Nguyên nhân người mắc bệnh đái tháo đường hay bị đau cơ xương khớp
Ðái tháo đường là một bệnh chuyển hóa ngày càng phổ biến và gia tăng nhanh. Các biến chứng do đái tháo đường gây ra ở nhiều cơ quan trên cơ thể là điều khiến bác sĩ và bệnh nhân cùng lo ngại, trong đó có các biến chứng trên cơ xương khớp (CXK). Hãy tìm hiểu bài viết sau để có cách chăm sóc hiệu quả.
Ảnh hưởng của bệnh đái tháo đường lên hệ cơ xương khớp
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) góp phần thúc đẩy bệnh ở hệ xương khớp xuất hiện sớm hơn, nặng hơn hoặc tiến triển nhanh hơn. Mặt khác, mật độ xương của bệnh nhân ĐTĐ thấp hơn 20-30% so với người bình thường. Do đó, những biến chứng của ĐTĐ có ảnh hưởng rất nhiều tới vấn đề xương khớp. Bệnh thường tiến triển âm thầm, lúc đầu người bệnh chỉ có cảm giác khó khăn khi co duỗi ngón tay cho đến khi ngón tay hoàn toàn cong gập và đau buốt. Tổn thương gây xơ hóa và co rút cũng có thể xảy ra ở bàn chân và thể hang bộ phận sinh dục nam. Những biến chứng của bệnh tiểu đường ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng sống của người bệnh do những tác hại của nó đến khả năng lao động, nhu cầu sinh hoạt, cũng như về thẩm mỹ, tinh thần… Việc điều trị các bệnh cơ khớp này rất khó khăn. Các biến chứng cơ xương khớp của bệnh nhân bệnh ĐTĐ thường do tổn thương thần kinh và mạch máu kết hợp với sự suy giảm đề kháng giúp cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn. Do tổn thương thần kinh và mạch máu làm cho người bệnh giảm cảm giác ở những vùng tổn thương nên lại càng chủ quan dẫn đến biến chứng càng nặng nề hơn.
Nguyên nhân gây đau cơ xương khớp ở người đái tháo đường
Có nhiều cơ chế có thể gây ra đau cơ xương khớp ở người đái tháo đường. Cơ chế chính được quan sát thấy ở những người mắc bệnh tiểu đường là sự hình thành các sản phẩm cuối glycation tiên tiến không gây dị ứng (AGEs) và thụ thể AGE (RAGE) trong các cấu trúc giàu collagen. AGEs hình thành ở tất cả mọi người và thường tích lũy trong các mô khác nhau cùng với sự lão hóa.
Tuy nhiên, AGEs và RAGE hình thành với tốc độ nhanh hơn nhiều và tích lũy nhiều hơn ở những người đái tháo đường so với những người không đái tháo đường. Ở những người mắc bệnh đái tháo đường, khi nồng độ glucose cao sẽ thúc đẩy các chất trung gian tạo thành AGEs. Các AGE này thường tích lũy theo thời gian và mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh (nghĩa là thiếu kiểm soát đường huyết).
Những rối loạn chuyển hóa liên quan đến bệnh đái tháo đường mang tính chất hệ thống, có khả năng ảnh hưởng đến mọi tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, RAGE có xu hướng tích lũy nhiều hơn trong các mô gân, dây chằng và da. Hậu quả khiến các mô gân, dây chằng và da có xu hướng trở nên dày hơn, cứng hơn, kém đàn hồi và dễ bị tổn thương hơn.
Chính những thay đổi ở trên, làm cho hệ cơ xương khớp bị hạn chế vận động và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý. Cơ chế AGE-RAGE dẫn đến tăng phản ứng oxy hoá, có thể dẫn đến gia tăng tình trạng viêm. Tình trạng viêm tăng cao này gây nên các biến đổi sưng nóng đỏ đau ở cơ xương khớp.
