Các dấu hiệu nhận biết lupus ban đỏ hệ thống gây tổn thương thận là gì?
Theo thống kê cho thấy, cứ 3 người bị lupus ban đỏ hệ thống thì có một người mắc biến chứng tổn thương ở thận dạng viêm mạn tính, hay còn gọi là bệnh thận do bệnh lupus ban đỏ hệ thống.
Lupus ban đỏ hệ thống là gì?
Lupus ban đỏ hệ thống (Tiếng Anh: Systemic lupus erythematosus – SLE) là bệnh tự miễn dịch, trong đó các tế bào và tổ chức bị tổn thương bởi sự lắng đọng các tự kháng thể bệnh lý và phức hợp miễn dịch.
Hiểu một cách đơn giản thì trong bệnh lupus ban đỏ hệ thống, hệ miễn dịch thay vì thực hiện chức năng bảo vệ cơ thể thì quay sang tấn công chính các mô của nó, gây viêm lan rộng và tổn thương mô ở các cơ quan bị ảnh hưởng. Lupus ban đỏ hệ thống gây ảnh hưởng rộng đến da, khớp, tim mạch, phổi, thận, hệ tiêu hóa và não.
Hiện nay chưa có cách chữa khỏi bệnh lupus, nhưng việc điều trị có thể giúp kiểm soát và hạn chế mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Ban đỏ trên mặt là triệu chứng phổ biến của bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Lupus ban đỏ hệ thống gây tổn thương thận là gì?
Viêm thận lupus là bệnh tổn thương thận thứ phát do bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Bệnh có cơ chế tự miễn dịch, biểu hiện lâm sàng bao gồm triệu chứng của bệnh lupus và triệu chứng của bệnh thận.
Triệu chứng có thể bao gồm:
- Cao huyết áp
- Nước tiểu nhiều bọt và phù, thường ở chân, bàn chân, hay mắt cá chân và thường ít ở tay hay mặt hơn.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc lupus ban đỏ bao gồm:
- Giới tính: lupus phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt là khi mang thai và có kinh nguyệt
- Thường xuyên tắm nắng hoặc tiếp xúc trực tiếp với nắng
- Bị nhiễm trùng
- Dùng thuốc đặc trị, đặc biệt là thuốc chống động kinh, hạ huyết áp và kháng sinh
- Tuổi tác: mặc dù lupus ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng thường được chẩn đoán trong độ tuổi từ 15 và 40.
- Người Mỹ gốc Phi và người Châu Á và người có tổ tiên gốc Tây Ban Nha mắc bệnh nhiều hơn người da trắng.
Bệnh nhân lupus ban đỏ đa phần là nữ giới
Cách phòng tránh lupus ban đỏ hệ thống
Vì đây là bệnh tự miễn và nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa xác định nên khó có thể phòng ngừa việc phát triển bệnh lupus ban đỏ. Tuy nhiên một số đối tượng nguy cơ cao có thể dự phòng bệnh bằng cách để ý đến những dấu hiệu cảnh báo của bệnh như xuất hiện triệu chứng mệt mỏi, phát ban trên da theo dạng đặc trưng, đau bụng, đau khớp, chóng mặt.
Một vài gợi ý sau đây sẽ giúp các bạn hạn chế được nguy cơ mắc bệnh:
- Xây dựng chế độ nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc.
- Cẩn thận khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các tia cực tím trong ánh nắng sẽ gây ra những đợt phát ban, cần bảo vệ bằng cách đội nón, mặc áo dài tay và quần dài. Đừng quên bôi kem chống nắng khi ra ngoài.
- Không hút thuốc bởi thuốc lá làm trầm trọng thêm biến chứng của lupus lên hệ tim mạch.
- Tập luyện đều đặn giúp cơ thể hồi phục sau các đợt phát ban.
- Xây dựng chế độ ăn lành mạnh, bổ sung nhiều trái cây, rau củ quả, hạt.
- Sử dụng các loại thuốc: dầu cá, vitamin D, calcium, thuốc chống viêm không chứa steroid,…
- Thăm khám đều đặn với bác sĩ để đề phòng tái phát, giúp giải quyết những vấn đề về tâm lý,…
Bảo vệ da dưới tác động của ánh mặt trời giúp phòng ngừa bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Việc phát hiện sớm triệu chứng giúp bệnh nhân có thể được chẩn đoán và điều trị sớm, giúp giảm tác động tiêu cực của bệnh đối với sức khỏe, giảm chi phí điều trị và thời gian nằm viện.