Bí quyết phòng ngừa bệnh teo cơ do đái tháo đường hiệu quả
Bệnh teo cơ do đái tháo đường là một bệnh lý nghiêm trọng, hãy tìm hiểu bài viết sau để có cách phòng ngừa hiệu quả biến chứng này nhé.
Teo cơ do đái tháo đường là gì?
Bệnh teo cơ do đái tháo đường (hay còn gọi là bệnh rễ – đám rối thắt lưng cùng do đái tháo đường, hội chứng Bruns-Garland) là một biến chứng nguy hiểm của bệnh đái tháo đường, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh và cơ bắp, thường gặp ở người trung niên, đặc biệt là bệnh nhân đái tháo đường type 2 và nam giới. Bệnh có tỷ lệ mắc mới khá cao (khoảng 4,2 ca trên 100.000 người mỗi năm) và thường được chẩn đoán muộn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Bệnh teo cơ do đái tháo đường thường ảnh hưởng đến cơ vùng đùi, hông, mông, chân, gây đau, teo cơ. Các đặc điểm chính của bệnh teo cơ do tiểu đường:
- Yếu chi dưới, mông hoặc hông.
- Teo cơ (thường gặp ở trước đùi).
- Đau ở đùi, hông, mông hoặc lưng (đôi khi đau dữ dội).
- Thường khởi phát trong thời gian ngắn.
Ngoài ra, bệnh teo cơ do tiểu đường còn có các đặc điểm khác xảy ra ở một số bệnh nhân như:
- Thay đổi cảm giác và ngứa ran ở đùi, hông hoặc mông.
- Bệnh nhân cũng có thể có bệnh thần kinh ngoại vi ở bàn chân, cẳng chân (ảnh hưởng lên cảm giác ở bàn chân, ngón chân ở cả hai bên cơ thể).
- Sụt cân.
- Các triệu chứng teo cơ thường ở một bên rồi lan sang bên còn lại của cơ thể. Tình trạng này diễn ra nhanh hoặc chậm hơn, thường không đối xứng.
- Tình trạng này có xu hướng diễn ra trong vài tháng đến 3 năm mới dần phục hồi. Đôi khi bệnh nhân phải di chuyển bằng xe lăn do đau và teo cơ.
- Một số bệnh nhân cũng bị đau hoặc yếu ở cánh tay, ngực, lưng trên.
Những ai có nguy cơ mắc bệnh teo cơ do đái tháo đường?
Bạn có nhiều khả năng mắc teo cơ do đái tháo đường nếu bạn trên 50 tuổi, mặc dù những người bệnh trẻ tuổi hơn cũng có thể bị ảnh hưởng.
Các yếu tố nguy cơ của teo cơ do đái tháo đường bao gồm:
- Bắt đầu điều trị tăng đường huyết
- Tiêm chủng
- Chấn thương
- Nhiễm trùng.
Chế độ sinh hoạt và cách phòng ngừa teo cơ do đái tháo đường
Chế độ sinh hoạ
Vận động thể dục thể thao vừa sức
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức đề kháng có tác dụng giảm viêm toàn thân, viêm cơ.
Tình trạng viêm toàn thân góp phần ảnh hưởng tình trạng kháng insulin của cơ thể vì vậy luyện tập thể dục làm tăng độ nhạy insulin để cải thiện tình trạng viêm (cơ, toàn thân, cục bộ). Tập luyện thể dục thể thao còn giúp điều chỉnh, tăng quá trình tổng hợp protein, giảm sự thoái hóa protein. Một số bài tập người bệnh tiểu đường có thể tập như: đi bộ, đạp xe…
Cải thiện chế độ ăn uống
Chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp người bệnh tiểu đường phát triển cơ bắp, giảm mỡ thừa. Người bệnh có thể bổ sung các loại thực phẩm có chứa protein như: cá, trứng, các loại đậu… để cải thiện tình trạng suy giảm khối lượng cơ bắp. Ngoài ra, các loại thực phẩm giàu vitamin D có trong các loại thực phẩm: cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ, hàu, tôm…. cũng giúp xương chắc khỏe, cải thiện cơ bắp.
Tiến hành vật lý trị liệu
Ngoài việc sử dụng thuốc, tập thể dục thường xuyên, người bệnh tiểu đường bị teo cơ cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn của bác sĩ để giữ cho cơ bắp hoạt động càng nhiều càng tốt, cải thiện tốc độ và mức độ phục hồi.
Để phòng ngừa bệnh teo cơ do đái tháo đường, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây
- Tránh hút thuốc.
- Ăn uống điều độ nhưng hợp lý, hạn chế thực phẩm giàu đường và chất béo.
- Duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
- Thường xuyên tái khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát lượng đường trong máu, tránh những biến chứng của tiểu đường.
Bệnh teo cơ do đái tháo đường vẫn có thể xảy ra. Tuy nhiên, có khả năng quá trình phục hồi sẽ nhanh hơn và dễ dàng hơn nếu các yếu tố nguy cơ đã được kiểm soát.
Bệnh teo cơ do đái tháo đường là một bệnh lý nghiêm trọng, tuy nhiên nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể cải thiện chất lượng cuộc sống và ngăn ngừa biến chứng. Hãy đi khám bác sĩ ngay nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh teo cơ do đái tháo đường.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.