Đau Dạ Dày: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Đau dạ dày là một bệnh lý thường gặp bao gồm các vấn đề về dạ dày: chướng bụng, đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn,… Điều này gây nhiều đau đớn và khó chịu cho bệnh nhân, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Đôi khi đau dạ dày có khi còn là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh khác liên quan. Vì vậy, nắm được những thông tin cơ bản về bệnh như nguyên nhân, các triệu chứng thường gặp và cách điều trị sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh.
Tổng quan chung
Dạ dày được hình thành từ 5 lớp và được sắp xếp từ trong ra ngoài gồm: lớp niêm mạc, tấm dưới của lớp niêm mạc, các lớp cơ (cơ chéo, cơ dọc, cơ vòng), tấm dưới thanh mạc và cuối cùng là lớp thanh mạc. Dạ dày có chức năng chính là nghiền nát và phân hủy thức ăn từ miệng đưa xuống một lần nữa. Thức ăn tiếp tục được trộn với dịch vị để quá trình phân hủy diễn ra. Cuối cùng, hỗn hợp này đưa chuyển xuống ruột non để nạp vào quá trình tiêu hấp thụ dinh dưỡng trong cơ thể.
Đau dạ dày là tình trạng bao tử (dạ dày) xuất hiện các cơn đau âm ỉ, nóng rát hoặc tức tại vùng thượng vị do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.
Có 3 vị trí phổ biến mà người mắc chứng đau dạ dày cần quan tâm:
- Đau vùng thượng vị: Là vùng nằm trên rốn và dưới xương ức. Bệnh nhân có cảm giác đau dữ dội hoặc đau âm ỉ kéo dài, cơn đau có thể lan sang vùng ngực hoặc xiên ra sau lưng.
- Đau vùng bụng giữa: vùng bụng giữa còn được gọi là vùng quanh rốn, nơi đây chứa nhiều cơ quan nội tạng nên rất khó để phân biệt các bệnh lý tại vùng này. Cơn đau quặn thắt hoặc âm ỉ, có thể lan sang vùng bụng phải. Bệnh nhân thường bị buồn nôn, khó tiêu, ợ chua, đầy bụng,…
- Đau vùng bụng dưới phía bên trái: Bệnh nhân có cảm giác đau khi đói, ăn vào đỡ đau nhưng tức bụng, nóng bụng, khó tiêu, đầy hơi,…
Triệu chứng của đau dạ dày
Dấu hiệu đầu tiên cần kể đến là những cơn đau, cơn đau có thể xảy ra ngay sau khi ăn hoặc khi bụng đói sau khi ăn khoảng 2 đến 3 tiếng, nhiều trường hợp cơn đau xuất hiện vào ban đêm. Cơn đau có thể thuyên giảm khi sử dụng những chất có tác dụng trung hòa acid hoặc sau khi ăn. Ngoài ra còn một số dấu hiệu nhận biết đau bao tử như sau:
- Nôn, buồn nôn vào thời điểm đánh răng buổi sáng, đối với phụ nữ mang thai cũng cần lưu ý đến biểu hiện này;
- Đầy hơi khó tiêu, hay ợ chua sau khi ăn 3 – 4 tiếng hoặc vào mỗi buổi sáng;
- Cơ thể mệt mỏi, chán ăn, sụt cân;
- Nếu bị đau bao tử ở mức độ nặng ( loét, u ) có thể biến chứng chảy máu, do vậy đôi lúc cũng cần chú ý đến màu phân của mình để phòng ngừa nguy cơ bị đau bao tử nặng.
Nguyên nhân gây đau dạ dày
Có nhiều nguyên nhân gây đau dạ dày như:
Do vi sinh vật: Nhiều loại vi khuẩn, nấm gây nên tình trạng viêm loét dạ dày gây đau, xuất huyết. Trong đó, phổ biến nhất là vi khuẩn HP, viết tắt từ Helicobacter pylori. Nhiều trường hợp bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP nhưng không bị loét dạ dày, việc uống nhiều rượu bia, ăn đồ độc hại sẽ tạo môi trường tốt cho vi khuẩn phát triển và gây hại dạ dày.
Do thói quen ăn uống: Thói quen ăn uống thiếu khoa học là nguyên nhân hàng đầu gây nên chứng viêm loét dạ dày. Những người có thói quen xấu trong ăn uống thường mắc phải bệnh liên quan đến dạ dày:
- Ăn uống không điều độ, đúng giờ, ăn quá khuya.
- Ăn quá no hoặc để bụng quá đói.
- Ăn nhiều đồ chua, đồ cay nóng, chiên rán.
