8+ dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nên biết càng sớm càng tốt
Sau một bữa ăn ngon miệng với người thân và bạn bè, nhưng bạn lại xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy hoặc nôn mửa, đó có thể là các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm. Vậy, làm thế nào để nhận biết các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc thực phẩm chuẩn xác nhất? Hãy cùng Pharmacity khám phá ngay trong bài viết sau đây!
Ngộ độc thực phẩm là gì?
Ngộ độc thực phẩm hay còn gọi là trúng thực, xảy ra khi tiêu thụ thực phẩm hoặc đồ uống bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc chứa các chất gây hại khác, bởi các nguyên nhân cụ thể sau:
- Vi sinh vật gây bệnh: Các loại vi khuẩn, virus, hoặc ký sinh trùng có hại xâm nhập vào thực phẩm và sản sinh ra độc tố. Nếu không được nấu chín kỹ hoặc bảo quản đúng cách, những vi sinh vật này có thể tồn tại và gây bệnh khi chúng ta ăn phải.
- Độc tố tự nhiên: Một số loại thực phẩm, đặc biệt là hải sản, nấm dại, có chứa độc tố tự nhiên. Việc tiêu thụ những thực phẩm này có thể gây ngộ độc ngay cả khi chúng còn tươi sống.
- Chất hóa học: Các chất hóa học độc hại như thuốc trừ sâu, chất bảo quản thực phẩm khi sử dụng quá liều hoặc không đúng cách cũng có thể gây ngộ độc.
Triệu chứng của ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện trong vòng vài giờ đến vài ngày sau khi ăn phải thức ăn bị nhiễm bẩn. Các triệu chứng phổ biến bao gồm: Đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, sốt, mệt mỏi. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng phụ thuộc vào loại thực phẩm bị nhiễm bẩn, lượng thức ăn tiêu thụ và sức khỏe của từng người.
Các dấu hiệu ngộ độc thực phẩm nên lưu tâm
Trước khi xác định được bị ngộ độc thực phẩm nên làm gì, đầu tiên mọi người cần phải nhận biết các biểu hiện ngộ độc thực phẩm thường gặp như sau:
Đau bụng
Đau bụng là một trong những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm phổ biến và xuất hiện sớm nhất khi cơ thể mắc bệnh. Khi ăn phải thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc chứa độc tố, các tác nhân gây hại này sẽ tấn công và làm tổn thương niêm mạc dạ dày và đường ruột. Điều này gây ra phản ứng viêm, kích thích các dây thần kinh và dẫn đến cảm giác đau bụng dữ dội.
Đau bụng do ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện ở vùng trên rốn hoặc quanh rốn, có thể kèm theo các cơn co thắt. Cơ thể sẽ tự động tăng cường nhu động ruột để đẩy nhanh quá trình loại bỏ các chất độc hại, gây ra tình trạng tiêu chảy. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đau bụng là triệu chứng chung của nhiều bệnh lý khác nhau và chưa thể xác định hoạt toàn là do ngộ độc.
Tiêu chảy
Tiêu chảy dấu hiệu thường gặp, khi ăn phải thức ăn bị nhiễm khuẩn hoặc độc tố, hệ tiêu hóa sẽ phản ứng bằng cách tăng cường nhu động ruột. Dẫn đến tình trạng đi ngoài phân lỏng nhiều lần, khiến cơ thể mất nước và điện giải nghiêm trọng, gây suy nhược và ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể.
Ngoài ra, có thể đi kèm với một số dấu hiệu ngộ độc thực phẩm khác như: Cảm giác luôn muốn đi vệ sinh, đầy hơi hoặc bị đau bụng. Tiêu chảy nhiều lần có thể khiến cơ thể mất nước trầm trọng, gây ra tình trạng mất cân bằng điện giải và tụt huyết áp, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.
Đau đầu
Ngoài các triệu chứng tiêu hóa điển hình như nôn mửa và tiêu chảy, đau đầu cũng là một dấu hiệu cảnh báo có thể bạn đang bị ngộ độc thực phẩm. Cơn đau đầu này thường đi kèm với cảm giác chóng mặt và mệt mỏi, đặc biệt khi cơ thể bị mất nước và sốt.
