sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng như các bệnh lý truyền nhiễm qua đường máu như viêm gan B, HIV , giang mai.
- Sàng lọc các bệnh lý di truyền nhiễm sắc thể.
Điều trị bệnh mãn tính: Chuẩn bị cho kế hoạch mang thai, bạn cần chế ngự tốt các bệnh lý mãn tính mắc phải như cao huyết áp, tiểu đường, lupus, hen suyễn, động kinh, bệnh tuyến giáp. Bạn nên đi khám để được bác sĩ tư vấn, theo dõi điều trị, và xác định thời điểm tốt nhất để sẵn sàng cho việc mang thai.
Kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi mang thai
Chuẩn bị cơ thể khỏe mạnh cho việc mang thai
Uống vitamin
Nhiều phụ nữ thắc mắc khi nào nên bắt đầu dùng vitamin trước khi sinh. Một khi bạn biết mình có thai? Trước? Những tuần đầu tiên của thai kỳ rất quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển của thai nhi. Một số vitamin – đặc biệt là axit folic – giúp phát triển và giúp giảm dị tật bẩm sinh ở não và tủy sống (còn gọi là dị tật ống thần kinh)
Khi bạn thụ thai, thời điểm sớm nhất bạn có thể phát hiện ra mình có thai là vào khoảng Tuần thứ 4. Vì vậy, nếu bạn đang có ý định mang thai, hãy bắt đầu dùng vitamin dành cho bà bầu trước khi mang thai (và tiếp tục dùng chúng trong suốt thai kỳ) là điều quan trọng.
Có rất nhiều nhãn hiệu vitamin tổng hợp dành cho phụ nữ mang thai để lựa chọn. Nên tìm những loại vitamin dành cho bà bầu có tối thiểu 400 miligam axit folic và cố gắng dùng chúng trong cả tháng trước khi mang thai để giúp mẹ và bé có một thai kỳ khỏe mạnh
Tiêm vắc xin phòng bệnh
Tiêm vắc xin phòng bệnh là một khâu quan trọng trong quá trình chuẩn bị mang thai, điều này không chỉ giúp mẹ và thai nhi có một thai kỳ khỏe mạnh mà còn tạo kháng thể bảo vệ trẻ trong những tháng đầu khi chưa đủ tuổi tiêm vắc xin.
Một số loại vắc xin được khuyên dùng cho phụ nữ chuẩn bị mang thai là
- Viêm gan B
- Cúm
- Thủy đậu
- Bạch hầu, ho gà, uốn ván
- Sởi, quai bị, rubella
- Human papillomavirus (HPV)
Trong quá trình mang thai có thể tiêm thêm mũi ngừa uốn ván rốn trẻ sơ sinh.
Lưu ý, các loại vắc xin nên tiêm cách thời điểm mang thai tối thiểu 3 tháng đề phòng nguy cơ ảnh hưởng đến thai nhi.
Tiêm vắc xin cần thiết trước khi có thai
Ngừng biện pháp tránh thai
Cơ quan sinh sản cần có một khoảng thời gian nhất định để hồi phục lại bình thường sau khi ngừng sử dụng các biện pháp tránh thai. Vì vậy, trước thời điểm có kế hoạch mang thai vài tháng bạn nên ngừng tất cả các biện pháp như thuốc tránh thai hàng ngày, dụng cụ tử cung, que cấy dưới da, thay vào đó chỉ sử dụng bao cao su để tiếp tục tránh thai cho đến khi cơ quan sinh sản sẵn sàng để mang thai trở lại.
Bắt đầu theo dõi ngày rụng trứng của bạn
Bạn có thể chưa biết nhiều về thời điểm dễ thụ thai của mình. theo dõi rụng trứng, có thể được thực hiện thông qua nhiều phương pháp khác nhau.
- Ứng dụng điện thoại: Một số ứng dụng dự đoán thời điểm bạn rụng trứng dựa trên dữ liệu bạn cung cấp về chu kỳ kinh nguyệt của mình . Tiến sĩ Mooney nói: “Phương pháp này chính xác hơn việc đoán mò nhưng không chính xác bằng các phương pháp khác.
- Que thử rụng trứng: Que thử rụng trứng kiểm tra nước tiểu của bạn để cho bạn biết liệu bạn có đang rụng trứng hay không. Đây là một trong những cách đáng tin cậy nhất tại nhà để xác định thời điểm dễ thụ thai.
- Biểu đồ nhiệt độ cơ thể cơ bản: Sử dụng nhiệt kế chuyên dụng vào mỗi buổi sáng, bạn có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể để xác định thời điểm rụng trứng.
Không rượu bia, thuốc lá: Việc uống rượu bia, thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ sảy thai và các biến chứng thai kỳ khác. Do đó, một trong những việc làm cần thiết khi chuẩn bị mang thai là tránh xa các sản phẩm này.
Kiểm soát cân nặng: Thừa cân, béo phì trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ mắc các biến chứng như tiểu đường, tăng huyết áp, tiền sản giật, sảy thai, dị tật bẩm sinh. Do đó, để chuẩn bị trước khi mang thai, bạn cần duy trì cân nặng vừa phải, có thể qua nhiều hình thức như tập thể dục thường xuyên hoặc ăn kiêng. Chế độ ăn kiêng có thể tham khảo:
- Lượng carbohydrate thấp hơn.
- Tăng lượng protein và chất béo lành mạnh.
- Rất nhiều trái cây và rau quả.
Chuẩn bị về mặt tài chính
Để chuẩn bị mang thai vợ chồng nên bàn bạc với nhau vì việc mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ rất tốn kém và gây đảo lộn các sinh hoạt hàng ngày. Tất cả các chi phí về chăm sóc thai sản, hậu sản, chăm con nhỏ có thể khiến bạn bị sốc tinh thần nếu không chuẩn bị trước.
Thực tế, chi phí phát sinh sau khi có con là rất lớn, nếu hai bạn không chủ động chuẩn bị trước rất dễ rơi vào tình trạng để con bị thiếu thốn về vật chất. Vì vậy, ngay từ bây giờ bố mẹ hãy dự phòng một quỹ tài chính để con có điều kiện phát triển bản thân, thực hiện những dự định, hoài bão.
Hai vợ chồng nên bàn bạc và đưa ra giải pháp tiết kiệm phù hợp nhất. Nên giảm bớt các chi tiêu không cần thiết, để dành tiền để gửi tiết kiệm ngân hàng hoặc mua một gói bảo hiểm thai sản. Dù lựa chọn phương án nào, hai bạn cũng nên thực hiện chính sách tiết kiệm có kỷ luật, thường xuyên, đều đặn.
Chuẩn bị tài chính trước khi có em bé
Kết luận
Lập kế hoạch mang thai không chỉ giúp tăng cơ hội có thai kỳ khỏe mạnh mà còn giúp bạn và gia đình sẵn sàng chào đón thành viên mới. Chuẩn bị tâm lý, sức khỏe, và tài chính kỹ càng sẽ giúp bạn tận hưởng trọn vẹn niềm hạnh phúc làm cha mẹ mà không phải lo lắng quá nhiều về những vấn đề phát sinh. Hãy luôn giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái và chia sẻ mọi khó khăn với đối tác để cùng nhau vượt qua mọi thử thách. Chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!