Các vấn đề cơ xương khớp thường gặp ở người đái tháo đường
Biến chứng ở gân cơ:
- Hội chứng ống cổ tay, ống cổ chân: Người bệnh có triệu chứng tê ở bàn tay hoặc bàn chân. Cảm giác tê càng tăng lên khi bệnh nhân đứng trong một số tư thế như: buông thõng tay (hay chân), gập vùng cổ tay, cổ chân trong nhiều giờ liền. Đau tăng lên khi bệnh nhân phải gấp duỗi cổ tay như cầm sách, báo, đánh máy chữ, lái xe, sử dụng dao, đũa… Hội chứng này gặp trong 20% bệnh nhân ĐTĐ.
- Hội chứng bàn tay cứng: Hay hội chứng hạn chế vận động khớp với biểu hiện da tay bị dày lên, xơ cứng gần giống như bệnh xơ cứng bì. Hạn chế vận động khớp biểu hiện bằng các ngón tay không thể gấp và duỗi hết tầm vận động bình thường, xơ hóa các bao gân duỗi và gấp ngón tay. Ở mức độ nặng hơn, bệnh nhân không thể áp sát 2 lòng bàn tay vào nhau. Hội chứng này gặp khoảng 1/3 bệnh nhân ĐTĐ type 1.
- Hội chứng Dupuytren: Các gân gấp ở lòng bàn tay cũng dày lên do tình trạng xơ hóa, co rút (bệnh Dupuytren) khiến bàn tay và các ngón bị co rút, cong quặp lại như bàn chân chim, thường gặp ở ngón đeo nhẫn nhưng có khi lan rộng sang ngón trỏ. Nguyên nhân là do các chấn thương rất nhỏ, kín đáo, xảy ra trên người bị ÐTÐ có sẵn biến chứng mạch máu nhỏ, các tổn thương ở gân trở thành sẹo xơ và làm cho gân rút lại dần. Hội chứng này thường gặp ở 25% bệnh nhân ĐTĐ.
- Hội chứng ngón tay lò xo (ngón tay cò súng): Một dạng bệnh lý khác tương tự như bệnh Dupuytren nhưng đáp ứng khá tốt với các phương pháp điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật là bệnh lý ngón tay cò súng (hay còn gọi là ngón tay lò xo). Đây là một biến chứng khá thường gặp do viêm bao gân gấp ngón tay. Bệnh nhân có cảm giác ngón tay như bị khóa cứng lại không thể duỗi ra bình thường được mà phải cố gắng bật mạnh ra hoặc lấy ngón tay khác bẻ ra. Ngón tay bị co gấp như hình cò súng, vì bệnh nhân không thể tự mở bung ngón tay ra một khi đã cố gắng gập vào. Lúc gấp hay mở ngón tay, bệnh nhân có cảm giác như phải vượt qua nút chặn như khi bóp cò súng.
Biến chứng ở khớp và tổ chức quanh khớp:
- Hội chứng khớp vai đông cứng: Hay co rút khớp vai với triệu chứng hạn chế gần như hoàn toàn biên độ vận động của khớp vai, nhất là các động tác dạng và xoay vai. Triệu chứng đau thường nhẹ và không tương xứng khiến cho bệnh nhân hạn chế vận động. Đây là hội chứng thường gặp ở khoảng 20% bệnh ĐTĐ.
- Hội chứng vai tay: Còn gọi là hội chứng đau loạn dưỡng thần kinh phản xạ (hội chứng Sudeck) có thể gặp và thường phối hợp với hội chứng đông cứng khớp vai. Người bệnh đau lan tỏa từ trên vai lan xuống đến bàn, ngón tay, đau rất nhiều kèm theo rối loạn vận mạch (tay sưng phù, da đỏ, tím…) và thiểu dưỡng cơ, teo cơ nếu ở giai đoạn muộn.
- Viêm điểm bám gân vôi hóa cũng hay gặp, tỷ lệ bệnh gấp 3 lần người bình thường không mắc bệnh ĐTĐ với biểu hiện đau vai rất đột ngột, dữ dội, hạn chế vận động khớp nhiều.
Nếu bạn bị bệnh đái tháo đường và đang bị đau khớp, điều quan trọng là phải đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị thích hợp bạn nhé.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.