Tuy nhiên, đau đầu có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như căng thẳng, mất ngủ hoặc do chế độ ăn uống không hợp lý. Để xác định chính xác, bạn nên theo dõi các triệu chứng khác đi kèm và tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn là phản ứng tự nhiên và tiêu biểu nhất của cơ thể khi bị ngộ độc thức ăn. Khi cơ bụng và cơ hoành co bóp mạnh, chúng ta sẽ có cảm giác buồn nôn và sau đó là nôn ra những gì còn lại trong dạ dày. Đây là một cơ chế bảo vệ giúp cơ thể loại bỏ các chất độc hại, vi khuẩn gây bệnh hoặc thức ăn bị ôi thiu, nhằm ngăn chặn chúng gây hại cho sức khỏe.
Các cơn nôn mửa có thể kéo dài khác nhau tùy từng trường hợp, từ nhẹ đến nặng. Sau khi nôn, một số người sẽ cảm thấy dễ chịu hơn, nhưng cũng có người vẫn tiếp tục nôn nhiều lần. Để đảm bảo sức khỏe và ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm, khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc thực phẩm, bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Chán ăn và dễ mệt mỏi
Khi bị ngộ độc thức ăn, bạn thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn và không muốn ăn uống. Những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm này xảy ra vì cơ thể đang cố gắng chống lại các vi khuẩn gây hại. Khi đó, cơ thể sẽ sản sinh ra một loại chất gọi là cytokine để tiêu diệt vi khuẩn, quá trình này cũng khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và đau nhức.
Dấu hiệu ngộ độc thực phẩm là ớn lạnh và rùng mình
Khi bị ngộ độc thực phẩm, các chất độc hại xâm nhập vào cơ thể kích thích hệ miễn dịch sản sinh ra pyrogen. Chất này tác động lên não, khiến cơ thể cảm thấy lạnh và bắt đầu run rẩy. Các cơn co thắt cơ bắp nhanh chóng sẽ giúp tăng nhiệt độ cơ thể, nhằm tiêu diệt các vi khuẩn gây hại.
Bị sốt
Khi bị ngộ độc, cơ thể bạn sẽ phản ứng lại sự xâm nhập của vi khuẩn hoặc độc tố bằng cách tăng nhiệt độ, khi vượt quá 38 độ C, gây nên sốt. Nguyên nhân là do hệ thống miễn dịch hoạt động mạnh mẽ để chống lại tác nhân gây bệnh, đồng thời các chất pyrogen (do vi khuẩn tiết ra) cũng kích thích cơ thể tăng nhiệt độ. Các chất pyrogen này gửi tín hiệu khiến não nghĩ rằng cơ thể đang bị lạnh, từ đó kích hoạt cơ chế tăng nhiệt để bảo vệ cơ thể.
Đau cơ
Khi bị ngộ độc thức ăn, cơ thể chúng ta sẽ tấn công vi khuẩn gây bệnh, quá trình này sẽ có một loại chất gọi là histamine sẽ được sản sinh ra. Histamine giống như một tín hiệu báo động, nó khiến các mạch máu mở rộng ra để tế bào miễn dịch dễ dàng tiếp cận vi khuẩn hơn. Tuy nhiên, histamine cũng có thể gây ra các phản ứng phụ như đau nhức cơ bắp, đó là lý do tại sao nhiều người bị ngộ độc thường cảm thấy mỏi mệt và đau cơ.
Ngộ độc thực phẩm nên ăn gì để tăng cường sức khỏe?
Nên ưu tiên các loại thức ăn dễ tiêu, lỏng, nhạt như cháo loãng, soup, nước canh, trái cây mềm (chuối, táo,…). Chúng sẽ giúp bổ sung nước và chất điện giải bị mất, đồng thời giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, bạn cũng có thể bổ sung thêm lòng trắng trứng, bánh mì nướng và các loại ngũ cốc, cần tránh thức ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, đồ uống có ga, rượu bia,…
Trên đây là tổng quan những dấu hiệu ngộ độc thực phẩm phổ biến và thường gặp nhất mà mọi người nên lưu ý để bảo vệ sức khỏe. Với tình trạng bị ngộ độc không quá nặng, có thể hết sau vài ngày nhưng nếu kéo dài và kèm theo nhiều dấu hiệu khác, bạn nên đi khám ngay để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng nguy hiểm.