Nguyên nhân mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống gây tổn thương thận
Lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh tự miễn điển hình, bệnh có thể gây biến chứng lên thận, nên còn được gọi là viêm cầu thận lupus. Tình trạng viêm cầu thận nếu không được kiểm soát tốt có thể dẫn đến suy thận.
Một số dấu hiệu của viêm thận lupus bao gồm:
- Tăng cân
- Huyết áp cao
- Nước tiểu có màu đậm
- Nước tiểu sủi bọt (do thừa protein trong nước tiểu)
- Nhu cầu đi tiểu đêm tăng
- Xuất hiện máu trong nước tiểu
- Sưng ở tay, mắt cá chân hoặc bàn chân
Những biến chứng suy thận của bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh nhân có thể gặp phải các biến chứng lupus tại thận sau:
- Khoảng 10 – 30% bệnh nhân bị viêm thận lupus bị suy thận.
- Dạng viêm thận lupus nặng nhất là viêm thận tăng sinh lan tỏa, tình trạng này có thể gây hình thành sẹo ở thận. Sẹo là tổn thương vĩnh viễn, chức năng thận thường bị suy giảm khi hình thành sẹo nhiều hơn.
- Những người bị viêm thận lupus có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao, chủ yếu là ung thư hạch tế bào B – loại ung thư bắt đầu trong các tế bào của hệ thống miễn dịch.
- Bệnh nhân viêm thận lupus cũng có nguy cơ cao gặp phải các vấn đề về tim mạch.
Biến chứng nghiêm trọng nhất của bệnh viêm thận lupus là tổn thương thận vĩnh viễn, làm suy giảm chức năng thận, gây ra bệnh thận mạn tính hoặc suy thận. Lúc này, để duy trì chức năng thận, người bệnh có thể cần chạy thận hoặc ghép thận.
Lupus ban đỏ hệ thống có thể gây tổn thương ở các cơ quan nội tạng như ở thận với tình trạng viêm cầu thận, hội chứng thận hư, suy thận
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính gây bệnh viêm thận lupus là do bệnh lupus ban đỏ hệ thống. Trong các nguyên nhân gây bệnh, di truyền có vai trò quan trọng nhất. Nhiều gen vẫn chưa được xác định có liên quan tới tình trạng này. Thông thường, hệ miễn dịch là hàng rào bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Tuy nhiên, khi có vấn đề, hệ miễn dịch không thể phân biệt được giữa những chất có hại và có lợi cho sức khỏe.
Tự miễn dịch đóng góp một phần đáng kể vào sinh lý bệnh của viêm thận lupus. Tự kháng thể trực tiếp chống lại các yếu tố hạt nhân. Kháng nguyên hướng đặc hiệu vào nucleosome, tự kháng thể có ái lực cao hình thành phức hợp miễn dịch nội mạch, tự kháng thể của các isotype nhất định kích hoạt bổ sung là các đặc tính của viêm thận lupus.
Phương pháp điều trị
Y học thế giới hiện nay vẫn chưa thể điều trị dứt điểm bệnh viêm thận lupus. Những phương pháp điều trị chỉ giúp giảm triệu chứng, làm chậm tiến triển bệnh, giảm nguy cơ lọc máu và ghép thận. Tùy theo tình trạng bệnh của mỗi người, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng những loại thuốc như:
- Thuốc corticoid: Thuốc có tác dụng giảm viêm. Bác sĩ thường chỉ định sử dụng cho tới khi tình trạng viêm cải thiện. Tuy nhiên, thuốc có một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Vì thế, người bệnh cần sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn từ bác sĩ.
- Thuốc ức chế miễn dịch: Azathioprine, cyclophosphamide, voclosporin, mycophenolate… có thể ức chế hoạt động của hệ thống miễn dịch gây tổn hại đến thận.
- Thuốc kiểm soát huyết áp: Các loại thuốc ức chế men chuyển (ACE) và thuốc chẹn thụ thể angiotensin II (ARB) giúp ngăn protein rò rỉ từ thận vào nước tiểu.
- Thuốc ngăn ngừa hình thành cục máu đông (nếu cần).
Sử dụng thuốc trong điều trị lupus
Ngay cả khi đã điều trị, tình trạng mất chức năng thận vẫn có thể tiếp tục phát triển. Nếu điều trị bằng thuốc không còn hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh lọc máu. Phương pháp này giúp loại bỏ chất lỏng và chất thải khỏi cơ thể, duy trì cân bằng những khoáng chất trong máu, đồng thời kiểm soát huyết áp.
Ghép thận thường là phương pháp điều trị cuối cùng đối với người bệnh viêm thận lupus.
Kết luận
Viêm thận lupus là một biến chứng nghiêm trọng nhất, tuy nhiên hầu hết những người được điều trị kịp thời đều không bị suy thận. Để ngăn ngừa viêm thận lupus diễn tiến nặng hơn và tránh các tình huống cấp cứu, ngăn chặn những tổn thương thận sớm người bệnh cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Vì vậy, các bệnh nhân bị lupus cần thường xuyên thăm khám định kỳ, theo dõi sức khỏe nhằm kiểm soát tốt tình trạng bệnh.