- Vừa ăn vừa làm những việc khác như xem tivi, đọc sách, chơi game, học bài,…
- Sử dụng các thực phẩm không đảm bảo chất lượng, thực phẩm bẩn, ôi thiu, hư hỏng,…
- Sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, các chất kích thích.
Yếu tố tâm lý: Những người thường xuyên bị căng thẳng, áp lực thường có nguy cơ đau dạ dày cao hơn những người bình thường. Nguyên nhân là do căng thẳng, áp lực khiến dạ dày tăng co bóp và tiết dịch, mất cân bằng dẫn đến tự bào mòn niêm mạc gây viêm loét.
Do bệnh lý: Một số bệnh lý đường tiêu hóa gây ảnh hưởng xấu đến chức năng của dạ dày như: viêm hoặc ung thư tuyến tụy, túi mật, viêm ruột, hội chứng ruột kích thích,… Ngoài ra, đau dạ dày còn có thể là hậu quả của các bệnh lý tại tuyến giáp do tuyến này điều khiển chức năng tiêu hóa của dạ dày.
Do dùng thuốc: Các thuốc kháng viêm không chứa steroid và thuốc kháng sinh liêu cao gây ức chế hệ vi sinh vật có hại trong dạ dày, dẫn đến nhiều hệ lụy không mong muốn như: viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày,….
Đối tượng nguy cơ đau dạ dày
Theo các chuyên gia y tế, ai cũng có thể bị mắc bệnh đau dạ dày nhưng đối tượng dễ có nguy cơ mắc bệnh hơn gồm:
- Những người thường uống rượu bia nhiều, hút thuốc lá và uống cà phê khi đói
- Thường ăn những thức ăn cay nóng, quá chua, thức ăn bị nhiễm độc
- Những người hay dùng thuốc giảm đau kháng viêm
- Những người hay cảm thấy chán nản, mệt mỏi, bị stress…
Chẩn đoán đau dạ dày
Để chẩn đoán đau dạ dày, ban đầu, bác sĩ sẽ đặt ra một số câu hỏi để nắm rõ tình hình bệnh lý hiện tại của người bệnh. Đó có thể là vị trí, mức độ cơn đau, những thay đổi trong nước tiểu… Sau đó, tùy theo tình trạng, bác sĩ sẽ quyết định phương pháp chẩn đoán phù hợp. Nội soi thực quản dạ dày là phương pháp tốt nhất để chẩn đoán nguyên nhân. Ngoài ra siêu âm bụng, chụp X quang bụng hoặc chụp CT, cộng hưởng từ… cũng giúp chẩn đoán loại trừ các bệnh khác.
Điều trị đau dày
Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa sẽ khám và có thể xét nghiệm, nội soi. Nếu có kết quả chính xác, tùy từng người bệnh mà bác sĩ thường kê đơn kháng sinh, kháng tiết axit, kết hợp thuốc trung hòa acid. Bác sĩ cũng hướng dẫn thay đổi lối sống, cách ăn uống, chỉ ra thực phẩm lành mạnh, món ăn tốt cho dạ dày để đem lại hiệu quả điều trị.
Phòng ngừa bệnh
Đau dạ dày là tình trạng bệnh lý rất phổ biến, có thể xảy ra ở nhiều đối tượng, lứa tuổi khác nhau. Bệnh có thể tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, sinh hoạt cũng như sức khỏe. Vì vậy, việc phòng ngừa bệnh đau bao tử ngay từ sớm là hoàn toàn cần thiết. Một số giải pháp hữu ích có thể áp dụng như:
- Không bỏ bữa, không ăn quá no để bao tử không bị áp lực xử lý hàng tồn kho.
- Ăn chậm, nhai kỹ để tăng sự bài tiết của nước bọt, giúp dạ dày giảm bớt hoạt động và trung hòa acid trong dạ dày làm giảm cơn đau.
- Không ăn thực phẩm lạnh khiến dạ dày co bóp quá nhiều.
- Không chạy nhảy, tập thể dục,… ngay sau ăn.
- Không uống bia rượu, đồ ăn dầu mỡ, cay nóng khó tiêu.
- Tăng cường thực phẩm tốt cho dạ dày: táo, gừng, sữa chua, bánh mì nướng, nước dừa, đậu bắp, cây bạc hà,…
Trên đây là tổng hợp tất cả các thông tin liên quan đến tình trạng đau dạ dày thường gặp. Hy vọng với những chia sẻ này, người bệnh đã cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích để có thể theo dõi và phát hiện sớm vấn đề bệnh lý của mình.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.